Sự tích chim kền kền

Trong xóm kia có hai người sống hai cảnh đời trái ngược. Một người giàu của để tận ngoài ngõ, chê cơm gạo đỏ không ăn, trong nhà thịt rượu ê hề. Lại có một người tàn tật, ít khi được bát cơm nóng. Rau dưa cũng không đủ no lòng. Lão nhà giàu phung phí tiền của, ra khỏi nhà là thuê người hầu người cáng khiêng. Chơi bời vô độ nên tóc còn đen, răng chưa rụng mà người lão đã gầy khô như cái xác chết. Anh nghèo mang tật từ lúc bé, chân tay co rúm, lưng còng, cổ queo, đi một bước vững cũng khó khăn. Quanh năm chỉ có hai mảnh quần áo rách.
Một năm kia, trời nắng kéo dài, rau cỏ cũng không mọc nổi. Những đám rau già quanh làng đã hết, anh tàn tật cố bò ra cây sung giữa đồng, nhặt quả ăn thay cơm. Đường từ nhà ra đây chẳng xa xôi gì. Người khỏe, hút chưa tàn điếu thuốc đã đi đến. Nhưng anh tàn tật phải bò suốt từ sáng sớm đến nửa buổi chiều. Cố lê được đến gốc cây sung anh đã mỏi mệt rã rời chẳng làm sao nhặt được quả rụng mà ăn. Đến chiều, khi mặt trời sắp lặn, có một cơn gió thổi qua rất mạnh. Cành sung oằn xuống, quả rụng chật đất. Anh tàn tật cố gượng dậy, lê đi nhặt lại thành đống định để ăn dần. Đêm đó anh ngủ bên gốc sung.

Sáng ngày hôm sau có một đàn chim từ hướng đông bay đến, đáp xuống ngọn cây sung. Đàn chim đi tìm quả sung chín, nhưng gió đã thổi rụng cả từ hôm qua, nên chúng ngơ ngác tìm kiếm một chốc rồi đáp xuống đất ! Trông thấy đám quả sung của anh tàn tật, đàn chim đứng nhìn nhưng không dám lại gần. Anh tàn tật nhặt sung vãi ra:
– Có đói vào đây mà ăn ……
Nghe anh nói, con chim có một cái khoang trắng trên cổ, óng ánh như bạc, nói lại rõ như tiếng người vậy :
– Chim không có công nhặt, sao người cho nhiều quả thế?
– Cây trời sinh, tôi không trồng, không tưới, công nhặt quả có đáng là bao, có đói thì cứ ăn.
Anh tàn tật lại bốc sung vãi thêm ra. Lũ chim không sợ nữa, xúm lại ăn. Ăn xong, con chim có khoang cổ lại hỏi :
– Người tàn tật mà tốt bụng. Quả ăn trừ cơm được mà không tiếc. Tôi đền lại người một điều ước, để trả ơn.
Đàn chim bay đi. Anh tàn tật ngồi một mình, ngẫm nghĩ về điều ước con chim đã cho. Lâu nay nghèo khổ, chưa được biết cái gì là sung sướng, nên cũng chẳng biết ước điều gì. Chợt thấy mấy người lính kiệu một viên quan đi qua. Thấy viên quan rất oai vệ, mà toán lính cũng bảnh bao. Anh tàn tật định ước được là một trong hai hạng người này. Nhưng khi bọn họ đến quãng đường lầy, thì toán lính đã bị thụt sâu, không đi nhanh được. Còn viên quan thì cau có, quát tháo, cầm gậy vụt đánh toán lính. Thấy vậy anh tàn tật tự bảo :
– Làm lính thì bị quan đánh, mà làm quan thì … mặt mũi cau có, đánh người thế kia, chẳng ai thương được.
Anh bỏ ý định ước làm quan, làm lính. Một chốc có mấy người thầy cúng đi qua. Người nào cũng quảy một xâu thịt, mấy chai rượu, tay chống gậy, đầu đội khăn rằn, khăn đỏ, buông xuống tận vai. Trông có vẻ an nhàn lắm. Anh tàn tật muốn ước làm thầy cúng. Bỗng cái cổ quẹo của anh đau nhói lên. Cái cổ này khi nhà còn tiền của, cha mẹ anh đã mời thầy cúng mãi mà không khỏi rốt cuộc vẫn tiền mất tật mang. Nhớ việc cũ, anh lại tự bảo:
– Thầy cúng là người dối trá. Người ốm mất tiền mà chẳng khỏi bệnh.
Một chốc anh lại thấy một lão nhà giàu đi đòi nợ về. Anh tàn tật toan ước làm một người giàu để được ăn no sung sướng. Nhưng lão nhà giàu đi chưa khuất đã thấy một toán người đến, tay dắt trâu, vai gánh thóc, mồ hôi nhễ nhãi, mặt mũi hốc hác, khổ sở. Anh bèn hỏi :
– Sau có trâu dắt mà không vui, có thóc gánh trên vai mà còn khóc?
Mấy người kia chỉ lão nhà giàu đang đi :
– Sắp đến mùa cày mà lão bắt mất trâu. Lúc có lúa, lão ấy đòi nợ ! Ông ấy là chủ nợ. Chúng tôi là con nợ. Cảnh khổ anh đã biết rất rõ.
Anh lắc đầu :
– Làm người giàu sẽ gây khổ cho người nghèo.
Đắn đó một lúc, anh tàn tật, nhìn lại mình. Thấy cổ quẹo, lưng còng, anh liền ước :
– Thôi, chim hãy cho tôi lành lặn, có đủ sức khỏe nhổ trốc gốc cây sung nàỵ
Lời ước vừa dứt, lưng anh đã thẳng ra, cổ hết quẹo, người to lớn lực lưỡng. Anh bước tới đến ghé vai vào cây sung, hai tay ôm choàng, nhổ thử. Cây sung bật cả gốc rễ. Anh cởi áo túm mớ quả sung còn lại, vác cả cây sung về trồng trước làng. Tên nhà giàu thấy anh tàn tật đã béo tốt đẹp trai liền đến hỏi :
– Mày làm sao chong được khỏe vậy ?
Anh tàn tật kể chuyện được sức khỏe cho tên nhà giàu nghe. Lão muốn vợ chồng con cái và mẹ nó được béo tốt như anh tàn tật, liền về dắt cả lũ đến với anh:
– Mày béo khỏe vậy là tốt lắm rồi. Mớ quả sung còn lại cho tao xin. Người nhà tao ai cũng gầy guộc quá. Tao muốn tao, mẹ tao, vợ con tao đều có sức khỏe như màỵ
Anh tàn tật không định để mớ quả sung lại làm gì, nhưng anh chưa kịp cho thì lũ kia đã xúm lại cướp mỗi đứa một vốc, chạy lẹ ra đồng. Chúng nó ngồi thù lù bên chỗ cây sung anh đã nhổ trốc gốc, để chờ chim đến. Đàn chim đến thật. Mẹ, vợ và con lão nhà giàu không hiểu đổi chác thế nào, nên cứ trố mắt nhìn. Còn tên nhà giàu thì đưa quả sung ra nhử chim, hắn nói:
– Cây sung bị thằng tàn tật nhổ mất rồi. Từ nay kiếm được một quả sung chẳng dễ gì ! Đây, những quả sung này ngon lắm, ngon gấp mười quả sung của thằng tàn tật kia! Chim có chịu đổi một trăm điều ước tao mới đổi.
Đàn chim đã đói, nhưng mỗi lần chỉ cho được một điều ước, nên không đổi được cho tên nhà giàu. Khi mặt trời gần lặn, đàn chim chắp cánh sắp bay. Biết không thể đổi được hơn, tên nhà giàu mới chịu đổi. Được điều ước nó cười hả hê, giục cả nhà đứng dậy rồi lớn tiếng:
– Cho cả nhà tao trẻ lại … này, khỏe này, béo này ……
Nhưng nói chưa hết câu, thì những cái mồm của lũ nó đã nhô ra nhọn hoắt, tay biến thành cánh, móng chân biến thành vuốt, lông mọc khắp người, hôi thối khét lẹt. Cả nhà nó hóa thành một đàn Kên Kên. Lũ Kênh Kênh bay dạt vào rừng. Giàu có, ăn uống sung sướng quen miệng, nay đã hóa thành Kên Kên, chúng vẫn giữ nguyên cốt cách như lúc còn làm người. Mỗi khi gặp con trâu, con bò chết là cả lũ bâu lại.

Xem thêm