Sự tích cây Nhọ Nồi

Ngày xưa ở một làng kia có một cô gái rất xinh. Cô có dáng người mảnh mai, đặc biệt cô có đôi mắt xanh biếc, dài và nhọn. Cô lại khéo tay, chỉ là quần áo nâu sòng, nhưng cô may rất đẹp. Cô làm lấy những chiếc cúc trai tròn, nhỏ, có những nét chạm, khắc tinh vi. Mỗi chiếc cúc lóng lánh trên áo như một bông hoa phát sáng.

Người ta bảo cô mát tay. Khóm rau nào cô trồng cũng xanh mơn mởn. Con gà mái nào cô nuôi cũng đẻ trứng rất sai… Cô lại sẵn lòng chăm sóc, chữa bệnh cho những người đau ốm. Một chút nước suối cô vỗ lên người già, người già lui cơn sốt nóng. Một nắm lá đắp cho trẻ em, trẻ em hết cơn sài đẹn.

Một hôm, có giặc ở nước láng giềng kéo sang xâm lược. Cái làng nhỏ của cô ở gần biên giới bị giặc tràn qua. Chúng chặt phá vườn cây, châm lửa đốt nhà. Tàn lửa bay đầy trời như những đám mây đen dữ tợn. Những chiếc khung nhà rực hồng như làm bằng sắt nung đỏ. Trai làng ra trận hết. Cô gái cùng với một số bạn bè đưa các cụ già và trẻ em đi lánh giặc.

Giặc đi qua rồi, một mình cô quay về thu dọn đồ đạc cho xóm làng. Cô đi dập tắt những đám lửa, bới tro than nhặt nhạnh những đồ ăn, thức đựng còn sót lại, bắt nhốt những con lợn, con gà sổng chuồng, chạy lạc. Cô làm suốt ngày không nghỉ, đầu tóc, áo quần phủ đầy tro than…

Trời về chiều. Lúc ấy, có một đoàn quân của ta, người ngựa kéo đến, tìm đường đuổi theo quân giặc. Chính bọn giặc bị quân ta đánh tan, sống sót vừa chạy qua đốt phá làng này. Đoàn quân của ta do một vị tướng trẻ tuổi chỉ huy. Tướng quân mặc áo đen, cưỡi một con ngựa bóng loáng như một tầm lĩnh. Bụi ở vó ngựa bốc lên, trông như ngựa đi trên mây. Tướng quân đầu quấn chiếc khăn xanh màu lá mạ, lông mày đen như hai vết mực tàu đậm nét. Mặt ông vuông, quai hàm bạnh ra như góc chiếc bánh chưng bẻ lá dừa. Hai hàm răng ông nghiến chặt như đang nén một nỗi đau ghê gớm.

Mà quả vậy. Kìa, vai áo ông xẻ toang một bên, cánh tay trái của ông để trần, một dòng máu chảy dài từ trên xuống. Và, gần vai, một mũi tên cắm chặt, chiếc vè tên chồng lên như một cái đuôi cá! Thì ra tướng quân vừa bị một mũi tên của kẻ thù bắn trúng, ông mải đuổi tàn quân giặc nên chưa kịp rút ra.

Đến làng này, tướng quân dừng ngựa. Ông cho gọi quan thầy thuốc đến chữa vết thương. Quan thầy thuốc là một vị lão y, tóc bạc, nhưng mắt sáng lạ thường. Lão y đã từng nhiều phen đi chiến trận, đã cứu cho nhiều tướng sĩ bị thương. Lão y chằm chằm nhìn vào mũi tên cắm vào bắp thịt tướng quân. Mỗi nhịp thở của vị tướng máu lại tràn ra xối xả trên cánh tay, máu lại thấm cả vào những thớ tre và dâng lên đỏ cả nửa cây tên.

Lão y nhìn thẳng vào mặt tướng quân:

– Thưa tướng quân, nếu tôi có thể chặt cánh tay tôi lắp vào cánh tay người, nếu tôi có thể trút cạn dòng máu của tôi sang cơ thể người, tôi không ngần ngại. Còn cây tên này, nếu nhổ ra thì mũi thép sẽ mắc lại, không có cách nào lấy ra được.

Lão y cho báo tin khắp làng ai có thể chữa được vết thương cho tướng quân, sẽ được thưởng rất hậu. Quân lính đi gọi khắp làng, không tìm được ai. Tìm mãi chỉ thấy một cô gái đang dọn dẹp giữa đám tro than, một cô gái dáng thon thả, khắp người đầy than bụi, mặt mũi đen nhẽm như trát nhọ nồi, chỉ có hai con mắt xanh biếc và hàng cúc áo trước ngực lấp lánh. Đó chính là cô gái mát tay.

Tướng quân lúc này đã quá mệt. Mặt ông tái dần, mắt ông nhắm lại. Nhưng giọng nói trong như tiếng đàn bầu của cô gái đã làm ông tỉnh dậy. Ông hé mắt, đôi mắt xanh biếc của cô gái làm ông như thấy một bầu trời xanh dịu mát, có làn gió thổi hiu hiu.

Quan thầy thuốc già bảo cô gái:

– Cô có biết quanh đây ai là người giỏi thuốc, xin mách giùm ta.

– Dạ, xóm làng lánh lạn hết, còn mình cháu. Xin cho cháu được xem thử vết thương của tướng quân.

Cô gái vội vàng rửa tay. Hai bàn tay được rửa sạch bỗng hiện ra trắng ngần, những ngón tay dài mềm mại. Cô gái vừa đặt bàn tay lên vai thì tướng quân bỗng rùng mình thấy khắp người mát rượi. Vết đau vừa rồi cháy bỏng và giật đùng đùng giờ đây dịu hẳn và cơn sốt lùi hẳn đi như cơn oi bức được trận gió nồm thổi bạt.

Tướng quân từ từ mở mắt và nở một nụ cười. Những ngón tay cô gái nhẹ nhàng lướt trên bắp vai tướng quân xoa nhẹ và từng li, từng li một đẩy được mũi tên trồi lên dần dần và thoắt một cái, cô đã rút được cây tên ra cả ngạnh. Tướng quân nghiến răng ghìm một tiếng rên rồi bỗng thở phào, sắc mặt ông hồng hào trở lại. Bàn tay cô gái áp chặt cho vết thương khép miệng và dòng máu từ từ cầm lại…

Tướng quân cảm thấy mình khoẻ hẳn lên. Trời vừa tối thì đoàn quân lại lên đường để kịp đuổi giặc. Tướng quân ra đi chỉ còn nhớ cô gái mặt nhọ nhem có đôi mắt dài xanh biếc và hàng cúc áo bằng trai như những bông hoa trắng nhỏ. Mọi người quên không hỏi tên cô và dọc đường khi nhắc đến, ai cũng gọi cô là “Cô gái Nhọ Nồi“.

Mấy năm sau, giặc xâm lược đã bị đánh tan, tướng quân mới có dịp trở lại cái làng nhỏ kia. Tướng quân hỏi thăm cô gái nhưng không biết tên cô là gì. Chỉ thấy xóm làng kể lại rằng có một cô gái mát tay hết lòng chăm sóc cho mọi người đau, ốm. Mấy năm qua, giặc nhiều lần tràn qua cái làng vùng biên giới này. Cô gái đã cứu chữa cho nhiều bà con giữa mũi tên hòn đạn của giặc. Và trong một lần xông xáo giữa trận tiền, không may cô đã ngã xuống.

Tướng quân thầm nghĩ đến cô gái chữa vết thương cho mình ngày trước. Bỗng ông thấy, bên bờ rào, ngay dưới chân mình, có một cây nhỏ, thấp độ gang tay. Lá của cây xanh biếc, nhọn dài, như con mắt rất thân thương đang nhìn mình. Mấy chiếc hoa trắng nhỏ xíu như những chiếc khuy trai lấp lánh. Ông bồi hồi đứng hồi lâu.

Một cụ già nói với tướng quân:

– Đó là cây cỏ Nhọ Nồi. Lá cây đắp vết thương là cầm máu ngay tức khắc. Chính cô gái mắt xanh đã ngã xuống nơi này, thưa tướng quân.

Và câu chuyện sự tích cây nhọ nồi người ta kể lại từ đó.

Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Thần sắt

Xưa có anh nông dân một mình sống ở cái lều ven rừng. Anh không có một tấc sắt nên làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi bằng đá, đẽo cây bằng gỗ, đào hố tra bắp bằng đầu que. Khổ sở hết chỗ nói, thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Thạch Sanh - Lý Thông

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống...

Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...