Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi. Một ngày nọ, khi trời mới tảng sáng, theo thường lệ bà lại đi lên thăm nương, vô tình bà nhìn thấy có một dấu chân to dẫm nát hết mấy luống cà của mình. Nhìn dấu chân này bà ngạc nhiên kêu lớn:

– Chao ôi! Bàn chân của ai mà lại to thế nhỉ ?

Tò mò nên bà đưa chân vào ướm thử dấu chân lạ kia, đột nhiên bà lại rùng mình một cái. Và kể từ ngày đó thì bà mang thai. Khi cái thai trong bụng đã đủ ngày đủ tháng thì bà sinh ra được một đứa bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm, bà liền đặt tên cho nó là Gióng.

Tuy nhiên, dù Gióng đã lên ba tuổi nhưng chẳng giống như những đứa trẻ khác, nó vẫn cứ nằm ngửa mà đòi ăn, chẳng biết ngồi mà cũng chẳng biết lẫy, hơn nữa nó cũng chẳng nói chẳng cười tiếng nào.

Khi ấy là thời điểm bọn giặc Ân lũ lượt kéo vào để cướp nước của ta. Đám giặc Ân này vô cùng hung hãn và tàn ác, tên tướng cầm đầu tên là Ân vương, hắn có hình dung vô cùng cổ quái và dữ tợn. Chúng đi đến đâu thì lại đốt phá cửa nhà, còn giết người để cướp của khắp mọi nơi.

Quân đội của Hùng Vương cũng không ít lần dẫn quân xuất trận, tuy nhiên sức yếu nên không thể nào đánh lại bọn giặc Ân hùng mạnh kia. Vua Hùng thấy tình hình không ổn thì vô cùng lo lắng, vì vậy vội vàng hạ lệnh cho sứ giả của mình đi khắp nơi trong nước mong có thể tìm được những bậc tướng tài ba để giúp nhà vua cứu lấy đất nước đang trên bờ lâm nguy.

Vào một ngày kia, sứ giả tới làng của chú bé tên Gióng. Khi nghe thấy tiếng loa rao rằng nhà vua đang đi cầu người tài khắp nơi, mẹ của Gióng đang ru con liền đùa vui với con mình là:

– Con ơi! Con trai ngoan của mẹ cứ mãi không đi không nói như vậy, biết đến bao giờ thì con mới có thể đi đuổi giặc giúp nhà vua đây!

Không ngờ khi người mẹ vừa dứt lời thì Gióng lại đột nhiên mở miệng mà nói thành tiếng rằng:

– Mẹ hãy đi gọi sứ giả vào nhà mình cho con!

Nhưng khi nói xong thì Gióng lại im lặng. Người mẹ thấy vậy thì nửa mừng nửa sợ, vội vội vàng vàng đem chuyện lạ này kể lại cho xóm giềng xung quanh được biết. Thấy chuyện lạ xảy ra, tất cả mọi người đều đổ xô tới nhà của Gióng, ai cũng cho đây là một chuyện thần kì. Một người trong đám đông liền nói:

– Ta cứ thử ra mời sứ giả tới để xem nó muốn làm cái gì nào.

Vậy là mọi người lại chạy ra mời sứ giả tới, khi viên sứ giả ấy vào trong nhà và trông thấy Gióng thì lập tức hỏi:

– Có phải mày chính là đứa bé tận ba tuổi mới học nói không? Mày mời ta đến đây có việc gì?

Gióng chững chạc trả lời lại câu hỏi của viên sứ giả kia:

– Hãy về báo lại với nhà vua cho người rèn một con ngựa sắt, làm một thanh gươm sắt, thêm một bộ áo giáp sắt, cùng với một chiếc nón sắt nữa, sau đó ta sẽ giúp đuổi đám giặc kia cho!

Tất cả mọi người chứng kiến ở đó đều cảm thấy sự việc này hết sức lạ lùng và có phần thần kỳ nữa. Cho rằng đây là thần nhân hiện thân, viên sứ giả vội vã phi ngựa nước đại trở lại cung để bẩm báo lại toàn bộ sự việc cho nhà vua cùng quần thần được biết.

Hùng Vương nghe sứ giả tâu rõ thì vô cùng vui mừng, lập tức hạ lệnh cho đám thợ rèn phải đem gom góp tất cả sắt lại để rèn ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt cùng với nón sắt đúng như lời dặn của chú bé kia.

Những thứ đồ ấy khi rèn xong thì nặng không sao tả nổi. Hàng chục người cùng nhau bê thanh gươm sắt mà nó cũng chẳng chịu nhúc nhích một chút nào. Bởi vậy nên vua Hùng đành phải phái hàng ngàn quân lính của mình tìm đủ mọi cách để có thể chở đồ tới giao lại cho chú bé tên Gióng kia.

Khi nghe tin có hàng toán quân lính cùng nhau khiêng những thứ đồ bằng sắt ấy tới làng, mẹ của Gióng vô cùng sợ hãi mà chạy thẳng về nhà nói với con trai:

– Con ơi! Chuyện của nhà vua không phải là chuyện vui đùa đâu. Hiện nay quân lính người ta đang ầm ầm kéo nhau tới ngoài bãi rồi, chúng ta biết phải làm gì bây giờ?

Nghe mẹ nói vậy, Gióng đột nhiên ngồi vụt dậy mà bảo:

– Chuyện đánh giặc mẹ không cần lo lắng làm gì. Nhưng mà mẹ phải cho con ăn nhiều thì mới được!

Người mẹ vội vã chạy đi thổi cơm để cho con trai ăn, nhưng bà nấu được nồi nào thì Gióng lại ăn hết ngay nồi ấy. Và mỗi lần ăn hết một nồi cơm mẹ nấu thì Gióng lớn được thêm một chút, cậu lại đòi ăn nữa. Người mẹ càng cho con ăn bao nhiêu thì Gióng lại càng lớn hơn được bấy nhiêu, cậu bé lớn nhanh như thổi, không bao lâu thì đã trở thành chàng trai trẻ tuổi khỏe mạnh.

Khi trong nhà đã hết sạch gạo, người mẹ lại phải chạy đi khắp làng xóm để kêu gọi. Mọi người trong làng đều nô nức sắp gạo, đem khoai tới, còn có cả trâu, có cả rượu, cùng rất nhiều bánh trái, hoa quả,… chất đầy cả một sân rộng.

Tuy nhiên, dù người dân trong làng có đưa đến bao nhiêu thì chàng Gióng lại ăn vơi đi bấy nhiêu, nhưng mà chàng vẫn tiếp tục đòi ăn thêm không ngừng nghỉ. Sau đó thì Gióng lại nói với mẹ mình là:

– Mẹ hãy kiếm vải để may quần áo cho con mặc.

Nghe chàng Gióng nói vậy thì tất cả mọi người lại cùng nhau đem tới không biết bao nhiêu là vải lụa để mà may quần áo mới cho chàng. Tuy nhiên thì thân thể của chàng lại lớn vụt một cách rất kỳ lạ, quần áo mới vừa may thì đã chật và ngắn ngay được, khiến mọi người cứ phải đem vải tới chắp vá thêm không ngừng. Chẳng mấy chốc mà đầu của chàng đã chạm tới được nóc nhà.

Khi mọi người ở làng còn chưa hết ngạc nhiên thì đám quân lính cũng vừa lúc khiêng được đống ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt cùng nón sắt tới nơi. Gióng thấy thế liền bước ra ngoài, chàng vươn vai và người đột nhiên cao lớn sừng sững như một ngọn núi, chân chàng dài hơn trượng, chàng hét một tiếng nghe như tiếng sấm rền:

– Ta chính là tướng của nhà Trời!

Sau đó Gióng nhanh nhẹn đem áo giáp sắt mặc lên người, lấy nón sắt đội lên đầu, một tay cầm lấy gươm sắt mà múa vài vòng. Rồi chàng nói lời từ biệt với mẹ của mình cùng tất cả dân làng, sau cùng thì nhảy phắt lên con ngựa sắt. Con ngựa sắt đột nhiên chồm lên rồi phun thẳng về phía trước luồng lửa nóng đỏ rực.

Chàng Gióng lấy chân thúc một cái, con ngựa lập tức phi như bay, nó sải những bước nhảy dài phải hàng chục con sào ghép lại, làm rung chuyển đất trời. Trong nháy mắt thì nó đã xông thẳng đến nơi giặc hạ trại, hàng loạt những khu trại rộng trải dài khắp mấy khu rừng. Chàng Gióng lập tức vung gươm trên tay như chớp giật. Đám giặc Ân xông vào bao nhiêu thì lại chết hết từng ấy. Rồi con ngựa sắt lại thét ra lửa làm cháy hết những đồn trại, rồi thiêu cháy luôn cả mấy cánh rừng kia nữa. Khói bụi bay mù mịt khắp trời, tiếng la hét khóc than vang trời.

Tuy là bị thương vong rất nhiều nhưng tướng giặc Ân vương vẫn không ngừng gào thét ra lệnh cho quân đội tiến đến, Gióng càng đánh lại càng khỏe hơn, thây đám giặc Ân chất ngổn ngang khắp nơi trong rừng. Đột nhiên gươm sắt của chàng bị gãy. Nhưng chàng chẳng có chút bối rối, lập tức với tay nhổ lấy những bụi tre lớn ở hai bên đường mà quật túi bụi vào đám giặc đang bám trụ theo mệnh lệnh của chủ tướng.

Nhưng bọn giặc Ân cũng chẳng cầm cự được bao lâu, sau đó bắt đầu tan rã, chạy tán loạn ở khắp nơi, còn tên tướng giặc Ân vương thì đã bị Gióng quật cho tan xác tự bao giờ. Đám tàn binh thấy tướng lĩnh đã chết thì vội vàng lạy lục để xin hàng.

Đến lúc này thì quân đội Hùng Vương cùng tất cả dân làng nơi đây chỉ còn việc duy nhất là xông tới mà trói hết chúng lại mà thôi. Chưa đầy buổi mà Gióng đã có thể trừ được nạn nước. Khi ấy ngựa sắt của Gióng cũng đã tới chân ngọn núi Sóc Sơn. Khi đến nơi này, Gióng đem áo giáp sắt cùng nón sắt để lại, sau đó cưỡi theo ngựa sắt mà bay thẳng về trời.

Sau khi nạn giặc ngoại xâm đã trừ, để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng thì vua Hùng đã cho người xây dựng đền thờ chàng Gióng ngay tại quê hương của chàng, phong chàng thành Phù Đổng thiên vương.

Cho đến tận ngày nay thì chúng ta vẫn còn có thể nhìn thấy được những vết tích sót lại là những dãy ao hình tròn cứ nối tiếp nhau từ Kim Anh, qua Đa Phúc rồi đến tận Sóc Sơn, cha ông ta nói rằng đó chính là dấu chân mà ngựa sắt của Thánh Gióng để lại. Còn khu rừng bị thiêu rụi bởi ngọn lửa của ngựa sắt thì ngày nay có tên gọi là làng Cháy. Và những đám tre mà Thánh Gióng đem nhổ nên để đánh giặc dính lửa nên từ màu xanh ngả hết thành màu vàng, hơn nữa còn có thêm lốm đốm những vết cháy, hiện nay vẫn còn giống ấy, người ta vẫn gọi nó là tre ngà (hoặc là tre đằng ngà).

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày...

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...