Bầu trời nức nở

– Cái gì ở ngoài đường thế kia? – Chị vợ Manhia hỏi chồng.

Nhà văn Ackhiđây Môtưga nhìn qua cửa sổ một lúc, suy nghĩ một lúc rồi quay vào nói với vợ:

– Bầu trời đang nức nở khóc than. Qua màn lệ trong suốt như một làn khói nhẹ, tôi trông thấy toàn cảnh thành phố chúng ta đang đắm chìm trong mưa. 

– Anh lẩm bẩm cái gì mà dài dòng vậy! Chị Manhia sốt ruột ngắt lời chồng – Thà rằng anh cứ nói đơn giản là trời đang mưa có hơn không.

– Em chẳng hiểu gì cả – Môtưga phản đối – Anh là nhà văn, anh phải suy nghĩ bằng hình ảnh, và anh không thể nói khác được.

– Còn em thì yêu cầu anh hãy nói như một con người. Anh hãy ra ngoài bao lơn và gọi thằng Aliôsa về nhà đi.

Môtưga im lặng bước ra ngoài bao lơn và kêu to khắp cả sân với một vẻ thống thiết:

– Hỡi tuổi thơ yêu dấu của ta! Con trai Aliôsa của ta. Ta kêu gọi con hãy làm trọn nghĩa vụ của mình. Con yêu quý, hãy hưởng ứng lời kêu gọi. Hãy tạm rời bỏ những thú vui với bạn bè của mình.

Tối hôm đó, chị Manhia bắt chồng ngồi vào bàn và đọc cho anh ghi những công việc làm gấp ở nhà trong ngày mai. Bản kê công việc được ghi khá dài và công việc thì không lấy gì làm hứng thú, cho nên Môtưga có vẻ buồn rầu.

Nhưng buổi sáng hôm sau, số phận cứu anh: Anh được mời đi họp gấp ở ban biên tập tạp chí Bơrưs, cơ quan ngôn luận của những người chơi mèo Xiêm.

Môtưga thuyết phục vợ một cách hùng hồn và tha thiết:

– Manhia, em yêu quý! Anh là uỷ viên ban biên tập Bơrưs bị đe dọa không ra khơi được vào lúc này, lúc này 67 người đặt mua dài hạn đang đỏ mắt trông chờ báo ra, đó là chưa kể hơn bốn mươi số sẽ đưa bán lẻ…

Nói thêm ít lời nữa về trách nhiệm của những người sống đối với các sinh vật sống, Môtưga vội vã ra đi. Còn vợ và mẹ anh bắt đầu nghiên cứu xem những công việc nội trợ cần làm đã được ghi trong bản kê của anh.

Thế này nhé – mẹ anh đọc – điểm thứ nhất : “Hãy dùng hành động nhẹ nhàng để xua tan bóng tối, xua tan màn đêm bằng ánh nắng chói chang…”. Cái gì thế này? Xua bóng tối? Có thể là con nhờ nó lau cửa sổ à?

– Đừng hòng mà nhờ nhà con việc ấy. Không mẹ ạ, chuyện này đơn giản nhiều: có nghĩa là anh ấy phải thay hộ con cái bóng đèn bị cháy trong bếp.

– Tinh thật! Bây giờ đến điểm thứ hai: “Ôi, những âm thanh lạc lõng chán chường đã phá tan điệu nhạc tuyệt vời của những giấc mơ kỳ diệu. Ta phải bay lên mà chấm dứt cung đàn ngang trái!”

Chị Manhia khoát tay giải thích:

– Trời đất, viết lách cái gì đến kỳ! Đã mấy lần con nhờ anh ấy lên tầng trên đề nghị ông láng giềng đừng có mà phập phình cái đàn Balalaica sau mười một giờ đêm để cho hàng xóm ngủ chứ. Thôi để lát nữa con phải lên gặp ông “Môda” ấy mới được. Thế còn việc gì nữa?

– Càng ngày càng khó hiểu… – Bà mẹ nhăn nhó bóp trán suy nghĩ “… Ta phải đem về nhà màu trắng trinh bạch của tuyết, vị thơm trong sạch của bông và màu thiên thanh của trời hè!”. Nghe đây, Manhia! Mẹ lo cho sức khỏe chồng con đấy. Sao nó lại lẩn thẩn giữa tháng sáu mà đòi mang tuyết về nhà là thế nào?

– Ôi mẹ ơi, điều này rõ rồi – Manhia mỉm cười vẻ tự hào vì đã có kinh nghiệm – Tức là anh ấy muốn nói đến quần áo và đệm trắng mà con nhờ anh ấy đi lấy ở xưởng giặt về. Thật là con có tỏ ý lo ngại chỉ sợ họ quá ta hồ lơ, lại thành màu thiên thanh thì khổ.

Hai ngày sau, khi đang lúi húi trong bếp, tình cờ chị Manhia nghe lỏm được câu chuyện điện thoại sau đây của chồng mình với nhà xuất bản:

– “… Quỷ tha ma bắt các anh! – Môtưga nói to tiếng – Các anh định trả tôi có một trăm rúp cho một trang tác giả, trong khi nhà xuất bản keo kiệt nhất cũng đã trả tôi nhiều hơn một trăm rúp rồi. Nếu thế thì xin đủ, tôi không bằng lòng đâu. Các anh hãy tìm những thằng ngốc khác trên cánh đồng kỳ diệu!”.

Manhia lấy chiếc khăn mặt che mồm, và những giọt lệ sung sướng lăn trên gò má ửng hồng của chị. Chị âu yếm nghĩ: “Anh Môtưga yêu quý, thế là anh cũng biết nói như người thường chứ không phải chỉ bằng hình ảnh”.

Và lần đầu tiên từ nửa năm nay, chị đã cho mặn muối làm hỏng mất soong súp bắp cải.