Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn. Trong nhà hắn vàng bạc châu báu kể có ức vạn, những tay vương hầu cơ hồ không ai ăn đứt.

Khi trong tay đã có tiền ròng bạc chảy, hắn nghĩ đến chuyện chuyền của về nước để cho con cháu bên đó hưởng. Nhưng ngặt một nỗi hồi ấy triều đình ta có lệnh cấm rất nghiêm, không cho khách nước ngoài đưa vàng bạc ra khỏi bờ cõi. Đã có nhiều người lén lút đưa ra nhưng không che được mắt nhà chức trách nên của cải bị tịch thu, còn người thì bị đuổi ra khỏi nước. Vì thế, hắn mới nghĩ ra cách giấu một số vàng bạc ở bên này để rồi ngày sau, chờ khi có cơ hội tốt, con cháu hắn sẽ sang lấy về. Hắn chuẩn bị việc đó rất kỹ lưỡng. Lấy cớ thờ Phật, hắn sẽ xin phép làng sở tại dựng một ngôi chùa trên một cái đồi hoang gần nhà. Và trong khi đào móng làm chùa, hắn sẽ bí mật xây một cái hầm chôn của ăn sâu xuống dưới đất. Còn việc bảo đảm cho của khỏi mất, hắn sẽ tìm một người con gái còn đồng trinh chôn luôn bên cạnh vàng bạc để làm thần giữ của. Nếu không phải là người hô đúng tín hiệu mà hắn ước hẹn với thần thì đừng hòng đưa một ly của cải lên khỏi mặt đất. Thần sẽ vật chết bất cứ một người lạ nào đến cửa hầm. Khi mưu tính đã kỹ lưỡng, hắn bèn để ý đi tìm một người con gái còn đồng trinh.

Hồi ấy ở trong vùng có một ông giám sinh, nhà không một mảnh đất cắm dùi. Ông có một cô con gái tuổi mới mười tám, chưa có chồng. Nghe tin, người khách buôn vội mang cau rượu đến hỏi cô gái về làm vợ lẽ. Tuy biết hắn giàu có, con mình có thể được nơi nương tựa, nhưng ông giám sinh không chút bằng lòng vì không những ông không muốn gả con cho người nước ngoài mà ông còn ghét cái thói con buôn, cho vay nặng lãi của những bọn như hắn. Hắn cũng biết thế, bèn đặt lên mâm một trăm lạng vàng, nói là xin đưa làm sính lễ. Trông thấy những nén vàng sáng chói, ông giám sinh nghĩ đến mấy món nợ chưa cách gì trả được. Cuối cùng ông đành nhận lời gả con cho hắn.

Từ khi lấy vợ về, người khách buôn cho nàng ở một buồng riêng. Hắn rất chăm chút, rất ghen tuông, nhưng có một điều là chẳng bao giờ ăn nằm với nàng. Cả đến cá thịt hành tỏi hắn cũng không cho ăn lấy cớ là phải ăn chay niệm Phật. Ba tháng một lần, hắn lại cho nàng một bộ xống áo mới.

Cứ như thế sau hai năm, cô gái vẫn phòng không bóng chiếc.

Một hôm, nàng cố xin phép chồng về nhà thăm cha. Từ chối mãi không được, bất đắc dĩ hắn phải để cho đi nhưng căn dặn phải kiêng khem và phải trở về ngay. Cha con lâu ngày không gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Ống giám sinh tỉ tê hỏi:

- Từ khi con ra đi, cha rất hối hận. Nếu nhà ta không túng đói thì con đâu chịu cảnh lẽ mọn này. Vậy thường ngày nó đối đãi với con ra làm sao? Vì sao đã hai năm chưa sinh nở gì cả?

Nghe cha hỏi thế, cô gái khóc lóc kể hết sự tình. Ông giám sinh ngạc nhiên:

- Thôi rồi! Chắc là nó chọn con làm thần giữ của, không nghi ngờ gì nữa. Vậy con có thấy trong nhà nó có chuyện gì lạ không?

- Trước kia, ăn cơm tối xong là nó khóa cửa ngủ ngay. Chỉ có độ vài tháng nay tối nào cũng thấy bố con nhà nó vác cuốc thuổng đi, gần sáng mới lại về.

Nghe nói, ông giám sinh kêu lên:

- "Thế là việc sắp đến nơi rồi đó!".

Suy nghĩ một chốc, ông đi lấy hạt vừng và hạt cải gói lại một gói đưa cho con và dặn rằng:

- Con hãy về sớm cho nó khỏi ngờ. Hễ lúc nào nó đem con đi đâu thì nhớ rắc những hạt này xuống bên lối đi, để cho cha biết mà tìm.

Từ đó, ông giám sinh đến thăm con luôn: có khi ba ngày một lần, có khi năm ngày một lần. Ông không vào nhà rể, chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào. Hễ thấy mặt con gái, ông mới yên tâm lui gót.

Một lần ông giở bận chút việc chưa đến được. Mãi mười ngày sau mới tới thì đã không thấy bóng con đâu nữa. Chờ lâu sốt ruột, ông vội bước vào nhà rể, làm bộ tới hỏi thăm. Người lái buôn thấy ông, lăng xăng tiếp đón ra chừng thân mật. Hắn cho ông biết là vợ mình còn bận lên kinh đô cất hàng chưa về. Ông giám sinh vẫn giữ vẻ mặt tự nhiên, nhân lời mời của rể rồi ngồi lại ăn cơm trưa. Thừa dịp đi tiểu, ông ra sau vườn nhìn quanh nhìn quất, quả thấy hai bên lối đi dẫn ra đồng, vừng và cải đã mọc xanh lăn tăn như đánh dấu.

Lập tức, ông đi một mạch tới dinh trấn Sơn-nam. Trước mặt quan trấn thủ, ông trình bày mọi việc xảy ra. Quan trấn thủ liền điểm lấy năm trăm quân sĩ đi suốt đêm về vạn Lai-triều. Người ta theo chân ông giám sinh lần theo con đường mà vừng và cải đã kín đáo mách hộ, đi cách nhà người khách chừng nửa dặm, thì đã thấy một cái am con vừa mới xây xong trên một cái đồi hoang. Ông giám sinh thưa: - "Hẳn chỗ này chứ không sai. Xin cho đào lên để khám!". Nhưng người rể của ông nhất định không chịu. Hắn lấy cớ động mạch đất có quan hệ với vận mệnh nhà hắn nên cố tình không cho lính đào.

Liền đó, quan trấn thủ bắt hai bên làm tờ cam kết. Nếu đào không thấy gì thì ông giám sinh phải bỏ tiền ra xây lại am và phải bồi thường thiệt hại cho chàng rể. Trái lại, nếu phát hiện được tiền nong của cải gì thì người chủ am đó không được nhận. Giấy làm xong, người khách buôn không chịu ký, nhưng cũng nhất định không chịu thú nhận. Thấy thế, quan lại càng ngờ vực, liền hạ lệnh cho lính cứ đào ngay, sự chủ muốn hay không cũng mặc.

Mới đào được khoảng một khoảng rộng bằng cái nong thì đã thấy hiện ra một bờ gạch xây chìm. Bờ gạch chạy dài chừng một gian nhà, sâu xuống ngập đầu người, trên xây theo lối cuốn bằng gạch Bát-tràng rất kiên cố.

Trong khi người khách buôn lăn ra khóc nức nở thì một toán lính đã tìm được cửa hầm. Lớp gạch vừa đổ xuống đã hiện ra ánh sáng le lói của hai ngọn đèn. Họ đi lần vào thì thấy cô gái ngồi bên cạnh đèn, trên một cái ghế dựa bằng đá, đầu gục xuống, hai chân dạng ra hai bên, mỗi chân đạp lên một cái cong lớn. Ông giám sinh mếu máo ôm chầm lấy con. Nhưng ông không sao nhấc con lên được vì hai tay cô gái đã bị trói vào bành ghế mà miệng thì bị gắn kín bằng nhựa. Nậy nhựa ra thấy có một củ sâm chưa tan hết. Ngực nàng vẫn còn đập thoi thóp. Người ta vội vực lên để cứu chữa, đồng thời đóng gông tên lái buôn gian ác giải đi.

Khi toán lính soát mọi vật thì thấy hai cái cong mà cô gái đạp chân lên, mỗi cong có đề mấy chữ: "Một nghìn cân hoàng kim". Bên tả bên hữu có hai dãy cong nhỏ mỗi dãy mười cái, ngoài đều có chữ đề: "Năm trăm cân bạch kim". Mở ra điểm lại đúng như số đã đề. Hai cây đèn cũng một bằng vàng, một bằng bạc.

Nhờ được sự chăm sóc chu đáo nên cô gái dần dần tỉnh lại. Nghe kể chuyện, người ta mới biết là cô gái bị chôn sống đã được mười ngày. Quan trấn chia số của cải ra làm ba: cha con ông giám sinh được hưởng một phần, còn bao nhiêu tịch thu làm của công. Còn người lại buôn bị đem ra pháp trường xử trảm.

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Em bé thông minh

Ngày xửa ngày xưa, thưở ấy ở nước ta đang cần người hiền tài giúp nước, các quan trong triều cũng đã già cả rồi, sức không còn nhiều, nhà Vua bèn sai một viên quan đi dò la khắp nước để tìm ra người tài giỏi cùng vua lo toan việc nước...

Duyên nợ tái sinh

Ngày xưa, có một anh học trò trẻ tuổi nhà nghèo xơ nghèo xác. Vì có cha mẹ già, anh phải lang thang đây đó làm nghề gõ đầu trẻ để nuôi thân và nuôi cha mẹ. Mãi về sau, anh được một phú ông ở một làng nọ mời về "ngồi" tại nhà...

Rạch đùi giấu ngọc

Ngày xưa, một ông vua nước ngoài có một viên ngọc vô cùng quý giá. Viên ngọc có hai điều lạ, một là cầm trên tay tưởng chừng rất nhẹ, thế nhưng đặt vào đâu thì ở đấy nặng trĩu...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Từ Thức gặp tiên

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc...