Anh khờ làm quan thượng thư

Anh khờ chỉ làm thượng thư

Ngày xưa, có một người tiều phu sống với vợ mình ở một vùng núi non hẻo lánh. Để kiếm miếng ăn hàng ngày, anh phải làm việc cực nhọc ở trong rừng. Từ thuở ấu thơ, người đàn ông ngay thẳng lương thiện và thật thà này ở suốt ngày trên núi, làm việc từ sáng tới tối. Trong hoàn cảnh đó, làm sao anh có thể học hành và mở mang trí tuệ? Thực tế là anh biết rất ít việc đời và mọi người ở trong làng sẵn sàng coi anh là người khờ khạo.

Một hôm, người tiều phu từ trên núi về nhà, vác trên lưng bó củi to và thấy một đoàn người long trọng trên con đường hẹp. Quan huyện vùng này ngồi trên kiệu có bốn người khiêng đang đi tới với các thuộc viên. Binh lính vung búa dẹp đường.

– Tránh đường cho chúng ta, đồ vô lại! Ngươi không thấy quan huyện đi tới sao? – Họ quát tháo anh tiều phu.

Còng lưng dưới bó củi nặng, anh cố lui khỏi con đường mòn hẹp nhưng không được. Thế là một tên lính đẩy anh một cách hung bạo, làm anh ngã xuống vũng bùn cạnh đấy.

– A ha! Nhìn cái mặt của thằng ngốc kia kìa? – Quan huyện cười khẩy khi thấy anh tiều phu ngơ ngác cố gượng mang bó củi nặng đứng dậy.

“Đáng xấu hổ thay, những tên vô lại! Sao các ngươi có thể cư xử bỉ ổi như vậy với một con người?” – Anh tiều phu tức giận nghĩ thầm.

Tuy nhiên, anh không dám lớn tiếng phản đối. Sự nhục mạ này xúc phạm anh rất nặng nên anh cũng không thèm tìm cách ra khỏi cái vũng, anh nằm trong bùn, ngẫm nghĩ về sự bất công trên đời. Một lúc sau, một người hàng xóm gặp anh trong tình trạng đó.

– Anh làm gì mà lặn lội trong bùn vậy? – Người đó hỏi.

Anh tiều phu kể lại mọi chuyện. Khi anh kể xong người kia nhếch mép kết luận:

– Anh đừng oán than nữa. Đó là số phận của người nghèo hèn chúng ta. Hoặc giả anh được làm quan thì anh sẽ không bao giờ gặp chuyện rủi ro như vậy.

Anh tiều phu suy nghĩ một lúc rồi buột miệng:

– Anh có lý, tôi cũng kiếm một chức quan!

Và bỏ bó củi trong vũng bùn, anh trở về nhà.

– Anh mất trí rồi! – Vợ anh than khi anh kể lại câu chuyện và cho biết quyết định của mình. – Anh nên trở lại tìm bó củi và quên những chuyện ngốc nghếch đó đi. Một người tiểu phu dốt đặc như anh mà có thể làm quan được sao?

Nhưng từ đó anh tiều phu chỉ nghĩ tới chuyện làm quan. Ngày nào anh cũng tới làng và hỏi phải làm thế nào để kiếm được một chức quan danh giá.

– Phải học thuộc lòng nhiều bộ sách và thi đậu. – Một người nói.

– Anh cứ đi chu du thiên hạ, có lẽ anh sẽ gặp một cái mũ lông ở đâu đó như các quan to vẫn đội. – Một người khác vừa nói vừa cười.

– Anh hãy tới kinh thành, cứ lê lết ở đó ba năm, có lẽ rồi người ta sẽ ban cho anh một chức vụ! – Ông lý trưởng đề nghị nửa đùa nửa thật.

– Quả là ai cũng biết rằng, những người giàu có xuất thân từ giai cấp quý tộc nông thôn thường mất thì giờ lê lết và tiêu khiển ở triều đình, chờ được ban cho một chức vụ.

– Không phải là ý kiến dở. – Anh tiều phu đồng ý. Và anh đi ngay tới kinh thành.

Anh đào một cái hang sau cổng thành để có chỗ ngủ, rồi đi vào các con phố. Kể từ đó, dân chúng ở kinh thành được chứng kiến một cảnh tượng bất thường: một anh chàng nghèo nàn, rách rưới, lê lết trong bùn ở các phố quanh hoàng cung và ở chợ. Anh chàng rừng núi tính tình chất phác đã hiểu lời khuyên của ông lý trưởng theo nghĩa đen. Người ta đã bảo anh tới lê lết ở kinh thành, thế là anh lê lết ở kinh thành. Anh lăn lộn dưới đất cả ngày, như trẻ con lăn lộn trên cỏ.

– Anh chàng điên đó làm sao vậy?

– Tại sao anh ta lăn lộn dưới đất khi hai chân anh ta lành lặn?

– Anh ta quả quyết rằng, nếu anh ta lê lết như vậy được ba năm thì anh ta sẽ có được một chức quan. – Một bà già trả lời. – Thật ngốc quá!

Nhưng anh tiều phu không chú ý tới những lời chế nhạo, nhục mạ và chọc ghẹo. Anh lăn lộn trong bụi bặm, bùn lầy trên các con phố hết ngày này tới ngày khác, buổi tối anh xin một ít thức ăn, về ngủ trong cái lỗ sau cổng thành và hôm sau lại vội vàng tới chợ. Nắng dãi, mưa dầm không ngăn cản được anh.

Chẳng bao lâu, cả kinh thành đều biết tới anh vì một bài vè mà trẻ con đặt ra để trêu anh. Người ta gọi anh là thằng khờ.

Chuyện về người điên kỳ lạ này và bài vè của đám ranh con lan truyền tới hoàng cung, và cuối cùng tới tai đức vua.

– Hẳn đó là một người điên thực sự.

– Nhưng sự điên rồ này có lẽ đã do một người nào gợi ý với anh ta, hoặc để bỡn cợt, hoặc vì độc ác.

Một tối, đức vua mặc thường phục đi ra phố, chỉ có một đầy tớ theo hầu để không ai biết. Ông muốn tự mình tìm hiểu người dân sinh sống ra sao và phê phán việc cai trị của mình như thế nào. Vua ra khỏi cổng thành, đi tới cái lỗ mà anh tiều phu mệt mỏi đang ngủ.

– Tại sao các ông đánh thức tôi? – Anh càu nhàu khi người hầu của đức vua lay anh thức dậy. – Các ông không thấy tôi đang ngủ sao?

Tội nghiệp anh tiều phu! Làm sao anh ngờ được người mặc áo quần trắng rộng và đi dép rơm chính là đức vua!

– Hình như anh lăn lộn trong bùn để làm quan. Đúng vậy không?

– Đúng vậy! – Anh tiều phu trả lời. – Tôi sẽ làm quan…

– Anh muốn làm chức vụ gì?

– Chức vụ gì ư? Làm sao tôi biết được, tôi…

– Thế thì chức vụ gì đối với anh cũng không quan trọng, có phải không? – Đức vua mỉm cười.

– Hoàn toàn không quan trọng hả? Không phải vậy! – Anh chống chế. – Phải lớn hơn chức quan huyện!

– Như tổng đốc có được không? – Vua lại hỏi.

– Chức đó được lắm.

– Hoặc giả anh thích làm thượng thư hơn?

– Tôi sẵn sàng nhận chức quan thượng thư.

– Còn tể tướng, anh nghĩ sao?

Anh tiều phu lạnh lùng tuyên bố:

– Tôi nói cho ông biết, cái đó tôi không màng để ý. Tại sao lại không là tể tướng được! Nhưng bây giờ thì để yên cho tôi ngủ, sáng mai tôi còn phải đi lê lết nữa.

– Thế còn ngôi vua? Anh không muốn làm vua sao? – Đức vua hỏi thêm.

– Cái gì? – Anh tiều phu giận đỏ mặt và tức mình tát cho đức vua cải trang một cái.

Anh khờ kết thúc khô khan:

– Khốn kiếp, sao anh cả gan nói một điều như vậy? Ngôi vua là do thiên mệnh! Làm sao người ta có thể tự ý đưa mình lên ngôi vị đó được? Và bây giờ thì đủ rồi. Đi đi, nếu không…

Người hầu định sửa trị anh tiều phu về tội xúc phạm đức vua, nhưng vua ngăn anh ta lại và trở về cung, có vẻ trầm ngâm suy nghĩ.

Hôm sau, vua cho gọi các mưu thần tới và kể lại chuyện đêm qua. Vua nói:

– Cũng như chư khanh, ta nghĩ rằng người này có tính tình chất phác, có lẽ là một người điên nữa. Có người đã nói đùa với anh ta rằng, anh ta sẽ được một chức vụ nếu anh ta lê lết trong bùn suốt ba năm và anh ta tin thật. Tuy nhiên, anh ta có hai điểm khiến ta rất vui lòng. Trước hết, tính lương thiện và nhiệt tâm muốn tìm cách làm quan để những người nghèo hèn như anh ta không phải bị sỉ nhục như anh ta đã chịu đựng với viên quan huyện kiêu căng kia. Kế đó là lòng trung quân. Nếu chư khanh thấy anh ta hăng hái chứng tỏ tình cảm trọng vọng của mình đối với quân vương… Nếu chư khanh đồng ý, ta đề nghị chúng ta bổ nhiệm anh ta làm thượng thư, chỉ trong năm ngày.

Các mưu thần tán thành đề nghị của đức vua và anh tiều phu được phong chức thượng thư, khiến dân chúng cả kinh thành sửng sốt. Anh mặc quan phục, đội mũ lông trở về làng, có cả một đoàn người phục dịch đi theo. Anh ngồi trong kiệu, trang nghiêm mực thước, tự hào vì đã thực hiện được ý định của mình.

Khi đoàn tùy tùng đi trên một đường núi hẹp, một nông dân vác một bó củi to bỗng xuất hiện trước mặt họ. Thấy một đoàn người hùng hậu như vậy, người dân quê tội nghiệp này hoảng sợ, lảo đảo với gánh nặng trên lưng, cố gắng nép qua một bên để nhường đường. Binh lính vung roi, tiến lên quát nạt, nhưng anh khờ đã phản ứng tích cực. Anh ra lệnh cho đoàn tùy tùng dừng lại, để trống đường cho người nông dân đi qua.

– Người khốn khổ đó đã mang một gánh nặng, tại sao còn bắt anh ta lo âu thêm một cách vô ích?

Anh khờ chỉ làm thượng thư trong năm ngày. Nhưng anh coi như vậy là đủ lắm rồi! Anh không thích làm quan to và chức vụ này làm anh mệt nhọc hơn vác một bó củi nặng. Khi hết kỳ hạn, anh vui vẻ đổi quan phục và chiếc mũ lông để mặc lại chiếc áo rách. Tay cầm rìu, miệng hát líu lo, anh vui vẻ trở lên núi. Ý nghĩ đã chứng tỏ cho các quan to thấy rằng, ngay một tiều phu tầm thường cũng phải được cư xử xứng đáng với tư cách con người đã đủ cho anh thỏa mãn và từ đó không bao giờ anh muốn làm quan nữa.

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Từ Thức gặp tiên

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc...

Người cưới ma

Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó, phải bỏ đi các nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau anh được một phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi đi học xa...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...