Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội; khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc. Một ông quận công họ Điền được lệnh vua đi đốc suất dân phu hàn lại đoạn đê đó. Thuyền của ông sắp đến khúc sông làng Kim-lũ, bọn thủy thủ bảo ông rằng:

- Ở đây có miếu Thủy thần rất thiêng, ai có thuyền qua đây phải ghé vào làm lễ mới có thể đi được. Vậy xin ngài hẵng cúng Thủy thần để đi cho được yên ổn.

Quận công vốn là một nhà bác học uyên thâm lại thông thạo phép phù thủy nên vừa nghe nói thì trừng mắt bảo họ:

- Ta đây phụng mệnh vua đi làm việc nước. Dù hắn là thần đi chăng nữa, dám cản ta ư.

Nói xong cứ thúc thủy thủ chèo đi mà không ghé vào đền.

Lúc đó Thủy thần đang ở bờ sông nghe nói thế, tức mình bèn hóa phép bắt thuyền đứng lại. Bọn thủy thủ cố chèo mãi nhưng mấy chiếc quan thuyền không tiến lên được bước nào. Biết là Thủy thần bắt đầu ngăn trở công việc của mình, quận công sai ghé thuyền lại gần đền, rồi đứng trước mũi thuyền lớn tiếng gọi Thủy thần mà mắng rằng:

- Nhà ngươi ngự trị ở một phương này, bàn dân hương khói luôn năm không khi nào tắt. Vậy mà đã không biết giúp dân để cho đê vỡ làm sinh linh trôi nổi khốn khổ, lại còn ngăn cản công việc hàn đê của ta là nghĩa thế nào? Nhà người biết điều thì hãy giúp ta làm cho xong việc, nếu không ta sẽ cho người phá đền đi đó.

Nghe nói thế Thủy thần nổi giận bèn sai xuất hiện trên sông năm chiếc thuyền đầy những quân hình người mặt cá cầm giáo mác vây xung quanh mấy chiếc quan thuyền. Quận công họ Điền không lấy thế làm lo sợ liền giở phép phù thủy: ngồi trong thuyền chỉ gươm, đánh quyết, niệm chú, vẽ bùa rồi ra lệnh cho lính tráng của mình bắn tên, lao thương vào địch. Hai bên giao chiến kịch liệt. Thủy thần thấy khó lòng thắng nổi, bèn làm trời đất mịt mù khắp cả một vùng ước đến một trống canh. Khi trời sáng ra, mọi người thấy năm chiếc thuyền kia đã biến mất. Rồi sau đó đoàn quan thuyền cũng tiến được đến chỗ đê vỡ.

Nhưng Thủy thần vẫn tức mình, cố sức theo đuổi để phá cho được. Quận công đốc suất dân phu thuyền bè quyết đắp nổi đê. Khi đê vừa hàn xong, mọi người sắp sửa ra về thì Thủy thần sai các giống cá lớn húc vào chỗ đê mới đắp làm cho đất long lở trôi đi. Riêng Thủy thần hóa làm một con cá chép rất lớn, nổi lên trên mặt nước giương vây như cánh buồm. Cá vùng vẫy mấy cái, sóng nổi ầm ầm, nước đánh váo chỗ hàn đê rất dữ. Thế là công phu khó nhọc của bao nhiêu người lại trôi theo dòng nước. Quận công vẫn không nản chí, lại bắt dân mấy phủ huyện khác đổ tới đắp. Cũng như lần trước, lần này sắp thành công lại bị Thủy thần ngấm ngầm phá hoại.

Mọi người nản lòng, khuyên quận công hãy đấu dịu để khỏi khổ dân. Quận công đành phải đến miếu Thủy thần khấn rằng:

- Hôm trước tôi qua miếu trót nói mấy câu xúc phạm. Vậy mong ngài nguôi giận phù hộ cho muôn dân đỡ khổ. Đắp xong tôi sẽ lễ tạ ngài.

Lần này đê hàn rất nhanh và rất chắc, to gấp hai đê cũ. Công việc chả mấy chốc hoàn thành. Khi tất công, quận công cho thuyền đến trước đền, nói to lên:

- Bớ Thủy thần! Lần trước ta lừa ngươi đó thôi. Ta đâu có sợ ngươi. Bây giờ đê ta hàn xong rồi và rất vững, dù có trăm Thủy thần cũng không làm gì nổi.

Nghe nói thế, Thủy thần giận tràn hông, đêm ấy làm nổi sóng lên rất dữ, vì thế đê lại sạt một đoạn lớn. Quận công tức mình nói rằng:

- À đã thế, tao quyết trị đến nơi cho mày biết tay!

Nói rồi ông sai mấy thủy thủ giỏi lặn lặn xuống điều tra kỹ địa thế khúc sông đó. Họ về cho ông biết ở gần đoạn đê vỡ có một cái vực sâu là sào huyệt của thủ hạ Thủy thần. Quận công lập tức sức cho các làng nạp tre, gỗ để đóng cừ xung quanh vực. Đoạn dựng mấy lò vôi, sai quân và dân đi lấy đá trắng về nung, mẻ này tiếp mẻ khác. Quận công còn trưng dụng tất cả các thuyền bè đi chở đá tảng, gạch ngói cùng cối đá thủng, v.v... đưa về chất bên này vực cao như một hòn đồi. Bên kia vực đá vôi nung cũng đổ cao như một hòn đồi. Rồi đó quận công sai một bên ném đá vôi, một bên ném gạch đá vụn. Nước sôi lên sùng sục. Bọn thủ hạ của Thủy thần đội lốt thủy tộc không kịp chạy trốn, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước vô số. Đoạn ông mới quay sang hàn đê. Quả nhiên nhờ có việc lấp vực nên đê gắn xong ngay.

Thủy thần thù Điền quận công vô hạn. Hắn quyết chí ám hại ông ta. Hơn một tháng sau hắn làm cho quận công ốm nặng. Trên giường bệnh người quận công cứ nóng như lửa. Nhà vua phái các danh sư tới nhà thuốc men điều trị, nhưng bệnh ngày càng trầm trọng. Sau đó thì chết. Quận công có một người chị là Ngô Thuận Phi lấy vua. Một hôm quận công ứng đồng ở làng mình nói:

- Ta mắc kế độc của Thủy thần mà chết. Ta quyết báo thù chứ không chịu thua. Hãy báo giúp với chị ta sắm sửa voi ngựa khí giới để ta trả thù.

Nghe tin báo, Ngô Thuận Phi làm theo lời em và khấn:

- Dầu được hay thua, em cũng tin cho chị biết với!

Từ khi được voi ngựa, thuyền bè, khí giới, quận công giao chiến với Thủy thần nhiều trận kịch liệt. Người ta thấy trước đền Thủy thần sóng gió ầm ầm, nước bắn tứ tung, bọt nổi trắng xóa cả một vùng mặt sông. Các loài tôm cá tập hợp rất đông, thỉnh thoảng chạy rạt từ nhánh sông này sang nhánh sông kia.

Sau cùng lại thấy sóng im gió lặng, các loài thủy tộc chết nổi lên nhiều lắm, những con còn lại cũng bỏ trốn khắp nơi. Khúc đê sạt ở làng Thọ-triền sau đó không thấy vỡ thêm nữa.

Ít lâu sau đó, quận công báo mộng cho chị biết mình mấy lần đánh với Thủy thần thắng thì có thắng, nhưng thế lực của hắn vẫn còn mạnh. Vậy nhờ chị hãy lập cho một ngôi đền để ở, hẵng tạm đình chiến một thời gian.

Từ đó ngôi đền của Thủy thần cũng không thiêng như trước...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Truyện cổ tích Tấm Cám

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....

Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ...

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...