Quân tử

Ngày xưa, có một anh chàng nghèo sống một thân một mình. Anh thường ăn ở nhân đức với mọi người, lòng nhân đức của anh còn ban phát đến cả giống vật. Bởi thế người ta quen gọi anh là Quân tử.

Trong nhà có bao nhiêu của nả, anh lần lượt đem ra giúp đỡ cho người nguy kẻ khó, còn mình thì sống rất đạm bạc. Một hôm, gần ngày kỵ cha, Quân tử có để dành được mấy bát gạo nếp và một con gà để làm giỗ. Có một con chuột quen mui ăn vụng, hôm ấy chui vào hũ gạo, bất đồ bị anh chộp được. Anh bảo chuột:

- Chuột ơi! Nhà tao nghèo, chỉ có từng ấy gạo nếp để làm giỗ cha. Mày đi tìm những thứ khác mà ăn. Đừng có ăn vụng của tao tội nghiệp!

Nói đoạn thả chuột ra.

Tối lại, có con cáo lẻn vào bắt gà, nhưng chưa kịp lọt ra khỏi chuồng thì đã bị Quân tử nắm lấy gáy. Cáo nằm chờ chết thì đã nghe Quân tử nói:

- Cáo ôi! Nhà tao nghèo lắm chỉ có con gà dành cho ngày giỗ cha. Mày hãy thương tao đi kiếm ăn nơi khác, đừng có bắt mất gà tao, đến ngày ấy biết lấy gì mà cúng.

Nói đoạn cũng thả cáo ra. Cáo được phóng thích lủi một mạch.

Đến ngày giỗ cha, Quân tử đồ xôi luộc gà, thắp hương đèn sửa soạn vào làm lễ, thì một chú ruồi đánh hơi bay đến đậu vào cỗ xôi đánh chén thỏa thích. Nhưng Quân tử đã nhanh tay quơ được. Bị kẹt chặt, ruồi ta hết đường giãy giụa, chắc là khó thoát cái chết. Nhưng rồi ruồi cũng may mắn được thả ra sau khi nghe những lời của Quân tử:

- Cỗ xôi của ta dâng cúng lên cha mẹ, sao mày lại hỗn hào dám đến ăn trước. Mày hãy đi đi, có gì chốc nữa lại tới.

Tiếng đồn về lòng nhân đức của Quân tử vang khắp nơi. Buổi ấy nhà vua đang muốn kén chọn người tài đức để gả công chúa. Nghe tin đồn về Quân tử, vua bèn sai quan quân đi triệu về kinh. Nhưng khi gặp mặt Quân tử, thấy anh ăn nói không được lễ phép thì vua không được hài lòng. Để tiện từ chối, vua bèn phán:

- Ta vui lòng gả công chúa cho nhà ngươi, nhưng nhà ngươi cũng phải có một mâm vàng làm sính lễ mới được.

Nghe vậy Quân tử lủi thủi trở ra, tin rằng không có hy vọng làm phò mã. Ngày hôm sau anh đi dạo rừng, mặt buồn rười rượi. Bỗng anh gặp con cáo ngày nọ chạy ngang trước mặt. Nó hỏi anh vì sao mà buồn. Quân tử bèn kể chuyện đầu đuôi cho cáo nghe. Nghe xong, cáo nói:

- Thế thì cứ đi theo tôi, tôi sẽ mách cho một chỗ có vàng.

Quân tử lần theo chân cáo tiến vào một hang sâu. Trong một góc hang có bày một dãy ba cái hũ. Giở nắp ra anh thấy toàn vàng bạc, châu báu. Anh cảm ơn cáo, rồi chuyển ba cái hũ về, và ngày hôm sau anh đã cho người đội mâm vàng vào cung dâng vua. Vua không ngờ anh lại có đủ vàng làm sính lễ, đành phải y ước gả. Nhưng vua vẫn chưa vừa lòng. Cho nên đến ngày cưới, vua gọi anh vào cung, phán:

- Ở đây có mười mâm cỗ, trong đó có một cỗ Tơ hồng dành cho ngươi và công chúa. Nhà ngươi hãy chọn đúng mâm cỗ ấy mà ngồi. Nếu ngồi vào mâm cỗ khách thì ta sẽ coi như khách.

Quân tử nhìn vào thấy mười mâm cỗ giống nhau như hệt, không biết nên ngồi vào đâu. Trong khi đang bối rối thì chàng đã nghe tiếng ruồi vo ve bên tai:

- Tôi đã chịu ơn trước đây, nay xin giúp để đền ơn. Hễ tôi sà vào mâm nào thì anh cứ ngồi vào mâm ấy.

Nghe nói thế, Quân tử yên tâm. Sau đó anh ung dung bước vào mâm cỗ có con ruồi đậu. Vua thấy anh ngồi vào đúng cỗ Tơ hồng thì ngạc nhiên, nhưng vua vẫn còn bắt anh chịu thử thách lần nữa chứ chưa thôi. Sau khi yến tiệc xong, đến giờ động phong hoa chúc, vua phán bảo:

- "Nhà ngươi hãy tự đi tìm buồng của công chúa mà vào, nếu vào không đúng buồng thì chịu vậy".

Lại một lần nữa Quân tử lấy làm bối rối vì cả một dãy buồng đóng kín, buồng nào buồng ấy cửa lớn cửa sổ cũng đều ngăn ngắt, phía ngoài treo đèn kết hoa y hệt như nhau. Trong khi chưa biết làm thế nào thì con chuột ngày nọ đã bò tới nói nhỏ:

- Tôi vẫn nhớ ơn anh tha chết cho tôi ngày nọ. Anh cứ đi theo tôi, tôi chạy vào buồng nào thì đúng là công chúa ở đấy.

Quả nhiên khi Quân tử mở cửa buồng vào thì đã thấy công chúa tươi cười bước ra đón.

Thấy cả ba lần anh đều thắng cuộc, vua đành vui lòng nhận anh là phò mã. Khi vua chết, vì không có con trai nối dõi nên Quân tử được các quan đưa lên ngôi.

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...