Lão hà tiện
Ngày xửa ngày xưa, có một lão hà tiện yêu tiền hơn yêu cuộc sống của mình. Ông ta có một đứa con mười tuổi và rất nhiều nô bộc trong nhà. Lão hà tiện thấy nô bộc của mình cứ ra ra vào vào, trong lòng rất lo lắng. Hắn nghĩ, nếu nô bộc lấy cắp đồ đạc của mình mà mình không biết thì rõ ràng là đã mất quá nhiều!
Lão hà tiện liền đuổi việc tất cả nô bộc trong nhà, bán cả nhà, đổi toàn bộ tài sản của mình thành vàng và chôn xuống đất. Hắn và đứa con trai ở trong hai căn phòng nhỏ, sống cuộc sống bình thường như những người khác. Không lâu sau đó, lão hà tiện lại có nỗi khổ khác, lão e rằng tiền vàng mà mình chôn dưới đất sẽ bị ai đó phát hiện ra. Thế là ngày nào lão cũng đào tiền vàng lên kiểm tra, chỉ khi tận mắt nhìn thấy những đồng tiền vàng óng lão mới yên tâm.
Hành động kỳ quặc đó của lão hà tiện khiến mọi người chú ý, đặc biệt là người chăn cừu hàng xóm. Có một hôm, lão hà tiện lại đến chỗ giấu vàng, đảo mắt nhìn quanh thấy không có ai mới dám nhẹ nhàng đào hòm tiền vàng lên, đếm đi đếm lại, sau đó lại chôn vào chỗ cũ, yên tâm về nhà. Người chăn cừu nấp đằng sau một cái cây đã nhìn thấy tất cả. Thế là anh liền đến chỗ lão hà tiện chôn hòm tiền vàng, đào lên và mang chia cho những người nghèo trong làng.
Ngày hôm sau, lão hà tiện lại đến chỗ chôn tiền vàng kiểm tra, khi phát hiện ra tiền vàng không còn nữa, liền ôm mặt khóc rưng rức. Có người thấy vẻ đau khổ của lão hà tiện liền hỏi nguyên do và an ủi:
– Ông đừng buồn nữa, tiền vàng tuy là của ông, nhưng từ trước đến nay ông chưa dùng gì đến nó, như vậy còn có ý nghĩa gì nữa? Bây giờ tuy không còn tiền nữa, nhưng nếu tiền có thể phát huy được tác dụng của nó, thì ông cũng nên cảm thấy vui mừng thay nó chứ, phải không?
Lời bàn:
Tiền dù có nhiều đến mấy nhưng không phát huy được tác dụng của nó thì cũng chỉ giống như đống sắt vụn mà thôi.