Người Anh Hùng Persée

Lyncée lấy Hypermnestre sinh được một người con trai tên là Abas152. Lyncée được bố vợ, vua Danaos, truyền lại cho ngôi báu, kế tục sự nghiệp trị vì trên đất Argos.

Có người kể, không phải Danaos truyền ngôi mà Lyncée giết bố vợ, cướp ngôi. Sự việc này ứng với lời sấm truyền trước khi Danaos đến đất Argos. Có một lời tiên đoán của thần thánh như sau: Cuộc hôn nhân giữa năm mươi người con trai của Égyptos với năm mươi người con gái của Danaos sẽ dẫn đến một hậu quả thảm thương, một trong số năm mươi chàng rể sẽ giết bố vợ đoạt lấy ngai vàng. Chính vì lời tiên đoán này mà Danaos phải rời bỏ xứ sở đưa các con gái chạy trốn sang đất Argos, phải sai các con gái giết ngay chồng trong đêm tân hôn. Nhưng số mệnh bao giờ cũng là số mệnh, không ai có thể lẩn tránh được, trốn thoát được. Danaos cuối cùng bị Lyncée giết và cướp ngôi.

Abas trị vì ở đất Argos, nối nghiệp vua cha Lyncée, theo truyền thuyết là vị vua thứ mười hai ở đất Argos. Chàng sinh đôi được hai con trai Acrisios và Proétos. Vừa lọt lòng mẹ, lớn lên là hai anh em nhà này đã mắc phải cái thói tật buông hiềm khích, xung đột. Kế đến khi vua cha nhắm mắt hai anh em lại tranh giành ngôi báu và chẳng ai chịu ai. Mỗi người thống lĩnh một phần quân sĩ chém giết lẫn nhau. Cảnh cốt nhục tương tàn kéo dài mãi. Sau khi Acrisios chiến thắng, Proétos phải bỏ chạy sang đất Lycie ở châu Á, xin nhà vua Iobatès cho trú ngụ. Proétos tuy thất bại nhưng vẫn nuôi mộng phục thù. Được nhà vua gả con gái là nàng Sthénébée cho làm vợ và giúp đỡ, Proétos liền kéo đại binh về đất Argos đánh nhau với Acrisios chiếm được đô thành Tirynthe. Cuộc giao tranh có thể còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, nếu như nhà vua Iobatès không đứng ra hòa giải. Theo cách dàn xếp của Iobatès thì hai anh em sẽ chia đôi sơn hà, mỗi người cai trị một phương, Proétos cai trị trên đất Tirynthe, còn Acrisios, trên đất Acrisios. Ranh giới của hai vương quốc là một cái thung lũng. Mệt mỏi vì đã đánh nhau quá nhiều, hai anh em bằng lòng với cách hòa giải ấy. Từ đó đất Argos chia thành hai vương triều.

Acrisios hiếm hoi, chỉ sinh được một người con gái tên là Danaé. Sở dĩ đặt tên như thế là để ghi nhớ lại tổ tiên mình là Danaïdes. Nàng Danaé lớn lên đến đâu đẹp ra đến đấy, đẹp đến nỗi khó có thể tìm được một người thiếu nữ nào của đất Argos sánh bằng. Tuy nhiên điều đó chẳng thể làm nguôi được ước muốn thiết tha của Acrisios là có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Acrisios quyết định đến đền thờ Delphes để xin thần thánh ban cho một lời chỉ dẫn, xem mình có thể hy vọng sinh một đứa con trai để kế nghiệp được không. Lời phán truyền của thần thánh lại càng làm cho Acrisios buồn thêm, hơn thế nữa lại làm cho nhà vua lo lắng bội phần, lo lắng đến nỗi mất ăn mất ngủ. “Nhà vua sẽ chẳng sinh hạ được một đứa con nào nữa, con trai cũng không mà con gái cũng không. Nhưng con gái của nhà vua, nàng Danaé xinh đẹp sẽ đẻ ra một đứa con trai mà sau này lớn lên nó sẽ giết nhà vua”, lời phán truyền của thần thánh là như thế. Nó cứ ám ảnh đầu óc nhà vua suốt đêm ngày. Làm thế nào để ngăn ngừa tai họa đó? Giết Danaé ư? Có thể nào một người bố có đứa con gái độc nhất lại đang tâm nhúng tay vào một tội ác tày trời như thế. Nhưng không giết Danaé đi thì phải dùng cách gì để ngăn ngừa tai họa? Cuối cùng sau bao đêm ngày suy nghĩ lao lung Acrisios nghĩ ra một kế xây một căn buồng ở dưới đất, bốn bề là bốn bức tường đồng dầy. Nắng, gió, mưa và không khí chỉ có thể lọt vào căn buồng đó qua ô cửa của lớp mái mở ở bên trên, Acrisios nhốt Danaé vào trong đó. Nàng chẳng hề tiếp xúc được với ai và cũng chẳng ai biết đến nàng mà xin cầu hôn. Như vậy chắc chắn rằng không thể nào xảy ra cái tai họa như lời sấm truyền. Nhà vua có thể hoàn toàn yên tâm.

Danaé bị giam giữ dưới căn buồng không biết bao ngày bao tháng. Nàng chẳng có việc gì làm và cũng chẳng biết làm gì ngoài việc hàng ngày ngước mắt nhìn những đám mây bạc, mây vàng lơ lửng trôi qua ô cửa trên mái căn buồng. Không một trang anh hùng, không một vị hoàng tử nào biết người con gái xinh đẹp nổi tiếng này ở đó. Thế nhưng có một người biết. Đó là thần Zeus, vị thần phụ vương của thế giới thần thánh và thế giới loài người. Chẳng phải kể lể dài dòng ai ai cũng biết khi Zeus đã tỏ tường cảnh ngộ của Danaé thì ắt hẳn thần cũng phải tìm cách để... “tỏ tường đường đi lối về”. Lần này thì Zeus không cải trang thành anh chăn chiên như xưa kia mỗi lần đến gặp Sémélé. Lần này, Zeus biến mình thành những hạt mưa vàng. Một trận mưa vàng và những giọt mưa đó lọt qua mái của căn buồng rơi vào lòng Danaé. Ít lâu sau Danaé thụ thai. Sự thụ thai thần kỳ này khiến cho Danaé không thể nào nghĩ được rằng bố của đứa bé nàng mang trong lòng, lại là một người trần thế. Chỉ có thể là một vị thần. Và vị thần đó chỉ có thể là Zeus.

Thế rồi Danaé sinh ra một cậu con trai. Nàng đặt tên con là Persée. Chẳng rõ Danaé nuôi con trong nhà hầm được bao ngày thì vua Acrisios biết. Bữa kia nghe tiếng trẻ khóc dưới căn nhà hầm, Acrisios vội chạy xuống xem thực hư thế nào. Đến nơi, nhà vua thấy con gái mình đang bế một đứa bé trong lòng mặt liền biến sắc. Nhìn con gái với đôi mắt giận dữ, ông hất hàm hỏi: “Con mi đấy ư?” Nàng Danaé kính cẩn đáp lại lời cha nhưng xem ra vua cha không giữ được bình tĩnh để lắng nghe lời nàng kể rõ đầu đuôi câu chuyện. Vua cha cắt lời nàng hỏi: “Ai là cha nó?” Danaé đáp lại, giọng nói cất cao xem ra có vẻ tự hào: “Thần Zeus, đấng phụ vương của các thần và những người trần thế”. Nhưng Acrisios không tin, hay thực ra ông ta không hề quan tâm là Danaé đã sinh ra một đứa con trai; và đứa con trai này, theo như lời sấm truyền, sẽ giết chết Acrisios. Bây giờ chỉ có cách thanh trừ ngay cái mối hậu họa này. Nhưng cũng như lần trước Acrisios không thể đang tâm giết chết con gái thì lần này Acrisios lại không thể nhẫn tâm mà giết chết hai mẹ con. Song phải nghĩ cách giải trừ mối lo. Nhà vua sai người đóng một chiếc hòm gỗ thật to đủ để nhốt hai mẹ con Danaé vào trong đó. Một con thuyền chở chiếc hòm và thả nó xuống mặt biển. Như vậy sóng gió của Đại dương sẽ nuốt gọn chúng đi và nhà vua khỏi trực tiếp nhúng tay vào tội ác. Một lần nữa sự lo toan của nhà vua lại trở nên vô ích. Sóng gió của Đại dương đưa chiếc hòm trôi đi. Hai mẹ con cứ ở trong chiếc hòm kín mít, bồng bềnh trôi nổi trên những ngọn sóng. Danaé ôm chặt con vào lòng, luôn miệng cầu khấn thần linh cứu mẹ con nàng thoát cơn nguy hiểm. Nàng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cầu khấn. Một con sóng dâng chiếc hòm lên cao rồi đổ xuống. Hai mẹ con nghiêng ngửa lăn lộn trong chiếc hòm. Con sóng đổ xuống rồi rút đi quăng chiếc hòm lên một bãi cát. Chiếc hòm nằm im bất động. Và thế là hai mẹ con Danaé thoát chết.

Số mệnh đã định trước, không muốn để hai mẹ con Danaé chết. Hơn nữa có thể nào thần Zeus lại để cho người thiếu nữ nhan sắc đã đón nhận, tiếp nhận ân huệ của thần lại bị chết. Đúng thế, và một buổi sáng kia như thường lệ, lão ngư ông Dictys già nua và nghèo khó ra khơi đánh cá. Đứng trước mũi thuyền lão đưa tay ngang mặt che ánh mặt trời cho khỏi chói mắt và sắp quăng mẻ lưới đầu tiên. Nhưng kìa xa xa có một vật gì đen đen đang dập dờn trên mặt nước. Xác chết của một con cá voi hay một con đại bàng? Hay là một hòm châu báu của một gã thương nhân xấu số nào đã gửi thân và cơ nghiệp cho biển cả sau một trận phong ba? Một con sóng lớn xô đến và thế rồi như ta đã biết, cái vật đen đen trôi nổi trên mặt biển mà lão Dictys theo dõi, bị quăng vào bãi cát. Lão Dictys vội chèo thuyền vào bờ, tìm đến xem nó là vật gì cho thỏa trí tò mò: thật lạ lùng! Một chiếc hòm kín mít khá to, nhưng xem ra không phải là một hòm châu báu. Nếu thế thì nó đã chìm nghỉm dưới đáy biển sâu chứ chẳng thể trôi nổi bồng bềnh trên mặt sóng. Lão thử phá chiếc hòm ra xem sao. Thật không sao nói hết được nỗi kinh hoàng của lão. Một thiếu phụ và một em bé! Đặt tay lên thi thể hai người lão thấy còn ấm nóng. Lão mừng quá, vội chạy đi tìm chút nước ngọt về cho hai mẹ con uống, và khi hai mẹ con đã tỉnh lại liền đưa về nhà. Từ đấy hai mẹ con Danaé sống với hai vợ chồng ông lão đánh cá: bà lão Dictys nuôi nấng, chăm sóc hai mẹ con Danaé như nuôi nấng chăm sóc con cháu trong nhà, nhất là đối với chú bé Persée. Cuộc đời của đôi vợ chồng ông già đánh cá nghèo hèn vì thế cũng bớt phần hiu quạnh. Năm này qua năm khác chú bé Persée đã trưởng thành. Mẹ chú chẳng có ước mong gì cao xa ngoài ước mong được thấy chú khỏe mạnh, ngày ngày ra khơi cùng với lão ông Dictys và trở về với một khoang thuyền đầy cá. Còn Persée, trong lòng vẫn ghi nhớ công ơn của ông lão. Chàng Persée (lúc này Persée đã là một trang thanh niên tuấn tú) chỉ biết ra sức làm việc để giảm bớt nỗi khó khăn, nhọc nhằn cho ông lão.

Truyền thuyết về Phaethon và cỗ xe Mặt Trời

Phaethon luôn được mẹ chàng, nàng Clymene, nhắc nhở rằng mình là con trai của Thần Mặt Trời Phoebus. Tuy nhiên, các bạn của Phaethon không hề nghĩ như vậy...

Nữ thần Héra

Nữ thần Héra vĩ đại, vợ của vị thần tối cao Zeus, là vị nữ thần của hôn nhân và gia đình. Nàng bảo vệ cho hạnh phúc của những đôi lứa đã gắn bó với nhau bằng lễ kết hôn, trông nom và săn sóc đến việc sinh nở con cái của những đôi vợ chồng...

Truyền thuyết về Kratos

Kratos được biết đến như một vị thủ lĩnh đầy tài năng và trẻ tuổi nhất trong quân đội của Sparta, với những chiến thuật hợp lí kết hợp với sức chiến đấu dũng mãnh, Kratos và đội quân của anh hung tợn như một dòng thác lũ, đánh bật mọi thứ...

Thần Rượu nho Dionysos

Thần Rượu nho Dionysos là con của thần Dớt và một người phụ nữ trần tục tên là Sémélé. Là vị thần đã dậy cho con dân đất Hy Lạp nghề trồng nho và nghề ép rượu nho, một nghề đem lại cho con người bao nguồn lợi và niềm vui.

Người anh hùng Thésée

Thésée là một trong những vị anh hùng lớn nhất, vĩ đại nhất của người Hy Lạp ở vùng đồng bằng Attique. Những người Athènes coi Thésée như một nhân vật lịch sử...

Huyền thoại Hercules

Hercules là con trai của thần Zeus và nữ thần Alcmene. Vào một đêm nọ, thần xuống trần bế chú bé Heracles lên thiên đình, lén đặt vào lòng nữ thần Hera để bú trộm sữa...

Hector giết chết Patrocle

Từ khi quân Hy Lạp lâm nguy, các vị danh tướng đều bị thương rút khỏi chiến trường về hậu quân. Achille mặc dù không được ai thông báo song cũng biết hết...

Nữ thần Athéna

Trong số các vị thần của thế giới Olympe thì nữ thần Athéna ra đời thần kỳ hơn cả. Đối với các vị thần thì đương nhiên sự ra đời phải khác thường, phải thần kỳ rồi. Nhưng Athéna thần kỳ hơn, khác thường hơn...

Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis

Ngày xưa có một vị vua tên là Admetus trị vì vương quốc Thessaly nhỏ bé. Nhà vua nhớ tên và thông thuộc từng thần dân trong vương quốc của mình...