Loài dơi bắt mồi như thế nào?
Loài dơi có cái đầu giống chuột, trên mình lại có lớp màng phủ giống lông chim. Nó treo ngược thân mình trong hang, ngày ngủ đêm đi kiếm mồi. Do hoạt động của nó bất thường như vậy nên tạo cho chúng ta cảm giác bí ẩn. Có thời kỳ con người tin rằng, dơi là do chuột ăn phải muối biến thành. Ở phương Tây có câu chuyện thần thoại kể về việc loài dơi bị cả thế giới loài chim và thú từ chối nhận là đồng loại. Trên thực tế, dơi là loài thú có ích, nó có khả năng bắt bướm và muỗi trong bóng đêm, làm giảm thiệt hại cho cây trồng và sức khỏe con người.
Điều khiến người ta thắc mắc là tại sao loài dơi bay lượn thoải mái trong bóng đêm và còn bắt được mồi? Ngay cả trong hang tối xòe bàn tay không thấy ngón tay, thế mà dơi vẫn bay lượn mà không va vào vách đá. Phải chăng loài dơi có thị lực phi thường?
Các nhà khoa học đã thử làm một thử nghiệm như sau: Trong một gian phòng có vây lưới đánh cá, mắt lưới còn nhỏ hơn sải cánh của dơi, dơi phải thu mình mới có thể chui qua mắt lưới. Người ta bịt mắt dơi và thả cho nó bay. Mặc dù đã bị bịt mắt, dơi vẫn bay lượn thoải mái mà không bị vướng vào lưới.
Người ta bịt tai dơi lại và cho nó mở mắt bay trong phòng tối. Lần này, dơi như một gã mù, thỉnh thoảng lại lao vào lưới có lúc rơi xuống đất. Qua đó có thể thấy rằng, dơi không nhìn bằng mắt, mà nó xác định đường bay nhờ vào tai. Nhưng, trong phòng rất yên lặng, tấm lưới không hề phát ra tiếng động nào. Vậy tiếng động dơi nghe được phát ra từ đâu?
Các nhà khoa học để cho mắt và tai dơi mở tự nhiên, nhưng lại bịt mồm nó lại khiến nó không kêu được. Dơi trở thành gã câm, nó lại va vào các vật cản trên đường bay. Thử nghiệm cho thấy, dơi dùng đồng thời cả miệng và tai để xác định đường bay.
Thì ra, miệng của loài dơi có thể phát ra sóng âm mà tai người không nghe thấy được, tần số của sóng âm này trên 20.000 Hz, được gọi là sóng siêu âm. Sóng siêu âm tuy vượt qua phạm vi nghe của tai người, nhưng nhiều động vật vẫn nghe được. Sóng siêu âm có tính phương hướng rất mạnh, nó giống như khi chúng ta quét đèn pin, khi gặp vật cản, giống như ánh sáng gặp gương chắn sẽ phản xạ trở lại.
Miệng của dơi là một thiết bị phát sóng siêu âm, cứ cách quãng, một khoảng thời gian lại phát ra một lần. Sóng siêu âm gặp vật cản sẽ phản xạ trở lại. Tai của dơi là một dạng thiết bị bắt sóng siêu âm cực nhạy, nó sử dụng sóng siêu âm phản xạ trở lại để phán đoán xem phía trước có vật cản hay không. Ngoài ra, d còn dùng sóng siêu âm để phân biệt xem con mồi có phải là loại côn trùng ăn được hay không. Điều này cho thấy trong cơ thể dơi tồn tại hệ thống cảm giác âm thanh hoàn thiện, dựa vào đó loài dơi có thể "nhìn" thấy mọi vật.