Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố.
Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả. Trong số bốn người ấy, chỉ có Giáp là khá nhất, hắn làm chủ một tư cơ đồ sộ, tiền bạc như nước, giàu đến nứt đố đổ vách, còn ba người kia thì nghèo rớt mùng tơi.
Giáp là một người thâm hiểm và hiếu sắc. Tuy giàu có sung sướng nhưng trong lòng Giáp vẫn cảm thấy phiền muộn, vì hắn lấy phải một người vợ tuy mang về cho hắn nhiều của nả, nhưng bề nhan sắc lại chẳng ra gì.
Bao nhiêu lần hắn muốn kiếm vợ lẽ nhưng chẳng dám, vì vợ hắn nắm hết tiền bạc trong tay. Nhiều lúc máu độc ác nổi lên, muốn cô nàng chết đi cho rảnh để hắn lấy vợ khác nhưng cô nàng vẫn cứ phây phây...
Ngày còn đi học, Giáp được trông thấy người vợ của Ất, một trong ba người bạn của hắn, xinh đẹp dễ coi. Giáp đâm ra ganh tị với bạn. Hắn tơ tưởng rất nhiều về người đàn bà này và ao ước có ngày chiếm được người ngọc vào tay mới thỏa dạ.
Một hôm, nhân có Ất đến chơi nhà, Giáp đon đả bảo bạn:
- Bác bảo bác nghèo túng, sao bác không ném sách đi buôn một phen? Cứ mãi theo nghiệp đèn sách thì biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi?
Ất lắc đầu:
- Đi buôn thì phải có vốn. Vốn đâu dư dật ở tôi mà buôn với bán?
Giáp bèn đặt ra trước mặt Ất một trăm quan tiền mà rằng:
- Chỗ bạn bè, tôi vui lòng cho bác vay số tiền này làm vốn mở đầu. Tôi sẽ mách bác một người tôi quen, bác có thể buôn chung với họ một ít lâu cho thạo nghề. Chỉ mong rằng khi tiền trăm bạc ngàn tuôn về nhà bác, thì bác đừng quên tôi và số tiền nhỏ mọn này là đủ.

Không ngờ bạn lại quá tốt bụng với mình như thế, Ất bối rối cảm tạ và giơ tay lên trời, một hai thề bồi rằng mình sẽ suốt đời không quên ân nhân.
Cuối cùng Ất mang tiền về, rồi dặn vợ trông nom nhà cửa và mẹ già, đoạn theo lời Giáp mách, từ biệt vợ, lên đường tìm đến nhà người lái buôn lo làm ăn một phen xem thử ra sao. Ất đâu biết rằng mình đang sa vào một âm mưu thâm độc của gã bạn bất nghĩa và hiếu sắc.
Sau khi theo dõi và biết chắc là Ất đã vắng nhà, Giáp liền bắt đầu thi hành mưu kế cực kỳ nham hiểm và độc ác.
Một hôm, nhân lúc vợ mình đang ngủ say, máu tham sắc đã làm hắn mất hết tính người và trở nên ác độc khôn cùng, hắn nhẫn tâm bóp cổ vợ cho đến chết, rồi cắt đứt đầu vợ giấu dưới một cót thóc.
Xong xuôi đâu đó, hắn đến nhà Ất dùng lời nói khéo mời vợ Ất qua nhà mình.
Hắn liền bịa chuyện bảo:
- Anh ấy trước khi đi buôn có gởi tiền cho nhà tôi, bảo chị tới nhận nhưng dặn đừng cho ai biết cả, kẻo bọn chủ nợ hay được thì chúng không để cho chị yên đâu.
Người đàn bà nọ vốn được nghe chồng ca ngợi về lòng tốt của Giáp, tin rằng họ là bạn tốt với nhau từ hồi nào đến giờ, vả lại gia đình đang cơn túng thiếu, nên nghe nói thế thì không mảy may nghi ngờ, bèn theo hắn sang nhà.
Khi đưa được vợ Ất về nhà, Giáp đem tiền của và lời nói ngon ngọt hết sức dỗ dành để nàng trở thành nhân tình của hắn, nhưng hắn không ngờ rằng người đàn bà ấy một lòng một dạ với chồng, thà chịu chết chứ không chịu nhục.
Cuối cùng, vì không thể thuyết phục được người thiếu phụ trung trinh ấy, hắn đành phải dùng biện pháp mạnh, giam nàng vào trong một gian buồng kín, rồi khóa chặt cửa lại.

Hắn dặn đứa đầy tớ gái của mình không được hé môi cho ai biết, phải trông chừng và hằng ngày đưa cơm nước cho vợ Ất, hy vọng ngày một ngày hai sẽ ép được nàng ưng thuận ăn ở với mình.
Hắn còn lo rằng đứa đầy tớ gái phanh phui chuyện bí mật của mình, nên bắt cô gái uống một liều thuốc mua được của một người khách buôn nước ngoài. Uống xong, cô gái tự nhiên rụt lưỡi lại, miệng ú ớ không nói thành tiếng được.
Rồi nhân đêm tối, hắn bí mật đem cái xác không đầu của vợ mình ném sang nhà Ất để tìm cách hại bạn.
Lại nói chuyện Ất, Sau chuyến buôn đầu tiên được chia một phần tiền lãi, hí hửng định mang về khoe với vợ, ngờ đâu khi về đến nhà, anh không còn hồn vía nào nữa khi thấy vợ mình chỉ còn là một cái xác lõa lồ không đầu nằm vất vưởng trên nền đất, da thịt đã muốn rữa, trông rất thương tâm và kinh khiếp.
Ất chưa kịp than khóc thì tuần tráng đã ập vào nhà, gông cổ lại giải lên quan, cho rằng anh đã giết vợ. Ất một hai kêu oan, nhưng anh không cách gì giải được mối nghi ngờ của đám nha lại.
Sau những ngày tra khảo trong ngục, vì không chịu nổi cực hình nên Ất đành phải nhận liều. Bọn quan huyện, tỉnh đều nhất tề khép Ất vào tội giết vợ. Án được bộ hình chuẩn y, Ất bị tống giam, chỉ còn đợi ngày ra pháp trường.
Ngày ấy có lệ những tội nhân bị án tử hình nếu nộp vào kho công một nghìn quan và có người bảo lĩnh thì có thể chuộc được tội chết.
Vì thế, khi Ất bị giam, bà mẹ Ất chạy vạy khắp nơi để vay mượn và cầu thập phương bố thí. Thân thích xóm làng cũng như khách qua đường khi nghe kể chuyện oan ức của Ất, ai nấy đều động lòng thương, vui lòng giúp đỡ kẻ ít người nhiều. Dù vậy, mẹ Ất cũng không sao có đủ một số.

Hai người bạn khác của Ất tên là Bính và Đinh, nghe tin Ất bị nạn liền vội vã tìm đến nhà ngục thăm hỏi. Sau đó họ gặp người mẹ của Ất đang đứng trước ngã tư đường cái, nước mắt giàn giụa cầu khẩn lòng thương của kẻ qua người lại.
Nghe mẹ Ất kể chuyện, Bính và Đinh sực nhớ tới Giáp là người giàu có, có thể vì tình bạn bè mà giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Nghĩ vậy, họ bèn an ủi bà và hứa sẽ làm hết sức mình để cứu Ất khỏi cái chết.
Bính và Đinh tới nhà Giáp kể lể mọi việc xảy ra tại nhà Ất, tai họa từ đâu bay tới quàng vào cổ bạn để nay mẹ già phải dầm mưa dãi nắng bên đường. Cuối cùng, họ ngỏ ý cầu xin:
- Hiện nay, nếu gom góp tất cả số tiền quyên được cộng với số tiền bán gia tư điền sản của chúng tôi thì may lắm cũng chỉ được độ năm trăm quan, còn năm trăm quan nữa không biết làm thế nào, chúng tôi đành lại đây kêu gọi tình bạn của anh mong anh giúp cho.
Nhưng hai người đâu có ngờ rằng trong thâm tâm Giáp chỉ muốn cho Ất chết, có thế thì mọi việc của hắn mới mong trôi chảy. Hắn nói:
- Ai biết anh ấy lại không là thủ phạm?! Xem việc anh ấy quịt tôi một trăm quan tiền thì biết. Anh ấy cầu khẩn vay tiền nói là để đi buôn, tôi sẵn lòng cho anh ấy vay, nhưng mấy lần đi đòi, chẳng thấy trả được một đồng nào. Sát nhân giả tử. Anh ấy giết vợ thì trời sẽ hại, dù chúng ta cố hết sức cứu cũng không thoát.
Thấy không thể lay chuyển được lòng dạ của Giáp, Bính và Đinh bèn quyết định hy sinh thân mình để cứu bạn.
Họ bèn lên quan nói rằng, vì thấy vợ Ất đẹp quá nên hai người thừa dịp Ất đi vắng đến bắt để hãm hiếp. Xong cuộc, sợ nàng tố cáo nên giết đi, chặt lấy đầu vứt xuống sông cho mất tích. Nay cả hai người hết sức hối hận, biết rằng thế nào cũng có ngày bại lộ nên ra thú trước để may ra nhờ lượng trên khoan giảm.

Quan nghe chuyện Bính và Đinh tự thú thì lập tức sai quân binh giam hai người lại, đoạn ký lệnh tha bổng Ất, cho về với mẹ già.
Án của Bính và Đinh không mấy chốc mà thành. Với tội ác như đã nêu, họ bị kết án lăng trì tùng xẻo và bêu thây, nhưng vì “tiên năng tự thú” nên chỉ làm án chém. Và ngày giải ra pháp trường đã đến.
Bính và Đinh biết án tử đang chờ mình, nhưng vì thấy bạn bị oan nên thà chết để cứu bạn còn hơn.
Đến ngày hành quyết, hai người bị giải lên pháp trường, khi lý hình sắp sửa khai đao thì người ta bỗng thấy một cô gái cố len khỏi vòng người chật ních, tất tả chạy đến trước mặt quan. Hai tay cô ta chỉ chỉ trỏ trỏ, miệng nói ú ớ, ra dấu hiệu như muốn ngăn cản vậy.
Quan lấy làm lạ, nghĩ rằng cô gái câm này hẳn có biết ít nhiều về án mạng chi đây, nên vội hạ lệnh cho đao phủ ngừng tay, giải tội nhân trở về nhà giam để đợi tra cứu.
Về đến công đường, sau khi tra xét và phán đoán, quan cho rằng đúng người này bị câm là do nhầm thuốc, quan bèn sai tìm thầy thuốc cắt cho người con gái nọ một chén thuốc chữa tật câm.
Chén thuốc rất hiệu nghiệm, cô gái quả lần lần nói được, đó chính là người đầy tớ gái nhà Giáp. Cô ta liền kể lại rành mạch những hành động gian ác của chủ mình cho mọi người hay để quan khỏi phải án oan cho những người lương thiện kia.
Vụ án nhờ thế mà được sáng tỏ. Quân lính được lệnh kéo ngay đến nhà Giáp, mở cửa buồng trả vợ Ất về với chồng.

Giáp thấy vậy liền tìm cách thoát thân nhưng không còn kịp nữa, quân binh đã kịp thời bắt được và đóng gông lại, điệu vào nhà lao lãnh án tử hình thay cho Bính và Đinh.
Nghĩ tình bạn bè, hai người này cố sức trình bày với quan để Giáp được khỏi chết với số tiền chuộc tội một nghìn quan.
Cuối cùng thì quan cũng chấp thuận cho Giáp được tạm miễn tội chết sau khi nộp tiền chuộc theo luật thời ấy.
Nhưng khi tội nhân vừa được tháo gông, bước ra khỏi công đường, thì bỗng dưng một tiếng sét nổ vang giữa trời quang mây tạnh. Thần Sét đã ra tay trừng trị kẻ gian ác chết tươi ngay trước mặt mọi người.
Không còn cách gì hơn, người ta đành khiêng xác Giáp về nhà hắn để mai táng.
Ngờ đâu khi đi dọc đường, bỗng có một con hổ chẳng biết từ đâu tới, nhảy xổ ra vồ lấy xác của Giáp tha đi mất tích. Thật đáng đời một kẻ manh tâm độc ác, không bị người đời trừng trị thì cũng khó thoát khỏi lưới trời.

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Chàng ngốc học khôn

Ngày xưa, có anh chàng tên là Đần lấy chị vợ tên là Khôn. Cả đời một chữ cắn làm đôi không biết, anh ta lại chẳng chịu thò đầu đi đâu, chỉ ru rú ở xó nhà để vợ sai bảo, từ việc nhỏ tới việc lớn, nên đã đần lại càng đần thêm...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Nợ duyên trong mộng

Ngày xưa ở động Sơn-la thuộc Hưng-hóa có một chàng trẻ tuổi tên là Chu sinh. Bố mẹ mất sớm, chàng được chú đưa về nuôi cho ăn học. Nhưng người chú yêu dấu cháu bao nhiêu thì người thím lại ghét bỏ bấy nhiêu...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...