Họ Tư Mã đời đời làm sử quan. Đến đời nhà Hán, Tư Mã Đàm làm Thái sư lệnh. Trên đường đi theo Hán Vũ Đế, Tư Mã Đàm mắc bệnh nặng. Trước khi từ trần, ông cầm tay con là Tư Mã Thiên mà dặn rằng:
– Tổ tiên ta đời đời làm sử quan. Sau khi cha chết, thế nào con cũng phải nối nghiệp làm thái sử.
Tư Mã Thiên là một người thông minh tuyệt vời, đã đọc thiên kinh vạn quyển và đã đi chu du khắp nước Trung Hoa, để hiểu biết non sông và nắm bắt mọi sự việc.
Vâng lời cha, ông thay cha làm Thái sử lệnh và chuẩn bị viết bộ Sử kí, thực hiện hoài bão lớn lao của người cha.
Năm 99 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế sai quân vào đánh Hung nô. Một người quen biết Tư Mã Thiên là Lí Lăng đem năm nghìn quân vào biên giới Hung nô, bị tám vạn quân địch bao vây. Suốt mười ngày liền Lí Lăng chỉ huy cuộc chiến đâu, giết hơn vạn quân địch, nhưng cuối cùng, quân sĩ chết hầu hết lại bị chặn đường về, Lí Lăng phải hàng giặc. Vũ Đế nổi giận, muốn giết cả nhà Lí Lăng. Tư Mã Thiên biết tài đức của Lí Lăng, mạnh dạn tâu với nhà vua, bênh vực Lí Lăng.
Vũ Đế càng giận, lại nghe lời bọn quần thần, sai bắt giam Tư Mã Thiên và giao cho pháp quan luận tội. Cuối cùng ông bị khép vào tội coi thường nhà vua và bị cung hình (tức là bị thiến). Hồi đó có phép lấy tiền chuộc tội: chỉ cần năm mươi vạn đồng tiền là chuộc được tội chết. Nhưng Tư Mã Thiên nghèo, thanh bạch, không có tiền chuộc, đành phải chịu hình phạt nhục nhã ấy.
Uất ức quá, đã có lần ông định tự vẫn. Nhưng ông lại nhớ đến lời trối trăng của cha ông và nghĩ đến quyển Sử kí ông đương viết. Nên ông đành sống để không trái lời cha dặn và nhất là để hoàn thành sự nghiệp cao cả: ghi lại lịch sử của dân tộc kéo dài trên ba nghìn năm từ thời Hoàng Đế cho đến đời Hán Vũ Đế. Quyển Sử kí của ông là một bộ sử vĩ đại trong những bộ sử của nhân loại...