Người họ Liêu và Diêm Vương

Người họ Liêu và Diêm Vương

Ngày ấy có dòng họ Liêu, không hiểu do nguyên cớ nào mà người trong họ thường bị nạn chết non. Bọn lính tráng của Diêm vương luôn luôn để ý rình mò dòng họ này, hễ thấy người nào chừng quá ba mươi tuổi là bắt đi ngay. Người nào may mắn có sót lại thì cũng chỉ đến bốn mươi là hết hạn. Bởi vậy, những ai trót sinh vào nhà họ Liêu thường bảo nhau cứ đến ba mươi tuổi là trối trăng và sắm hòm ván sớm đi, nếu không là y như vất vả.

Ngày ấy, cũng lại có một ông lão họ Lã sống được hơn ba trăm tuổi. Tuy tuổi nhiều mà sức ông vẫn khoẻ, hàng ngày ông vẫn ra ngồi ở bờ biển câu cá. Nhưng ông lão ít nói, không thích giao thiệp với ai.

Bấy giờ trong họ Liêu có một người, thấy cả họ mình chịu số phận như vậy thì tức lắm. Cho nên ông ta quyết kiện Diêm vương bằng được. Ít lâu sau, năm ông ba mươi mốt tuổi quả đến lượt bị lính Diêm vương đến gõ cửa. Ông xin họ cho mình thong thả một tí, nhưng bọn lính xông bừa vào lôi ông đi. Ông chỉ còn biết trối lại với con một câu là bỏ vào áo quan cho mình ít tờ giấy, một cái bút và đốt cho mình một ít tiền. Rồi đấy ông tắt thở.

Khi xuống đến âm phủ, ông xin vào yết kiến Diêm vương nhưng bọn quỷ không cho. Sẵn có giấy bút, ông viết một lá đơn kiện rồi sẵn có tiền, ông đút lót cho bọn quỷ nhờ chuyển lá đơn ấy đến tận Diêm vương.

Quả nhiên chỉ ít lâu sau, Diêm vương cho quỷ sứ triệu ông vào cung. Gặp Diêm vương, ông tâu bày rõ ràng nỗi khổ tâm của dòng họ mình, rồi ông nói:

- Tâu bệ hạ, cớ sao bệ hạ bất công đến thế! Có người chỉ được sống có ba mươi năm như chúng tôi. Trái lại, lại có người như ông già họ Lã ba trăm tuổi rồi mà vẫn sống trơ trơ thế mãi.

Diêm Vương nghe nói thì ngẩn người ra, không ngờ lũ quan dưới quyền mình lại làm việc cẩu thả như thế. Nhưng Diêm Vương cũng không vui lòng vì có người đến bới xấu ngay trước mặt mình. Diêm Vương làm mặt giận nói:

- Làm gì có người sót sổ như vậy. Mày chỉ nói càn. Nếu mày tìm đủ bằng chứng, tao sẽ xá tội cho cả họ nhà mày. Bằng không thì chớ trách ta phũ tay!

Nghe nói, họ Liêu rất mừng nhưng cũng rất lo, vì ông chưa biết làm cách nào cạy miệng ông lão họ Lã bản tính kín đáo ấy để ông ta tự khai ra. Khi đưa tên quỷ sứ đến chỗ ông lão ngồi câu, ông bỗng nghĩ ra được một cách, bèn bảo quỷ sứ nấp ở sau hòn đá, rồi một mình tiến đến trước ông lão, chắp tay chào và hỏi:

- Thưa cụ, cháu nghe nói đời ông nội cháu có tìm được ở bờ biển này một hòn đá nổi lên mặt nước, hòn đá ấy đặc biệt có nhiều hốc, nhiều rêu, nhiều màu sắc, lúc nào cá cũng xúm quanh, câu được nhiều lắm. Nhờ thế mà từ đời ông nội cháu rồi đến đời cha cháu có của ăn của để. Bây giờ đến đời cháu không hiểu tại sao không thấy hòn đá ấy nữa; tìm xuôi tìm ngược mãi vẫn không ra. Vậy cụ thường ngồi câu ở đây có thấy hòn đá ấy trôi đi đâu, bảo giúp cho cháu biết để cháu kiếm ăn.

Ông cụ Lã thấy có người nói chuyện kì khôi mới quay lại mắng:

- Cái anh này chỉ nói điêu. Đã ba trăm năm nay lão ngồi câu ở đây chưa hề thấy có một hòn đá nào biết trôi cả. Thôi anh đi đi, cho lão làm việc!

Người họ Liêu chỉ cần có chừng ấy, vội cáo từ lui ra rồi cùng quỷ sứ trở về. Diêm Vương cứng lưỡi, vì bằng chứng đã rõ ràng. Từ đó dòng họ Liêu không bị quỷ sứ ám ảnh nữa nên đỡ bị nạn chết non hơn trước...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Con ma báo thù

Ngày xưa ở Gia-định có một tên cướp lợi hại bị bắt và kết án tử hình. Trong ngục, hắn ta bảo người nhà đem hậu lễ đến chạy chọt với tên quan án để mong quan cố tìm cách cứu hắn thoát chết...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học...