Bán tóc đãi bạn

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học. Trong những ngày xa nhà vùi đầu vào sách vở, bộ ba ấy kết bạn và nhau rất thân thiết. Họ ước với nhau rằng nếu sau này người nào làm ăn khấm khá thì sẽ không quên những người cùng sống trong buổi hàn vi, và sẽ cố tìm cách giúp đỡ bạn qua cơn nghèo ngặt. Sau một thời gian học hành, cả ba người đều vì hoàn cảnh nên từ giã nhau mỗi người đi một ngả.

Tùng là người thứ nhất có số phận trở nên may mắn. Sẵn có óc thông minh, anh cố công theo đuổi nghiệp sách đèn. Vì nghèo rớt mùng tơi, anh cầy cục theo hầu một cụ Nghè để vừa được ăn vừa được học. Thấy anh học giỏi, cụ Nghè hết lòng dạy dỗ, coi anh như con. Trải mấy năm trường sôi kinh nấu sử, cuối cùng anh thi đỗ tiến sĩ và được bổ làm quan ở kinh đô. Từ đấy cuộc sống của Tùng lên như điều gặp gió, khó có ai theo kịp.

Tuy sống trong cảnh giàu sang, Tùng vẫn không quên những người bạn đèn sách xưa kia. Cho nên, một hôm, Tùng xin phép nghỉ việc công để đi tìm bạn. Sợ đi có cáng xá lính hầu sẽ làm phiền đến mọi người, nên anh cải trang làm một người dân thường. Không bao lâu anh đã tìm tới nhà Trúc, một trong hai người bạn thân ngày trước.

Lại nói chuyện Trúc từ ngày thôi học, được thừa hưởng một phần ruộng đất của ông bà bên ngoại để lại. Hắn ta biết cách xoay sở và chịu khó. Vì thế chỉ trong mươi năm, hắn đã trở nên khá giả: ruộng sâu trâu nái, vườn cau ao cá đủ cung cấp cho hắn và gia đình sống một cuộc đời sung túc. Nhưng Trúc tính khí biển lận. Tuy giàu có, hắn vẫn không muốn mất cho ai một đồng một chữ nào. Cũng vì thế, hắn quên mất cả những lời hứa hẹn với mấy người bạn nối khố ngày xưa:

- “Ôi dào! Tìm làm gì cho mất công. Các ông ấy cũng chả nhớ gì đến bạn nữa là ta”.

Nghĩ vậy, Trúc rất yên tâm về hành động của mình.

Khi gặp Trúc, thấy Trúc giàu có, để thử lòng bạn cũ. Tùng không nói vội đến hoàn cảnh đỗ đạt của bản thân: chỉ cho biết rằng vì nhớ bạn nên anh tìm đến nhà chơi. Thấy bộ dạng bề ngoài của Tùng. Trúc đoán già đoán non rằng Tùng may lắm mới đủ ăn, nay tìm đến nhà mình không khéo lại dụng tình vay mượn chi đây. Nghĩ vậy, sau khi chào hỏi Tùng, Trúc cũng làm ra vẻ khó khăn:

– “Thú thực với anh nếu không mắc mấy chuyện làm ăn thất bát thì tôi đâu có thua em kém chị thế này. Hồi ấy tôi đã định ra ngoài Huế tìm anh, nhưng vì mấy trận mất mùa liên tiếp, kế đó là một trận đói khủng khiếp, trong nhà có mấy thửa ruộng tổ nghiệp phải cầm đi, gần đây mới chuộc về được.”

Trúc còn nói nhiều nữa, chủ tâm là để khóa mồm Tùng nếu hắn có ý định vay tiền. Và để tỏ ra là mình thực sự nghèo khó, Trúc đãi bạn theo mức bình thường. Buổi sáng hôm sau, khi người đầy tớ nhà Trúc đến thưa với chủ xin làm một mẻ lưới ở ao kiếm vài con mè béo đãi khách để y còn ra đồng cày ruộng, thì Trúc đã ngăn lại:

– Úy! “Dần bất khả hạ trì” (giờ dần không nên xuống ao) mày lại không nhớ câu ngạn ngữ ấy ư? Mày muốn làm cho tao sạt nghiệp hay sao mà đòi bắt cá vào giờ này?

Biết ý chủ, người đày tớ lẳng lặng lui ra. Đến chiều hôm ấy, khi gà vào chuồng, vợ Trúc bảo người nhà nhốt riêng một con để giết thịt. Nhưng khi đưa gà ra cắt tiết, Trúc đã vội chạy xuống bếp:

– Ồ! “Dậu bất khả sát kê” (giờ dậu không nên giết gà), bản cũ tâm giao ăn gì mà chẳng được, còn giết gà vào giờ này thì kiêng lắm đấy!

Khi tới nhà Mai – người bạn nối khố thứ hai, Tùng vẫn khoác bộ cánh một người nghèo như lúc tới nhà Trúc. Và Tùng vẫn giấu kín không lộ cho Mai biết hoàn cảnh thực của mình. Mai từ lúc thôi học, trở về gặp cảnh nhà bấn bách, anh cố sức chèo chống nhưng không gặp thời. Anh đi buôn mấy chuyến bị lỗ vốn, quay sang dạy học thì bị ốm, có mấy sào ruộng tổ nghiệp phải bán đi để chạy thuốc. Cuối cùng hai vợ chồng phải làm nghề cày ruộng rẽ, có khi phải ngày ngày đi làm thuê mới đủ nuôi miệng. Tuy sống trong lều tranh vách đất, kiếm miếng ăn rất chật vật, nhưng hai vợ chồng không chút phàn nàn.

Thấy Tùng đến chơi nhà, Mai đón tiếp rất niềm nở. Mai giới thiệu bạn với vợ:

– Đây là người bạn thân thiết nhất ngày còn đi học với cụ đồ trên tỉnh. Từ dạo ấy đến giờ, dễ đến mười lăm năm. Mình nhớ chạy kiếm thứ gì về đãi anh ấy, nghe!

Tùng thấy vợ bạn vâng lời chồng cắp rổ đi chợ. Trưa lại, anh thấy người đàn bà ấy đội một rổ thức ăn về, nhưng trên đầu lại trùm một chiếc khăn đen mặc dầu không phải vào mùa gió rét. Lúc đầu Tùng không để ý. Sau đó, trong khi anh đi thơ thẩn ở hồi nhà thì thấy Mai và vợ kéo nhau vào buồng rì rầm trò chuyện. Ghé trông vào, một điều kinh ngạc đập vào mắt anh: lúc này vợ Mai đã lột bỏ chiếc khăn, nhưng mái tóc xanh trên đầu thì không còn nữa. Vì vậy, khi vợ chồng Mai bước ra khỏi buồng, Tùng vội hỏi lý do vì sao nàng lại cắt tóc. Biết không giấu được nữa, vợ Mai đành cắt nghĩa:

– Lúc sáng ra đi không có tiền, định hỏi mượn mấy người quen, họ cũng không sẵn. Nhân có nhà hàng tóc giả cần mua mấy lọn, sẵn có mớ tóc dài, tôi liền bán đi. Một đời một kiếp bạn mới đến chơi nhà, không lẽ ngồi nhìn nhau suông tình ư? Anh đừng ngại, tóc cắt đi rồi nó lại mọc, lo gì.

Tùng hết sức xúc động về hành động của vợ Mai. Anh bèn nói thật với bạn biết, nào chuyện mình thi đỗ làm quan, cất công tìm bạn, rồi đến nhà Trúc được y đối đãi tệ bạc thế nào,… Nói xong, Tùng lục tay nải đưa ra cho vợ Mai một hộp trầu bằng vàng, và nói:

– “Hàm răng cái tóc là góc con người”, tôi rất ân hận không được biết trước để ngăn chị đừng bán mất mái tóc quý giá. Nhưng cũng nhờ đấy mà tôi mới biết được tấm lòng vàng của chị. Bây giờ xin tặng chị vật này, chị cứ bán đi mà tiêu, sau này tóc dài, sẽ lại kiếm cách đi làm ăn.

Sau khi trở về được ít lâu, Tùng lại cho người đưa tiền đến cho Mai và cho Mai đi Nam Định học nghề thuộc da. Khi học đã thành nghề, Tùng còn giúp Mai mở một xưởng thuộc da ở ngay tại làng. Công việc kinh doanh của họ ngày một phát đạt. Mai – còn đem nghề của mình truyền bá cho dân làng. Nghề thuộc da trở thành một nghề làm ăn thịnh vượng chưa từng có trong một vùng.

Còn Trúc mãi về sau mới nghe tin Tùng đã làm quan to ở kinh thì lấy làm ân hận. Kế đó lại nghe tin Mai nhờ Tùng mà làm ăn khấm khá. “Phải chi hồi đó ta tiếp bạn ta cho hậu, thì lo gì bạn ta lại không chạy cho được một chút phẩm hàm”, hắn bụng bảo dạ thế. Một hôm, hắn bèn khăn gói lần lượt tìm đến nhà hai người thăm hỏi. Song đến nhà ai, hắn cũng được tiếp đãi một cách nhạt nhẽo. Hắn đành tiu nghỉu trở về.

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Trí khôn của ta đây

Một ngày nọ, có con cọp rất lớn từ trong rừng sâu đi ra ngoài, nó trông thấy ở ngay thửa ruộng cạnh rừng có bác nông dân cùng con trâu mộng chăm chỉ cày cuốc...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...