Ngư dân vớt được một quái vật
Ngày 25/4/1977, công ty đánh bắt thủy sản Hải Dương, Nhật Bản đã cho ra khơi con tàu mang tên “Thoại Dương Hoàn”, khi tàu dừng lại đánh bắt cá ở một thành phố ở New Zealand thì họ vớt được một xác quái vật cực to. Xác quái vật vẫn còn khá nguyên vẹn. Con quái vật này có một túi não nhỏ, cổ dài, bụng rất to, còn có một chiếc đuôi dài nữa. Nếu ta lấy bốn cái vây khổng lồ của nó để đổi thành bốn cái chân thì quả thật nó chẳng khác nào con khủng long trong truyền thuyết.
Tất cả các thủy thủ trên tàu chưa ai từng trông thấy một con quái vật to đến thế. Thuyền trưởng tàu, tiếc thay, lại là một con người ham tiền, ông ta chẳng thèm biết con quái vật này có giá trị gì không, liền lên tiếng trách mắng các thủy thủ tội sao lãng công việc. Để tránh bị thất thu, ông lệnh cho các thủy thủ quăng con quái vật này trở lại biển. May thay có một thủy thủ linh cảm rằng đây là một con quái vật không bình thường, nên liền lấy máy ảnh chụp luôn mấy kiểu; đồng thời anh còn vẽ phác thảo lại nữa. Anh còn nhờ bạn bè giúp đỡ lấy thước dây đo con quái vật. số đo như sau: thân dài 10m, cổ 1,5m, đuôi 2m, nặng khoảng 2 tấn.
Sau này bức ảnh được đăng trên các báo, lập tức nó gây tiếng vang khá mạnh ở Nhật rồi lan ra khắp thế giới. Nhiều báo của các nước đã trích đăng lại các bài này, ngoài ra một số các nhà sinh vật học nổi tiếng cũng đã tham gia phát biểu ý kiến, và chính sự kiện này gây ra phản ứng mạnh mẽ trong giới khoa học.
Mặc dù không tìm lại được xác con quái vật trong vùng biển, nhưng những thông tin trên cũng đã để lại cho nhà sinh vật học ba chứng cứ: 4 đến 50 sợi râu rơi ra từ con quái vật, 4 tấm ảnh màu và cả bức vẽ của anh thủy thủ. Trong 4 tấm ảnh có 2 tấm chụp lúc lưới đánh cá được đặt xuống boong tàu, còn hai tấm kia chụp lúc con quái vật được cần cẩu nâng lên. Một tấm chụp nghiêng, một tấm chụp ở phần lưng, chúng ta có thể thấy rõ đốt xương sống rất to của nó, bốn cái vây dài mọc đối xứng nhau, bụng quái vật trống rỗng, thịt da vẫn còn nguyên, phần đầu lộ khúc xương màu trắng, dưới mô mỡ có lớp thịt màu đỏ. Phần vây còn rơi lại trên boong là bằng chứng quí giá nhất. Đó chính là những vật có hình sợi râu mọc ở mang cá, dài 23,8cm, dày 0,2cm, chúng có màu vàng nhạt, rất trong, phần đuôi chia làm ba khúc, trông rất giống cọng rễ của nhân sâm.
Sau đó, người ta tranh cãi nhau về nguồn gốc của con quái vật này. Có người nói nó thuộc bộ cá voi, cá mập; có người cho nó là hải cẩu, hoặc rùa biển. Tuy nhiên, phần xương cổ của cá voi ngắn hơn xương cổ của con quái vật này, còn phần mỡ của con cá mập thì nằm ở tim gan, trong khi mỡ của con quái vật này nẳm ở bề mặt dưới lớp da. Còn về hải cẩu thì từ trước đến nay con lớn nhất chỉ dài khoảng 5 - 6m, con rùa biển to nhất cũng chỉ dài 2m, trong khi con quái vật này dài những 10m, hơn nữa bộ xương cùa nó lại khác rất xa xương của hải cẩu và rùa biển.
Sau này, nhiều người cho rằng nó là con cháu của loài khủng long bị tuyệt chủng cách đây 70 triệu năm. Vì vậy có nhiều học giả gọi nó là khủng long sống – hay khủng long đầu rắn.
Rõ ràng một điều rằng chẳng có một giả thuyết nào có thể thuyết phục người nghe cả. Hiệu trưởng trường đại học Thủy Sản Tokyo sau khi cho tiến hành phân tích hóa học các sợi râu của mang con quái vật đã phát hiện một điều như sau: thành phần của nó gần giống sợi râu của mang cá mập. Thế là mọi tranh cãi lại tập trung vào con cá mập. Đặc biệt là một số học giả Anh, Mỹ cũng bày tỏ cùng một quan điểm như thế. Họ giải thích rằng vì cá mập thuộc lớp cá sụn, không có khung xương cứng, sau khi nó chết thì dần bị thối rữa, và như thế thì phần đầu sẽ nằm duỗi xuống so với cơ thể, như vậy nó sẽ giống hình chiếc cổ dài gắn trân người con quái vật, phần đuôi chính là cái đầu be bé.
Tuy nhiên nhiều học giả vẫn kiên quyết cho rằng con quái vật này thuộc họ bò sát. Họ đưa ra bốn lý do:
Một là cá mập có phần thịt màu trắng, khi già trở nên màu hồng trong khi phần thịt của con quái vật này có màu đỏ. Cả hai rõ ràng khác xa nhau.
Hai là cá mập không có cơ quan bài tiết, mà nó bài tiết nhờ vào áp lực nước biển đè lên mình nó và từ đó đưa các chất thải ra ngoài. Vì vậy cá mập luôn có mùi hôi, trong khi con quái vật này không hề có mùi hôi đặc trưng ấy.
Ba là nếu cá mập chết thì chỉ sau nửa năm, phần thịt lẫn phần sụn sẽ bị thối rữa hoàn toàn; khung sụn không tài nào gánh nổi trọng lượng 2 tấn của nó trên cần cẩu cả. Trong khi ta trục vớt con quái vật lên thì sự việc hoàn toàn khác.
Bốn là các mập chỉ có mỡ ở trong gan trong khi con quái vật này có một lớp mỡ tương đối dày xuất hiện khắp nơi trên cơ thể. Ngoài ra trên đầu quái vật có 3 cái sừng hình thành một tam giác, đây là đặc tính chung của loài bò sát. Vì vậy mà con quái vật này được coi là thuộc họ bò sát.
Ngày 1 – 19/9/1977. Các nhà chuyên môn Nhật Bản đã mở ra hai cuộc thảo luận liên quan đến quái vật. Mọi giới gồm sinh vật học, hóa thạch học, ngư học, khoa giải phẫu so sánh, sinh hóa học, khoa huyết thanh... tổng cộng có 19 người. Hiệu trưởng trường Đại học Thủy sản Tokyo, ông Sasaki làm chủ trì và chiều ngày 15/12, báo chí trên khắp thế giới đã đăng tải kết luận của buổi hội nghị như sau: sau khi phân tích thành phần hóa học của các sợi râu, từ mang các đến đuôi thì ta có thể kết luận nó không thuộc lớp cá. Và căn cứ vào phần mỡ xuất hiện suốt chiều đài thân, chiều dài đuôi các và 4 mang cá, cả bề mặt cơ thể ta có thể kết luận đây là loài động vật khác hoàn toàn với mọi loài cá mà ta biết từ trước đến nay. Và trong quá trình phân loại, có thể sắp xếp nó vào một loài động vật hoàn toàn mới mà ta chưa biết.
Tuy nhiên, để xác định đây là loài động vật gì thì vẫn chưa có kết luận sau cùng.