Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải

 

Ở đoạn đê chạy qua làng Công Luận thuộc trấn Kinh bắc (Bắc Ninh) thuở ấy, có một người đàn bà goá đứng tuổi, sống bằng nghề mở quán bán hàng nước, quà bánh. Bà là người hiền lành, chất  phác và thân thích ruột rà cũng chẳng còn ai. Quán xá ở nơi hẻo lánh, xung quanh chỉ có mấy đầm nước, nên cũng ít người qua lại.

Một hôm, có ông khách lạ đi qua, ghé vào quán ăn quà, uống nước. Lúc ra đi, do đãng trí, ông ta bỏ quên lại cả một túi lớn đựng đầy tiền. Khi dọn hàng, thấy túi tiền, bà hàng lẳng lặng cất đi, cũng chẳng giở ra xem. Mấy ngày sau, ông khách quay lại, nét mặt bần thần ngơ ngác, nhưng chưa dám hỏi. Biết ý, bà hàng vào buồng lấy túi tiền đem ra trả lại, nét mặt cũng chẳng biểu lộ thái độ gì.

Ông khách nhận túi tiền, mừng rỡ, nhưng trong bụng lại sinh nghi, bèn mở ra đếm lại. Khi thấy không thiếu một đồng nào, thì ông ta tự cảm thấy xấu hổ, bèn nói lời cảm tạ và gạt một nửa số tiền ra biếu bà hàng. Thế nhưng, ông ta vừa dứt lời đã thấy bà lắc đầu quầy  quậy, bảo cất tiền đi. Thấy ông khách nài ép mãi, bà nói:

- Cảm ơn ông. Tôi tuy nghèo nhưng không phải không biết phân biệt điều nghĩa lý, trái phải. Đây là tiền của ông chứ có phải tiền do công sức khó nhọc của tôi đâu? Ông vui lòng giữ lấy vậy.

Ông khách ngồi lặng đi hồi lâu, có vẻ như đang suy nghĩ điều gì... Quả vậy, ông đã đứng tuổi, đi lại nhiều nơi, lại tiếp xúc với đủ các hạng người mà chưa một lần thấy ai có tấm lòng trọng nghĩa khinh tài như vậy. Ông tự nhủ thầm: "Đây là số tiền bà ấy có ăn cả đời cũng không hết... Đã vậy, ta phải đem tấm lòng thực của mình ra để đối lại với tấm lòng thực của người ta thôi". Ông nói:

- Chẳng dấu gì bà, tôi là thầy địa lý, đi lại ở vùng này đã nhiều, nên biết được mấy ngôi đất quí. Có một ngôi sau này con cháu sẽ phát đến Tể tướng, Trạng nguyên. Vừa nãy, bà không nhận tiền làm cho tôi áy náy quá. Vậy tôi muốn giúp bà cải táng lại phần mộ của cụ thân sinh...

Bà chú ý nghe ông khách nói xong, nhưng lại mỉm cười buồn bã:

- Cảm ơn thầy. Chắc thầy chưa rõ đấy thôi. Ông nhà tôi đã mất rồi, lại con cái không có. Anh em thân thích nội ngoại cũng không còn ai. Nếu được ngôi đất quí thì cũng chẳng biết mà để làm gì. Xin thầy bỏ quá đi cho vậy.

 Ông thầy địa lý nghe thấy thế  nhưng cũng vẫn một mực thuyết phục:

- Bà chẳng nên ngại. Cơ trời biến hoá nhiều lúc thực khôn lường, người thường không thể biết trước được. Ngôi đất Trạng nguyên nếu ông cụ thân sinh của bà được táng vào đấy thì ít nhất sau này bà cũng được mát mặt thảnh thơi...

Ông khách đã nói đúng điều ước muốn của bà hàng: Trạng nguyên, Tể tướng chẳng bao giờ bà dám màng tới, nhưng nỗi lo tuổi già một thân một mình thì thường khi bà vẫn thấy canh cánh bên lòng. Bà nhận lời, rồi đưa ông thầy ra đồng, chỉ cho ông ngôi mộ của cụ thân sinh để ông lo việc cải táng. Khi công việc xong xuôi, trước lúc từ giã, ông thầy còn dặn bà hãy chăm làm việc thiện nhiều hơn nữa thì phúc lộc, công quả mới chóng được ứng nghiệm...

Thế rồi việc ấy cũng qua đi. Thời gian đầu bà hàng còn hay nghĩ tới và ao ước, nhưng sau, do bận làm ăn buôn bán, nên cũng đã quên dần. Tuy vậy, là người bản chất tử tế, nên chả cần ông thầy phải dặn, bà vẫn thường xuyên giúp đỡ những người cơ nhỡ đi qua, mặc dù đời sống của bà cũng rất chật vật, chứ chẳng giàu có dư dật gì.

Khoảng một năm sau, một hôm vào buổi chiều, trời đang nắng gắt bỗng đâu mây đen kéo đến. Rồi sấm chớp đùng đùng và mưa đổ nước xuống như trút. Bà hàng bèn dọn dẹp rồi đóng quán lại vì nghĩ mưa thế này thì mở quán cũng chẳng ai vào. Một hồi lâu sau, đang ngồi trong quán, bà bỗng nghe thấy có tiếng người gọi lẫn trong tiếng mưa rơi, rất gấp. Bà vội mở cửa thì trước mặt là một người đàn ông đứng tuổi, đầu tóc quần áo ướt sũng, mặt mày nhợt nhạt, đang run lên cầm cập. Đó chính là một người đánh dậm với đầy đủ đồ nghề trên tay. Người ấy dựng vội cái dậm, cái bập và chiếc giỏ vào vách rồi lách cửa bước vào, miệng nói xin trú mưa tạm. Nhưng vừa vuốt tóc, vuốt quần áo cho nước chảy mau xuống, thì cũng là lúc toàn thân người ấy run lên bần bật, rồi bất thình lình ngã đổ vật ngay xuống. Bà hàng thấy vậy, vội vã quơ một nắm nòm rồi nhóm lửa cho người ấy sưởi. Bà lại đi tìm hộp dầu - mặc dù thường rất dè xẻn, chỉ khẽ xoa một chút khi bị nhức đầu sổ mũi - xoa rất đậm lên trán, lên thái dương, lên ức, lên gáy, lên sống lưng, lên bụng và hai lòng bàn chân bàn tay của người ấy.

Một lúc lâu sau thì người đánh dậm tỉnh lại, do được cứu chữa kịp thời. Bà hàng vội đi bắc niêu cháo hành cho người ấy ăn lại sức. Sau khi đã bình phục, người đánh dậm tỏ lòng biết ơn. Cử chỉ lời nói rất thành thực, khiến bà hàng cũng có cảm tình. Người đánh dậm, nhân câu chuyện, bèn kể lại gia cảnh của mình. Đó là một người rất nghèo, nhà ở Bát Tràng cách đó đến mấy làng, đã ba đời làm nghề này, đến nay tuy luống tuổi nhưng vẫn chưa có tiền cưới vợ.  Bà hàng vừa nghe vừa cảm thương trong lòng...

Lúc ấy, nhìn ra bên ngoài, trời đã bắt đầu tối. Cơn mưa tuy ngớt nhưng gió vẫn còn mạnh và mây đen đang ùn ùn kéo đến. Người đánh dậm xin về, nhưng bà hàng bảo trời sắp mưa đợt nữa, nếu giữa đường bị cảm lại, chắc sẽ nguy to. Người đánh dậm lưỡng lự, nét mặt bần thần, rồi cuối cùng cũng đành ở lại.

Họ đi thổi cơm, làm thịt cá và cùng ngồi ăn uống với nhau, trong câu chuyện đã có phần thân mật. Đến khi đi ngủ, vì nhà chật chỉ có một chiếc chõng với một chiếc chiếu, nên dù muốn dù không, họ đành phải ngủ chung. Lúc đầu còn ngượng ngịu nhưng về sau, do hơi ấm và sự đụng chạm, đã làm cho họ không tự cưỡng lại được... Nhưng thật không may cho người đánh dậm, thời gian bị cảm mạo chưa lâu mà đã ân ái ngay, nên bị phạm phòng, rồi lăn ra chết đột ngột. Bà hàng hết sức bối rối, tìm mọi cách cứu chữa, nhưng cuối cùng cũng đành phải bó tay.

Đến lúc này, khi đã định thần lại được, bà mới cảm thấy sợ hãi vô cùng: ngày mai mọi người biết chuyện thì vừa xấu hổ vừa bị liên lụy, quan trên ắt sẽ lục vấn, khảo tra rồi tù tội cũng nên. Nghĩ đoạn, bà vội khâm liệm cho người quá cố, rồi một thân một mình, vác cuốc, vác tử thi đi chôn ngay. Khi chôn xong, bà còn xoa đất ngụy trang, để không còn dấu vết. "Thôi thì ông hãy mồ yên mả đẹp chứ chẳng nên oán trách tôi làm gì" - bà lẩm bẩm khấn khứa thành lời trước lúc ra về.

 

Từ đấy, bà hàng nước bắt đầu có mang, rồi chín tháng mười ngày sau, sinh hạ được một mụn con trai. Mặc cho thiên hạ lời ra tiếng vào, thậm chí cả chê cười khinh bỉ, nhưng bà vẫn để ngoài tai, vừa bán hàng vừa chắt chiu nuôi nấng đứa con.

Ngày tháng qua đi, đứa trẻ lớn dần rồi cũng đến tuổi biết chơi, biết nghịch. Và thực rõ cơ trời, tuy cha mẹ chỉ là những người nghèo khó, vậy mà đứa trẻ lại khôi ngô tuấn tú và linh lợi hoạt bát hơn người.

Thế rồi đến một hôm, khi trong quán đang có vài người khách, bà hàng còn đang mải rót nước, đưa bánh... thì đứa trẻ đã leo lên mặt đê rồi đi quá sang mé bên kia. Đê cách sông một đoạn, lại bằng phẳng quang đãng, nên nhìn thấy cả dòng chảy rất gần. Lúc ấy, ở bên mép nước đang có một chiếc thuyền buôn neo đậu. Người chủ thuyền đang ngồi nghỉ trong khoang, chợt thấy đứa trẻ liền vẫy tay cho nó đến gần. Lúc đầu, chỉ là một cách giải khuây, nhưng sau đó, càng nhìn đứa trẻ càng thấy ưng ý, nên ông ta đã nảy ra ý định bắt cóc. Thế là ông ta nhảy lên bờ, lân la đến bên đứa trẻ, chuyện trò và đưa kẹo, rồi dụ nó xuống thuyền chơi. Đứa trẻ thích trí theo ông ta liền, bởi vì đối với nó, việc quen ngay với người lạ, đây đâu phải mới xảy ra lần đầu.

Khi đứa bé xuống thuyền xong thì người chủ thuyền nháy mắt cho người bẻ lái động chèo, thế là chiếc thuyền dời xa bờ, rồi sau đó, dương buồm lên chạy thẳng...

Đến lúc ấy, ở bên này, khi khách đã vãn, bà hàng mới hốt hoảng đi tìm con, nhưng hỡi ôi, đứa trẻ đã "biến mất". Hút chân đê, hút mặt đê, tầm mắt của bà đều chẳng nhìn thấy gì. Chạy về phía dòng sông, nhìn dòng nước cuộn chảy, xung quanh lại vắng vẻ, bà nghĩ nếu con bà có ngã xuống đấy thì nước đã cuốn đi tận đẩu tận đâu mất rồi, còn nếu nó bị mẹ mìn bắt mang đi, thì một thân một mình bà cũng chẳng thể tìm ra manh mối được. Suy đi tính lại, càng lúc bà càng cảm thấy bối rối, tuyệt vọng. Bà kêu rú lên từng hồi, hết gọi con rồi lại khóc con. Nhưng nỗi đau đớn và vật vã ấy của bà, rốt cuộc vẫn chỉ có một mình bà hay biết.

Thế rồi, khi sức đã kiệt, bà đành lủi thủi quay trở về quán, đêm ngày âm thầm gạt dòng nước mắt, và sống cho qua ngày. Tuy nhiên, do công việc, nên dần dần nỗi nhớ con của bà cũng nguôi ngoai đi được chút ít...

Người lái buôn bắt cóc đứa trẻ đưa đi vốn là người họ Giáp, ở làng Dĩnh Kế, cùng trong một tổng với làng Công Luận, và hai làng cách nhau cũng chẳng bao xa. Đó là một người rất giàu có, của kho thóc đụn rất nhiều, lại đi đó đi đây buôn bán, nên sự lanh lợi và đầu óc hiểu biết cũng rộng. Thời trẻ ông ta là tay chơi bời nên mắc phải bệnh giang mai, về sau chữa khỏi nhưng lại tuyệt đường con cái. Nghĩ mình toà ngang dãy dọc, của nả dư thừa mà không có con nối dõi thì thật uổng phí, nên từ lâu ông ta nảy ra ý định đi bắt một đứa trẻ ở đâu đó về nuôi. Ông ta đã mấy lần thực hiện ý định này nhưng đều chưa thành, bởi vì khi dịp "thuận lợi" đến thì "đứa trẻ ấy" có gương mặt xấu xí, chẳng hứa hẹn về sau điều gì, nên lại thôi.

Khi qua khúc đê ở làng Công Luận, sau khi nhìn kỹ thấy đứa trẻ kháu khỉnh ông ta đã thực hiện được ý đồ của mình. Đem đứa trẻ về nhà, ông ta mừng lắm, nói với người nhà là xin của một người bạn hàng đông con quê ở rất xa, lại dặn mọi người từ nay trở đi không ai được hé răng để lộ tung tích cho đứa trẻ biết. Bản thân ông ta từ đó cũng đối xử với đứa trẻ rất mực chu đáo, tử tế. Ông gọi nó là "con" và xưng là "bố", rồi đi chạy giấy khai sinh, đặt tên họ cho nó là Giáp Hải.

Năm Giáp Hải lên sáu tuổi, ông cho nó đi học. Là đứa trẻ thông minh, có trí nhớ đặc biệt nên Hải học hành rất tấn tới. Ông thầy đồ và mọi người đều cho nó là "thần đồng" - học mười biết mười, chứ không phải học mười quên chín như nhiều đứa trẻ khác. Càng lớn lên, Giáp Hải lại càng thông tuệ, và đến năm 19 tuổi đi thi Hương thì đã đỗ ngay á nguyên (thứ nhì).

Năm sau, đến kỳ thi Hội, Giáp Hải lên đường, nhưng không đỗ. Lại về đèn sách với ông thầy cũ. Rồi ba năm sau, đi thi Hội lần thứ hai, cũng vẫn bị trượt. Ông bố nuôi, vốn là người cơ trí, đã hiểu ra rằng lỗi này tại con thì ít mà tại thầy thì nhiều: Thầy ở nơi thôn dã lại chưa đỗ đại khoa thì trò làm sao có thể đọ sức được với các anh tài trong thiên hạ?

Ông bèn biện một lễ rất hậu đến nhà thầy nói lời cảm tạ, rồi sau đó, sắm sửa cho con lên kinh theo học một cụ Nghè danh tiếng. Ông bán thóc lúa, quyết chí dốc vốn cho con ăn học đến nơi đến chốn, lại thân hành dẫn con đi, đến nhà thầy, đến nhà trọ, dặn dò đâu đấy rồi mới ra về.

Giáp Hải khi ấy 23 tuổi, đã là một chàng trai trưởng thành. Dù cha không dặn dò đi nữa thì chàng cũng tự thấy phải chăm chỉ học hành hơn, để khỏi phụ lòng ông.

 

Ở Kinh đô, từ nhà trọ đến nhà thầy, hàng ngày Giáp Hải phải đi qua bến Bồ Đề. Bến này, ngư dân đánh bắt cá dưới sông thường đem về đây bán. Một hôm, đi học về ngang qua dừng lại mua thức ăn, Hải thấy một người đánh cá đang đứng bán một con ba ba có nổi hoa ở trên lưng trông rất đẹp. Là dân miền sông nước, Giáp Hải chẳng lạ gì ba ba, nhưng càng ngắm càng thấy ở con này có cái gì đó thật khác thường. Hải lên tiếng hỏi mua - người đánh cá, vốn là tay láu lỉnh hay bắt chẹt khách, đã phát giá đúng bốn quan tiền - số tiền nhiều gấp bốn lần một con ba ba tương tự. Hải thản nhiên móc túi lấy tiền, không một lời kỳ kèo, rồi mang ba ba về nhà, trong lòng xiết bao vui sướng.

Về nhà sau khi ăn cơm, Hải đi mua gỗ rồi mượn cưa đục, đóng cho ba ba một cái "nhà" để ở. "Nhà" có chỗ uống nước, có chỗ cho ăn, lại có chỗ đựng cát để ba ba ẩn nấp.

Do con nhà giàu nên Giáp Hải ở trọ hẳn trong một nhà riêng, có chỗ ngủ, chỗ học, chỗ ăn và bếp nấu nướng, tuy nhiên cũng chỉ ở một mình mà không có người theo hầu. Ở một mình, học hành chí thú nghiêm túc hơn, nhưng lại buồn vì không có người bạn bầu trò chuyện. Có ba ba, hàng ngày cho ăn lại ngắm nhìn nó, cũng là một cách để Giáp Hải giải khuây, vơi nhẹ nỗi buồn.

Nào ngờ, chỉ một ngày sau, khi Hải đi học về, mở khoá đẩy cửa bước vào thì thấy ở bàn ăn một mâm cơm tươm tất. Lạ lùng, Hải nhìn quanh, thấy đồ đạc vẫn còn nguyên dấu cũ lại chẳng thiếu thứ gì. Nhìn vào ổ khoá cũng không có dấu vết lạ. "Vậy thì cơm canh thịt cá kia ở đâu ra?" Hải tự hỏi và sục tìm một hồi nữa nhưng chẳng thấy sáng tỏ điều gì, sau chán nhẽ, đành ngồi vào ăn vì lúc này cũng đã đói. Cơm vừa chín tới được ủ nóng, còn thức ăn thì vừa miệng lại thực ngon - Hải nếm mỗi thứ một tý, rồi sau đó yêm tâm, ăn đến hết bữa, không quên dành lại một phần cho ba ba.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, khi đi học về Hải cũng đều thấy như vậy cả. Tuy được ăn uống ngon lành nhưng Hải vẫn nghĩ phải tìm cho ra manh mối này.

Đến hôm thứ tư, kể từ hôm đầu, Hải đến lớp được một lúc thì cáo ốm, xin phép thày cho về nhà sớm. Gần đến cửa Hải đi rón rén rồi nấp vào một chỗ, nhìn vào trong nhà, qua một khe hở nhỏ. Một lát sau, từ chỗ thùng đựng ba ba bỗng thấy hiện ra một người con gái tuyệt đẹp. Người con gái ấy vấn lại tóc rồi bước về phía bếp chuẩn bị cơm nước ... Không để lỡ thời cơ, Hải lén mở khoá rồi đẩy nhanh cánh cửa bước vào, đến chỗ có thùng đựng ba ba, cầm lấy xác đem cất đi, đoạn bước xuống bếp gặp cô gái. Hải lên tiếng trước:

- Xin chào qúi cô nương. Thật vô cùng cảm kích về cuộc hạnh ngộ này.

Cô gái, thoạt tiên đỏ bừng mặt có vẻ lúng túng - chắc do Hải đã đứng ở ngay sau cửa nên cô không thể trở về thùng ba ba được - sau đó đành trấn tĩnh lại, rồi nói:

- Chào công tử. Thiếp là con gái vua Thuỷ Tề, thường hay đội lốt ba ba đi chơi, nên chẳng may bị sa lưới. Hôm ấy may có công tử cứu thoát nên thiếp đội ơn vô cùng, bây giờ ở lại lo liệu cơm nước là để đền ơn công tử đấy.

Hải vội chắp tay vái cô gái hai vái mà rằng:

- Xin đa tạ. Xin đa tạ. Tôi là Giáp Hải, người trần mắt tục, được hưởng lộc mà bây giờ mới biết tới quí nương. Xin quí nương thứ lỗi cho.

Cô gái cũng vái lại Giáp Hải, còn miệng thì nói:

- Không dám. Không dám. Tôi phải tạ ơn công tử trước mới phải chứ.

Giáp Hải nói luôn:

- Chả dấu gì cô nương, từ dạo ở Kinh Bắc về đây tôi vẫn phải tự lo liệu cơm nước lấy. Từ nay, nếu cô nương không chê, xin được vui lòng ở lại lâu dài, đỡ đần rau cháo có nhau.

Cô gái trả lời:

- Xin công tử an tâm. Được cứu sống là nghĩa trọng, không thể bỏ đi một sớm một chiều. Công tử hãy gắng mà lo đến việc đèn sách.

Giáp Hải mừng rỡ vô cùng, vội chắp tay vái thêm cô gái. Cô gái cũng chắp tay vái lại Giáp Hải. Sau đó họ cùng nhau sửa soạn cơm nước.

Từ đó trở đi cuộc sống trôi đi như trong mộng ảo, ở lớp học xong, Giáp Hải đi thẳng về nhà, tiện chợ mua sắm thêm mấy thứ, chứ không còn dềnh dàng như hồi trước. Thế rồi, theo lẽ tự nhiên, trai tài gái sắc bên nhau, thì chả cần ai mai mối, họ cũng nhanh chóng nên duyên vợ chồng. Nhưng là những con người hiểu phép tắc, nên trước khi thành thân, họ sắm sửa lễ vật, thắp hương, khấn cầu trời đất chứng giám, phù hộ độ trì cho sự tác thành và cho tình nghĩa lâu dài của họ.

Giáp Hải cũng như cô gái, bản thân mỗi người đều hiểu cuộc nhân duyên của họ thật là hy hữu - có một không hai trên đời, bởi vậy không thể ai hé răng ra nói với người thứ ba. Họ yêu nhau, sống với nhau hạnh phúc, nhưng cũng chỉ gói gọn trong ngôi nhà trọ bé nhỏ mà thôi - không một ai hay biết. Dần dà rồi một hôm, cô gái nói với chồng:

- Thiếp vắng nhà đã lâu, chắc bây giờ phụ vương mẫu hậu nóng lòng mong đợi thiếp lắm. Xin chàng cho thiếp về thăm nhà, nhân thể cũng mời chàng xuống thuỷ cung dạo chơi cho biết.

Giáp Hải đáp lại:

- Từ lâu ta cũng muốn được đến ra mắt cha mẹ nàng, như vậy mới là phải đạo. Nhưng ngặt vì nỗi người trần nên chưa nghĩ được cách gì để có thể xuống thuỷ cung được.

Vợ chàng nói:

- Không hề gì. Chàng cứ đưa lốt ba ba cho thiếp rồi thiếp sẽ dẫn chàng đi.

Giáp Hải lại băn khoăn:

- Nàng tính. Ta đang phải luyện văn bài để đợi khoa thi. Đi như thế chắc phải lâu dài, liệu có tiện không?

Vợ chàng lại đáp:

- Trong triều của cha thiếp cũng có nhiều người đỗ đại khoa. Có Trạng nguyên họ Lương là người kiến thức uyên bác, đang dạy học cho các hoàng tử. Chàng xuống đó mà theo học thì lại càng rất tiện.

Không còn ước muốn gì hơn, Giáp Hải vui mừng khôn xiết, hôm sau đi từ biệt thày và bạn bè, rồi hôm sau nữa, cùng vợ ra mé bờ sông. Cô gái khoác lốt ba ba vào người rồi thoăn thoắt rẽ nước cho Giáp Hải theo xuống. Chẳng mấy chốc, kinh thành của vua Thuỷ tề đã hiện ra ngay trước mắt họ.

Lúc ấy, vua Thuỷ tề đang buổi thiết triều, thấy con gái trở về Ngài vô cùng mừng rỡ. Khi được biết Giáp Hải là ân nhân của nàng, nhà vua đã cảm ơn và tiếp đãi chàng thật là trọng thị. Họ không dám nhận nhau là vợ chồng ở trước mặt vua cha, bởi vì họ biết việc tự ý lấy vợ lấy chồng như thế là không phải phép. Giáp Hải, vốn nhanh trí, đã nhận ngay ra tình thế của mình, và chàng ứng đối cũng rất tự nhiên, mực thước.

Khi gặp Trạng nguyên họ Lương, Giáp Hải xưng danh rồi ngỏ ý muốn được theo học. Ông quan Trạng niềm nở gật đầu. Vua Thuỷ tề sau đó biết chuyện, cũng rất hài lòng. Ngài lập tức sai dọn một căn phòng thật tĩnh mịch để cho chàng yên tâm học tập. Cơm nước hàng ngày có các thị nữ bưng đến, còn các vật dụng thì cần thứ gì cũng đều có sẵn cả.

Từ đấy, dòng dã suốt mấy năm trời, Giáp Hải miệt mài với việc học tập. Sách vở tra cứu đầy ắp trong thư viện. Ông thày kiến thức quảng bác, lại giảng giải cho thật tận tình, nên càng về sau, kiến thức của chàng càng được mở mang, trí óc của chàng càng thêm sáng suốt và văn tài thì thật uyển súc... Và do ở chốn cung đình, nên mọi đường ăn chơi của chàng cũng thực là sành điệu.

Một hôm, đang ngồi trong cung, vua Thuỷ tề bấm độn, biết ở kinh đô nước Nam sắp có kỳ thi Hội. Sáng hôm sau, nhà vua cho gọi Giáp Hải đến, nói chàng có muốn thi thì hãy mau mau chuẩn bị cho kịp. Giáp Hải, dẫu đinh ninh trong bụng có lúc sẽ xảy ra sự trạng này, nhưng nghe thấy thế, cũng cảm thấy bàng hoàng. Chàng trấn tĩnh một hồi, rồi đứng dậy cảm tạ nhà vua, miệng bèn nói lời xin cáo biệt...

Ngày hôm sau, vua Thuỷ tề đặt đại tiệc để tiễn đưa chàng. Phút chia tay diễn ra thật vô cùng cảm động. Chàng và nàng nhìn nhau nước mắt lưng tròng mà chẳng tiện nói ra... Nhà vua cấp cho chàng tư trang và rất nhiều vàng bạc, châu báu, lại cùng hoàng tộc và các đại thần đi tiễn chàng rời khỏi Hoàng cung. Khi ra khỏi cổng thành một vị trong đoàn tuỳ tùng hoá phép rẽ nước để chàng có lối đi rộng rãi trở về...

Vừa về đến nhà trọ cũ, Giáp Hải đã hay tin nhà vua vừa ra chiếu chỉ cho mở khoa thi Hội mới. Không kịp trở lại quê nhà báo tin, chàng vội chuẩn bị ngay lều chõng để vào trường ứng thí. Trải đủ cả bốn lần khảo hạch của kỳ thi, các bài vở của chàng làm đều trúng cách, lời văn đã trau chuốt, ý tứ lại càng sâu xa. Thơ phú của chàng thì như thần tiên giáng bút. Vì vậy các quan chánh, phó chủ khảo đều rất hài lòng, lấy chàng đỗ ngay Hội nguyên - đầu bảng. Trong năm người được chọn thi Đình thì chàng cũng lại chiếm luôn ngôi cao nhất - Trạng nguyên.

Mấy ngày sau, quan tân khoa Trạng nguyên ngồi trên võng điều có tàn lọng che để trở về quê vinh qui bái tổ. Từ ngày chàng rời nhà ra đi đến nay vừa đúng mười năm, lúc này, Giáp Hải đang ba mươi ba tuổi.

Ông bố họ Giáp, lúc này cũng đã ngoại bảy mươi. Từ khi nghe tin con rời nhà trọ ở Kinh đô ra đi mà không biết đi đâu, ông đã cho người tìm tòi khắp nơi, nhưng đều chẳng thấy. Trong thâm tâm, ông đinh ninh chẳng may con ông gặp nạn ở đâu đó, hoặc giả, có ai đã nói về nguồn gốc, nên nó mới phẫn chí mà vĩnh viễn từ bỏ ông, không một lời cáo biệt. Càng nghĩ ông càng rầu rĩ trong lòng, và đêm ngày lại tự than khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

Tưởng đã tuyệt đường hy vọng thì nay bỗng nhiên thấy sai nha về nhà ông báo trước, đúng họ, đúng tên, đúng tuổi, đúng quê hương bản quán của con trai. Ông mừng mừng rỡ rỡ, tựa như người chết mà sống lại vậy, vội vàng sai người nhà quét tước, sửa sang nhà cửa, mổ lợn mổ bò, mua sắm của ngon vật lạ... để chuẩn bị đón quan Trạng nguyên tân khoa, khao vọng các hàng chức sắc trong phủ trong huyện trong xã, và dân làng.

Những ngày này, rủi thay, dân chúng trong huyện lại đang vào kỳ bận rộn, phải kịp cày đất vỡ đất để trồng khoai. Lệnh từ phủ từ huyện đưa xuống là phải cử đinh tráng khoẻ mạnh đi võng giá, còn mọi người phải tập trung ở các trạm nghỉ để đón rước. Trời khi ấy đang nóng bức, nên trên mặt ai nấy cũng đều nhễ nhại mồ hôi mồ kê. Thật rõ là sự vẻ vang hay vênh vang của một người nào đó bao giờ cũng có nỗi khổ nỗi nhục của bao nhiêu người khác đi kèm! Bởi vậy, dân chúng đi đón rước, chẳng mấy ai lại không bực tức thầm trong bụng. Và nỗi bực tức cộng thêm nỗi hồ nghi, rồi tiếp đó, là sự sói móc vào nguồn gốc quan Trạng. Bọn lính tráng đi theo, dần dần cũng nghe lọt được những lời sói móc này, và có người đã bẩm báo tới tai Giáp Hải.

Đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nên Giáp Hải, ngoài mặt thì tươi cười nhưng trong bụng lại đinh ninh, nhất định sau này sẽ phải điều tra cho ra nhẽ.

Sau lễ vinh qui, Giáp Hải trở lại kinh đô để được nhận quan chức. Bước khởi đầu là chức về ngạch thanh tra - thay mặt triều đình đi đến các nơi để tìm hiểu, tra cứu các việc... Thật là cầu được ước thấy - Giáp Hải chẳng có mong ước nào hơn, và thế là, sau một tuần nghỉ ngơi, chàng đã lên đường làm nhiệm vụ.

Sau mấy tháng đi các nơi, Giáp Hải xin nhà vua trở về Kinh Bắc, và định bụng lần này sẽ điều tra nội vụ của bản thân mình. Chàng cất mũ áo ở công quán, rồi cùng một người lính thân tín, đều ăn mặc giả làm dân thường, như hai người bạn đang đi làm ăn xa. Hai người đến thẳng khúc đê có quán nước ở làng Công Luận, bởi vì trong óc, Giáp Hải vẫn còn lờ mờ nhớ hồi bé mình đã từng có mẹ và có quán nước ở đây. Những lời nói móc khi trên đường vinh qui lại càng làm cho chàng củng cố thêm điều con lờ mờ nhớ ấy.

Thực may, quán nước vẫn còn nguyên ở chỗ cũ. Bà hàng bây giờ đã là một bà lão ngót nghét tuổi tám mươi, lưng còng, tay chân khẳng khiu như que củi, đi lại vất vả, lại côi cút một thân một mình. Giáp Hải cảm thấy chạnh lòng...

Khi hỏi han, bà lão cho biết trước kia có sinh được một mủn con trai, nếu bây giờ còn đã ngoài ba mươi tuổi. "Năm ấy - bà lão nói - thằng bé mới ba, bốn tuổi, thì không rõ bị rơi xuống sông nước cuốn đi, hay là bị mẹ mìn bắt cóc". Vừa nói, bà lão vừa sụt sịt, còn khi nói xong thì bỗng oà lên khóc nức nở...

Giáp Hải nhìn và nghe, thấy có cái gì đó như cứa vào tim mình. Tuy vậy, không để lộ tình cảm ra bên ngoài, chàng nói với bà lão:

- Nay nhân qua đây, thấy cụ già cả lại lam lũ vất vả, đêm ngày chẳng có con cháu trông cậy đỡ đần... nên chúng tôi cũng động lòng thương. Chẳng dám dấu gì cụ, nhà chúng tôi cũng có bát ăn bát để, nên muốn mời cụ về ở để cho đỡ hiu quạnh tuổi già. Nhưng chẳng biết như thế cụ có vui lòng hay không?...

Ý của Giáp Hải là dẫu còn bán tín bán nghi thì hãy cứ đưa bà cụ về nhà cái đã rồi sau này sẽ tìm hiểu thêm. Nếu đúng thì mẹ con sẽ gặp nhau, còn nếu không thì cũng coi như là một việc làm phúc.

Còn về phần bà lão, bây giờ đã tuổi cao sức yếu mà không biết nương tựa vào đâu, nên nghe thấy thế thì vô cùng mừng rỡ, chẳng có ước muốn nào hơn. Bà lão nhận lời ngay rồi đi thu dọn quần áo, đồ đạc để theo Giáp Hải về nhà.

Từ công sở ở Kinh bắc, Giáp Hải đưa thẳng bà lão về Kinh đô, ở trong tư dinh của mình. Tại đây, bà lão được chăm sóc chu đáo và có một người hầu gái luôn luôn ở bên cạnh. Ý của Giáp Hải là dần dần người hầu gái này sẽ nắm được những điều bí mật, rồi bẩm báo lên cho biết. Quả nhiên về sau, chứng tỏ Giáp Hải đã tính toán không lầm.

Số là một hôm Giáp Hải được bẩm báo: Không hiểu sao bà lão lại khóc tức tưởi, an ủi dỗ dành mãi cũng không được. Thấy sự việc có vẻ khác thường, Giáp Hải theo người hầu vào phòng bà lão thì thấy bà vẫn đang khóc thật. Hơn nữa, khi Giáp Hải đến thì bà lại còn khóc to và thống thiết hơn. Chờ khi cơn khóc đã nguôi ngoai, Giáp Hải mới lên tiếng hỏi:

- Chẳng hay từ bấy đến nay có điều gì người nhà làm cụ phật ý, xin cụ cứ nói để tôi còn bảo họ.

Nghe thấy thế, bà lão vội vã lắc đầu:

- Bẩm quan lớn (sau khi về nhà Giáp Hải bà lão đã biết đây là nhà quan). Không phải như vậy. Tôi khóc chỉ vì tôi tủi thân, cầm lòng chẳng được. Nếu đứa con tôi mà còn thì bây giờ cũng ba mươi ba bằng tuổi như quan lớn, lại có nốt ruồi đỏ ở chân trái cũng như quan lớn.

Giáp Hải chột dạ: chàng ba mươi ba tuổi, có một nốt ruồi đỏ to ở chân trái thật, và "đặc điểm" này thì từ người trong nhà đến các bạn bè thân hữu, ai ai cũng đều biết cả. Có người còn bảo đấy là cái "ấn" Trạng nguyên mà Ngọc Hoàng Thượng đế đã ban cho chàng - nhưng chàng chẳng tin.

Tuy vậy, giả vờ như không nghe rõ lời bà lão nói, Giáp Hải chỉ an ủi một câu: "Thôi cụ ạ. Có gì mà cụ phải tủi thân đâu" - rồi chàng lập tức rời khỏi phòng, nhưng lại ra hiệu cho người hầu gái đi theo mình.

Khi Giáp Hải và người hầu gái đã ở trong phòng của chàng, thì chàng nói ngay:

- Tại sao bà cụ biết ta ba mươi ba tuổi và có nốt ruồi đỏ ở chân trái?

Người hầu gái thưa thực:

- Dạ, bẩm quan Trạng. Mấy hôm nay tôi thấy bà cụ thường hay lẩm nhẩm tính toán điều gì, rồi hỏi tôi tuổi quan Trạng bao nhiêu và ở chân trái có nốt ruồi đỏ không? Tôi đã trả lời bà cụ rồi, nhưng tại sao hôm nay bà cụ mới khóc thì tôi không hiểu?

Giáp Hải bảo: "Được!", rồi cho người hầu phòng lui ra. Ở lại một mình, chàng nghĩ: "Chính cụ đã nhận ra ta là con của cụ rồi".

Hôm sau, Giáp Hải cho người về quê mời ông bố lên kinh - bước cuối cùng trong kế hoạch mấy tháng nay của chàng.

Sau mấy ngày để ông bố nghỉ ngơi lại sức sau quãng đường xa, chàng cho mời "bà lão" và "ông lão" đến phòng mình. Chàng nói:

- Chẳng dấu gì hai cụ. Bấy lâu nay con vẫn thường băn khoăn về nguồn gốc xuất thân của mình, bởi vì người ta danh phận là danh phận với làng với nước chứ có ai danh phận với cả bố mẹ đã sinh ra và nuôi nấng mình? Hôm nay có điều gì uẩn khúc xin các cụ cứ nói thật với con đi...

Giáp Hải vừa dứt lời đã thấy "bà lão" oà lên khóc, còn "ông lão" thì bần thần - hiện ngay ra nét mặt...

Thực tình mà nói, ông bố họ Giáp cũng đã định bụng nói nguồn gốc cho Giáp Hải biết từ lâu, nhưng ngặt vì ông chưa biết phải nói như thế nào và nói vào dịp nào. Bởi vậy, sau khi nghe Giáp Hải nói, lại nhìn thấy "bà mẹ đẻ" - ông đoán như vậy - nên đã ôn tồn thuật lại các việc từ đầu, không bỏ sót hoặc dấu diếm một điều gì cả.

Trong khi ông bố nuôi kể (Bây giờ đã rõ là bố nuôi!) thì bà mẹ đẻ cũng thôi không khóc để lắng tai nghe. Bằng linh cảm, bà đã nhận ra Giáp Hải là con, kể từ khi bà về dinh quan Trạng. Còn bây giờ, sau khi đã biết tuổi tác, nốt ruồi của con, lại nghe những lời từ chính miệng "ông bố bắt cóc con" nói ra thì bà hiểu niềm tin của bà đã thành sự thật. Bà kể tiếp những đoạn mà từ trước đến nay chỉ có một mình bà biết, cho Giáp Hải và ông bố nuôi cùng nghe.

Giáp Hải vừa nghe vừa bàng hoàng, khi bà cụ dứt lời thì chàng oà lên khóc nức nở... Chàng nói với bố, mẹ - giọng lẫn vào trong nước mắt:

- Người ta ở đời, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Con là con đẻ của mẹ, là con nuôi của bố. Dù công sinh thành hay công dưỡng dục, thì cả hai cũng đều sâu nặng. Xin có trời đất chứng giám: từ nay con sẽ được toại nguyện để lo làm tròn bổn phận của mình...

Cuộc đời làm quan của Giáp Hải từ đấy thăng tiến dần dần. Mẹ đẻ và bố nuôi già yếu rồi cũng nối nhau, lần lượt qua đời. Chàng lo chăm sóc khi sống và ma chay khi chết - đều thật chu đáo...

Trải qua nhiều năm, đến năm nhà nước mở khoá thi Hương, Giáp Hải được bổ làm chánh chủ khảo của trường thi Sơn Nam. Chánh chủ khảo là người trực tiếp ra đề thi của cả bốn kỳ, lại cũng là người chấm phúc khảo, lấy đỗ. Trách nhiệm ấy thật nặng nề, nếu làm đúng - nghĩa là chọn cho được những người có thực tài, chứ không phải gian lận hay may rủi. Nghĩ mình từ lúc đi học đến lúc đỗ Trạng nguyên phải mất 28 năm miệt mài đèn sách, cho nên Giáp Hải đã ra những đầu bài thi thật khó và có ý định chỉ lấy đỗ những người có thực học. Quan niệm và việc làm ấy của Giáp Hải đương nhiên là đúng, nhưng lại không đúng với thực trạng học hành của đại đa số các sĩ tử thời bấy giờ.

Đại đa số các sĩ tử lúc ấy đều học rất chiếu lệ, khuôn sáo, chứ không chịu nghiền ngẫm nghĩa lý sâu xa. Bởi vậy, chỉ mới đọc xong đầu bài của kỳ thứ nhất, họ đã nhao nhao lên phản đối: Nếu quan chánh chủ khảo không ra đề thi lại thì họ sẽ phá trường thi.

Không thể đem binh lính đi bắt hết các sĩ tử nổi loạn được, nhưng cũng không thể tự ý bãi miễn cuộc thi, bởi vậy, Giáp Hải đành phải nhượng bộ. Nhưng trong khi các sĩ tử làm bài thì Giáp Hải cho người đi dò xét, rồi cuối cùng cũng bắt được kẻ chủ mưu. Quan chánh chủ khảo lập án, khép người này vào trọng tội, phải lĩnh hình phạt tử hình.

Rủi thay, phạm nhân lại là con một - cha mẹ vào gặp Giáp Hải, khóc lóc van xin thế nào cũng không được giảm án...

Giáp Hải cũng có một con trai, năm ấy 18 tuổi, tên gọi Giáp Phong. Khi người sĩ tử kia thụ án được mấy ngày thì Giáp Phong cũng bị cảm mạo bất ngờ, rồi chết đột ngột.

Đối với Giáp Hải, việc mất con như thế cũng là mất cả niềm hy vọng, nên ông ta thương xót vô cùng, biếng ăn mất ngủ, vật vã có đến cả tháng trời. Tuy là người học hành nhiều, lại đỗ cao, chẳng tin gì vào chuyện đồng cốt, nhưng vì nỗi đau quá lớn, nên Giáp Hải cũng cho mời thầy phù thuỷ về nhà cúng bái rồi làm phép đánh đồng thiếp, để linh hồn mình được xuống âm phủ gặp con.

Ông thầy đặt lễ, cầu khấn, làm phép, đọc thần chú, bắt quyết... còn Giáp Hải thì ngồi đồng. Một lúc lâu sau, thấy Giáp Hải "đảo", hai mắt lờ đờ, trợn ngược, rồi nằm vật xuống - ấy là lúc ông ta thấy người mụ mị và trời đất tối sầm, còn toàn thân nhẹ bẫng, như đang bay đi đến tận đâu đó...

Linh hồn Giáp Hải bay mãi, bay mãi..., cuối cùng "đỗ" xuống, và trước mặt là một ngôi lầu ngũ giác, sơn son thiếp vàng. Linh hồn Giáp Hải nhìn vào phía trong, vì ngôi lầu cửa mở toang, thấy kẻ hầu người hạ đi lại tấp nập, còn ở trên chiếc sập kê chính giữa, lại có hai người trai trẻ đang ngồi đánh cờ. Linh hồn Giáp Hải mừng quýnh, vì nhận ra một trong hai người đích thị là Giáp Phong. Linh hồn Giáp Hải định bước vào, nhưng vừa bước đến cửa đã bị hai lính hầu cản lại. May mà hai người lính chỉ cản chứ không đuổi, nên linh hồn Giáp Hải rón rén đứng nép vào một bên. Một lát sau, đánh bạo, linh hồn Giáp Hải đến nhờ một người lính vào bẩm báo với Giáp Phong. Lạ thay - linh hồn Giáp Hải vẫn nhìn thấy - khi người lính ghé sát nói vào tai, thì Giáp Phong vẫn thản nhiên đánh cờ, không thèm để ý gì đến lời nói của người lính.

Đến khi hết ván cờ, Giáp Phong và người kia đứng lên, cùng bước ra ngoài phòng. Khi ngang qua chỗ linh hồn Giáp Hải đứng, Giáp Phong cũng không dừng lại, mặc dù mắt đã nhìn thấy. Linh hồn Giáp Hải lại còn nghe rõ cả tiếng của người kia hỏi Giáp Phong:

- Thế tiên huynh không quen biết cả người này à?

- Có -Tiếng Giáp Phong trả lời - Tôi quen ông ta từ mười tám năm nay, nhưng rốt cục, vẫn chỉ như người xa lạ...

- Vì sao như thế? - tiếng người kia lại hỏi.

- Có gì đâu - Tiếng Giáp Phong trả lời. Chả là vì ông ta đã lạm sát mất một mạng người....

Nghe thấy thế, linh hồn Giáp Hải bỗng thấy choáng váng, rồi loạng choạng, ngã vật xuống - và chính lúc ấy, Giáp Hải thật đã tỉnh lại, dứt hẳn cơn nhập đồng.

Từ đấy trở đi Giáp Hải ăn năn hối lỗi. Dù ở công đường hay trong đời thường, bao giờ ông cũng tỏ ra bao dung, độ lượng hơn người. Sau lần nhập đồng, việc đầu tiên của ông là mời cha mẹ của người tử tù ngày trước lại, an ủi và chu cấp tiền bạc để về sửa lễ, cầu cúng cho linh hồn anh ta được siêu sinh tịnh độ...

Khi mãn cuộc đời làm quan, Giáp Hải về quê điền viên vui hưởng tuổi già. Ông được người đời truyền tụng là một vị quan thanh liêm, chính trực.

Gái ngoan dạy chồng

Ngày xưa có một người nhà giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai, đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Truyện cổ tích Tấm Cám

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám...

Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều

Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ, phật tử chẳng đâu là không có. Các chùa như chùa Hoàng Giang, chùa Đồng Cổ, chùa An Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Thần sắt

Xưa có anh nông dân một mình sống ở cái lều ven rừng. Anh không có một tấc sắt nên làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi bằng đá, đẽo cây bằng gỗ, đào hố tra bắp bằng đầu que. Khổ sở hết chỗ nói, thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...