Xưa có một người sống bằng nghề khuân vác. Bữa cơm nào anh ta cũng ăn ngon miệng. Khi có thời gian anh ta thường đi vào phố ăn ở một tiệm nhất định. Tiệm ăn đó đối diện với ngôi nhà của một người giàu có. Người giàu ấy thường nhìn thấy anh ta ăn rất ngon lành, ông ta băn khoăn tự hỏi: “Làm sao người nghèo đó lúc nào cũng ăn ngon miệng thế? Sao anh ta lại ăn nhiều đến như vậy? Tại sao mình chẳng có nhu cầu ăn như thế nhỉ?
Một hôm người giàu gặp người bạn, ông ta là một thương gia sống ở ngoại ô thành phố. Người giàu nói với bạn về sức ăn của người khuân vác. Người thương gia cũng ngạc nhiên không kém, ông ta nói:
- Tôi chỉ ăn rất ít. Chẳng bữa nào tôi thấy ngon miệng. Thức ăn muốn tắc lại nơi cổ họng và tôi không thể nuốt nổi. Chúng ta hãy để ý xem chuyện gì sẽ xảy ra khi người khuân vác kia trở thành một người giàu có như chúng ta.
Người thương gia giàu quyết định mời người khuân vác đến nhà mình và cho anh ta thật nhiều vàng bạc. Nghĩ vậy ngay ngày hôm sau ông ta mời chàng khuân vác đến và bảo:
- Này anh bạn, tôi có công việc cho anh đây, hãy đến nhà tôi.
Chàng khuân vác đi theo ông thương gia về nhà. Người thương gia cầm chìa khoá mở cửa. Chàng khuân vác nhìn thấy gian nhà đầy đồng đỏ nguyên chất. Ông ta lại mở gian thứ hai, đầy ắp toàn những đồng tiền vàng. Chàng khuân vác hỏi chủ nhân ngôi nhà:
- Thưa ngài, ngài bảo tôi đến đây có việc, vậy đó là việc gì ạ?
Người thương gia trả lời:
- Hãy lấy vàng đi, anh lấy được bao nhiêu thì đó là của anh. Tôi mời anh đến đây là vì như vậy.
Chàng khuân vác vội buộc ống quần và ống tay áo lại. Sau đó anh ta nhét đầy vàng vào trong. Xong xuôi anh ta đi về nhà với đầy tiền vàng trong quần áo. Về tới nhà anh ta bỏ những đồng tiền vàng vào một cái bình. Nhưng chưa đầy đến miệng, còn khoảng bốn đốt ngón tay nữa. Chàng khuân vác tự nhủ: “Phải làm cho cái bình này đầy tiền. Mình sẽ không mua gạo và quần áo nữa. Mình sẽ cóp nhặt từng xu cho tới khi cái bình đầy ắp tiền”. Nghĩ thế nào anh ta làm thế. Anh ta không dám ăn, không mua quần áo mới cho mình, cho vợ và cho những đứa con của anh ta.
Một hôm người khuân vác gặp ông thương gia, người đã cho anh vàng. Ông thương gia nhìn thấy anh ngạc nhiên hỏi:
- Sao mặt mũi anh lại phờ phạc thế kia? Sao anh gầy yếu thế?
Chàng khuân vác trả lời:
- Tôi ăn không thấy ngon miệng. Tôi bỏ số vàng ông cho vào một cái bình. Nhưng nó chưa đầy vì vậy tôi luôn luôn ăn không ngon miệng.
Ông thương gia lại mời chàng khuân vác tới nhà mình và nói:
- Anh hãy đem cái bình tới nhà tôi và cho đầy vàng vào đấy.
Chàng khuân vác cầm cái bình và đi đến nhà ông thương gia. Anh ta vừa bước vào cửa, ông thương gia giằng lấy cái bình và đập nó vỡ ra từng mảnh.
Những đồng tiền vàng lăn long lóc trên sàn nhà. Ông thương gia cáu tiết quát tháo mắng mỏ:
- Nếu anh không biết làm gì với số vàng đó thì anh không cần giữ nó làm gì!
Nói rồi ông ta đá cho anh khuân vác một cái thật mạnh. Mạnh đến nỗi chàng ta lăn xuống bậc thang va đầu vào cửa và bị mù cả hai mắt.
Chàng bốc vác mù loà chẳng còn cách nào khác là đi ăn xin của bố thí. Hễ có ai cho anh ta một xu thì anh lại nói:
- Trước khi cho tôi tiền, hãy tát cho tôi một cái, bởi vì tôi đáng bị như thế.
Từ khi bị mù, anh ta sợ không dám về nhà. Anh ta lang thang khắp các ngõ hẻm trong thành phố cho tới khi tìm thấy túp lều nhỏ bỏ không và lấy đó làm nơi trú ngụ của mình.
Mỗi ngày khi về tới lều anh ta thường lấy cái gậy khua khắp lều xem có người nào trong đó không. Rồi anh ta đào một cái lỗ và bỏ tất cả số tiền xin được vào đấy. Anh ta không bao giờ đem tiền xin được đi mua gạo và thức ăn. Anh ta chỉ ăn bánh mì mà ai đó vì thương hại đã cho anh ta. Thời gian cứ thế trôi đi. Nhưng rồi có một tên trộm đã để ý đến chàng ăn xin mù loà hằng ngày thường ngồi ở một nơi nhất định. Tên trộm nghĩ. “Hắn ta không dùng tiền để mua bất cứ thứ gì, bởi vì những thứ hắn cần thì người ta cho hắn ăn rồi. Vậy số tiền xin được hắn để làm gì?”
Một buổi tối tên trộm đi theo người ăn xin. Gã đi rất nhẹ theo sau và lẻn vào túp lều. Gã cẩn thận tránh cái gậy của người ăn xin khi anh ta khua khắp lều. Sau đó tên trộm nhìn thấy cái hố của người ăn xin ở dưới gầm ghế đầy những đồng tiền mà anh ta đã dành dụm được một năm qua. Hôm sau, lúc người ăn xin đã rời khỏi lều, tên trộm lấy sạch tất cả số tiền trong cái hố đó.
Tên trộm lập tức đem số tiền đó xây nhà, mở cửa hiệu và trở thành người giàu có.
Một lần tên trộm đi qua chỗ người ăn xin mù. Gã cho anh ta một đồng tiền và một ổ bánh mì. Người ăn xin lại nói: “Trước khi cho tôi tiền, hãy cấu tôi một cái”.
Tên trộm làm như người ăn xin yêu cầu rồi đưa tiền và bánh mì cho anh ta. Anh ta cắn một miếng bánh mì, nhai và nuốt nhưng miếng bánh cứ tắc nơi cổ họng nên anh ta đành nhổ nó ra ngoài. Ngay sau đó anh ta liền lao vào tên trộm và kêu ầm lên: “Cướp! Cướp!” Ngay lập tức một đám người vây quanh tên trộm và bắt hắn. Cảnh sát dẫn cả hai người vế đồn. Người ăn xin mù nói:
- Người này đã lấy trộm tất cả số tiền mà tôi dành dụm được.
Cảnh sát hỏi:
- Anh bị mù như thế, làm sao mà anh biết được?
Người ăn xin giải thích:
- Ổ bánh mì mà hắn mua là bằng tiền của tôi.
Đúng vậy, bởi vì nó tắc ở cổ họng tôi. Tôi không bao giờ ăn nổi bánh mì mua bằng tiền của chính tôi. Họ không tin lời anh ta nói. Họ bèn mang hai ổ bánh mì đến. Họ mua một ổ bánh mì bằng tiền của cảnh sát, ổ kia mua bằng tiền của tên trộm. Quả nhiên ổ bánh mì mua bằng tiền của cảnh sát anh ta ăn ngon lành. Còn ổ bánh mì mua bằng tiền của tên trộm thì anh không làm sao nuốt nổi. Cảnh sát liền thấy những lời anh ta nói là sự thật. Tên trộm bị bắt giữ. Hắn ta đã nhận tội và đem trả lại người mù tất cả số tiền mà hắn lấy. Người mù tìm đến một thầy thuốc để chữa mắt và sau đó mắt anh ta sáng trở lại như xưa.