Mẹo xử kiện

Ngày xưa, có một ông quan. Ông ta không ngồi ở công đường chờ dân đưa đơn hầu kiện, mà đi làng này qua làng khác, ai có điều gì oan ức kêu thì ngài xử tại chỗ, không phải chờ ngày này qua tháng khác. Ngài phát xét rất phân minh, chưa có vụ nào ngài không tìm ra thủ phạm.

Có một bà mất hai con gà, chửi bới ầm í, nói những điều rất độc, nhưng vẫn không ai nhận đã lấy trộm gà bà ta. Quan đi qua, bà kêu quan:

– Nhà con nghèo, trông cậy vào mấy con gà đẻ lấy trứng bán lấy tiền đong gạo. Tối hôm qua, kẻ trộm lấy hết. Con nghi co mấy người hàng xóm. Con chửi hai ngày hai đêm mà chúng nó chẳng đứa nào nhận cả.

Quan nói:

– Bà cứ đứng chờ đấy!

Rồi ngài cho gọi những người ở cạnh nhà bà kia đến, bảo:

– Bà này mất một đàn gà. Của không bao nhiêu mà nhè cha ông tổ tiên người ta chửi bới suốt hai ngày hai đêm, nói những lời độc địa, không những điếc tai hàng xóm, mà xét ra quá nhẫn tâm [1]. Ta cho mỗi người tát một cái.

Nghe quan xử, ai cũng thương bà kia mất gà lại còn bị tát. Họ chỉ đến tát nhè nhẹ lấy lệ. Có một anh đến tát bà hai cái rõ mạnh, lại nói “đáng đời”! Ngàu liền giữ anh này lại, phán:

– Chính nhà ngươi đã trộm gà của bà kia! Chưa giết thịt hay chưa đem ra chợ bán thì hãy trả gà cho bà ta. Không thì phải đền tiền.

Anh ta chối đây đẩy. Ngài nói:

– Nhà ngươi không phải chối. Ngươi đã ăn trộm gà, bà kia chửi độc, ngươi tức nhưng không làm gì được. Nay được thể, ngươi tát cho hả giận.

Gã ăn trộm cúi đầu nhận tội.

Đến một làng kia, có bà già mất một buồng chuối. Bà ta kể:

– Bẩm quan, chỉ trong nháy mắt mà buồng chuối của con bị người nào chặt mất. Buổi sáng, con còn trông thấy!

Ngàu nói:

– Bà cứ về đi, để tối điều tra.

Rồi ngài đi đến đầu làng, chỗ có chiếc cầu bắc qua con sông đào. Bấy giờ, ngài mới sai lính vào làng loan tin cho mọi người biết là quan đánh rơi chiếc nhẫn vàng khi đi qua cầu, ai mò được thì quan thưởng, tiền thưởng bằng giá chiếc nhẫn vàng. Mọi người chạy đến, thi nhau mò nhẫn. Mò mãi không thấy, đành lên bờ.

Quan gọi từng người lại giơ tay cho quan xem. Ngài chỉ vào một người nọ, nói:

– Người đưa buồng chuối chặt lúc nãy trả bà kia!

Anh ta kêu oan. Ngài bảo:

– Oan nỗi gì! Nhựa chuối dính tay, gặp nước bùn thì xỉn [2] lại. Ngươi xem có người nào tay đen như tay của ngươi không?

Hắn phải nhận tội.

Lại một lần đi qua chợ, gặp một bà già ngồi khóc. Hỏi, bà ta nói:

– Bẩm quan, tôi gánh một gánh dầu đầy, chẳng may vấp phải hòn đá kia, đổ hết. Mất vốn, tôi biết lấy gì nuôi con?

QUan thấy bà cụ già nua, tội nghiệp, bèn hỏi:

– Hòn đá nào? Để ta tra khảo xem vì sao mà làm đổ dầu bà cụ, nói không xuôi thì phải đền tiền.

Người đi chợ xúm lại, nghe quan nói như thế, không hiểu quan tra khảo ra làm sao. Đá có phải người đâu mà biết nói?

Quan sai lính dựng một cái rạp [3] che tứ phía, lại bảo lính khiêng hòn đá kia vào. Một mình quan và hòn đá ở trong rạp. Lính canh ở cửa ngoài, cạnh rạp có để cái thúng. Người đi chợ đứng xung quanh càng ngày càng đông, chỉ nghe tiếng roi vút vào hòn đá và tiếng quan tra khảo. Người canh cửa nói:

– Muốn vào xem thì bỏ hai đồng tiền vào thúng kia mà vào! Ai cũng háo hức [4] muốn xem quan tra khảo đá ra sao. Hai đồng tiền không đáng là bao, nên ai cũng vào. Khi thúng đầy tiền, quan mới nói:

– Thấy bà kia già nua tội nghiệp, tôi bày ra cách quyên [5] tiền bà con để giúp đỡ bà ta, chứ có ai tra khảo đá bao giờ? Đá làm gì biết nói!

Bấy giờ mọi người mới hiểu ý quan, ai cũng thấy việc nên làm, nên ai cũng vui vẻ đi ra, không phàn nàn một tiếng.

 


Chú giải

[1] Nhẫn tâm: tàn độc, độc ác.
[2] Xỉn: ngả sang màu đen.
[3] Rạp: nhà làm tạm che mưa nắng những ngày hội hè, đình đám.
[4] Háo hức: ao ước muốn sớm được toại nguyện.
[5] Quyên: góp tiền làm việc ích chung.

Xem thêm