Rắn báo oán

Nguyễn Trãi

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con. Con rắn làm tổ ở đó đã ngót một trăm năm, chỉ còn chờ ít lâu nữa là thành xà tinh có thể đi mây về gió, biến hóa huyền diệu. Vào thời ấy có một ông đồ họ Nguyễn mở trường dạy học trong làng. Thấy đám đất ở gò Rùa có mạch rất đẹp, trước mặt là đầm làm minh đường, sau lưng là gò làm án, ông đồ bèn xin làng cấp cho mình đám đất để dựng một ngôi nhà làm nơi tĩnh mịch dạy học. Được phép làng, một buổi chiều nọ trước khi tan lớp, thầy bảo trò:

- Từ mai các con tạm nghỉ học một vài ngày rồi đến phát dọn hộ cho thầy đám đất bên gò Rùa kia.

Nghe tin ông đồ sắp cho người đến phá phách chỗ ở của mình, đêm ấy rắn mẹ bèn đến báo mộng cho ông đồ biết. Ông đồ đang ngủ mơ màng thấy có một người đàn bà vẻ mặt hầm hầm đến sừng sộ:

- Này ông kia! Nào ta có gây thù chuốc oán gì với nhà ngươi mà nhà ngươi lại toan phá nhà cửa của ta. Muốn tốt thì chớ có động đến, nếu không thì đừng hòng ăn ngon ngủ yên với ta đâu

Nói xong quay ngoắt trở ra. Ông đồ giật mình tỉnh dậy thì trời đã sáng. Suy nghĩ mãi về giấc mộng lạ, ông chưa hiểu thế nào cả. Sực nhớ hôm nay là ngày học trò mình bắt tay khai phá đám đất hoang, ông cho rằng hẳn có ma quỷ gì ở đấy muốn ngăn cản không cho mình tới ở. Sợ tai vạ, ông đã toan bảo học trò ngừng tay, nhưng suy đi nghĩ lại, ông thấy không nên:

- Ồ, mộng mị vô chừng, tội gì phải bận tâm cho mệt.

Rồi đó ông đồ chống gậy đi đến khoảnh đất mới xem học trò làm việc. Lúc đến nơi thì thấy học trò đã dọn quang một đám khá rộng. Ông đồ hỏi:

- Các con có thấy gì lạ không?

Học trò đáp:

- Thưa thầy, không có gì lạ cả.

- Nếu có gì lạ hãy báo cho thầy biết nghe không.

Đêm hôm sau con rắn lại báo mộng. Ông đồ đang mơ mơ màng màng, bỗng thấy người đàn bà hôm trước lại đến, tay bế ba đứa con nhỏ, nhưng lần này vẻ mặt thay đổi hẳn:

- Xin nhà thầy hoãn cho ba hôm nữa, để cho đàn con tôi cứng cáp đã rồi sẽ xin đi.

Thấy người đàn bà vật nài mấy lần, ông đồ động lòng trắc ẩn, nói:

- Được, được, tôi sẵn lòng để cho nhà chị nán lại ít hôm.

Sáng dậy ông đồ nghĩ mãi vẫn chưa hiểu ra thế nào. Ông bèn đi tới đám đất đang được phát dọn xem sao. Vừa đến nơi, người trưởng tràng đã chạy đến nói với ông:

- Thầy ạ, vừa rồi có một con rắn lớn, tiếc rằng chúng con mới chém phải một nhát ở đuôi thì nó đã chạy mất. Trong hang có một ổ ba con rắn con, chúng con đều đánh chết cả.

Ông đồ bèn hiểu ra, bèn tặc lưỡi ân hận:

- Đúng là người đàn bà ở trong con rắn đã đến cầu khẩn với ta. Nhưng ta không kịp cứu bầy con nó như lời ta đã hứa.

Lại nói đến con rắn mẹ tự nhiên bị chết mất cả đàn con lại bị thương tích nặng nề, thì căm tức ông đồ vô hạn. Nó quyết tìm dịp báo thù. Một tối trong khi ông đồ đang đọc sách ở một ngôi nhà vừa mới dựng xong, con rắn lẻn bò vào mái tranh, đến gần sát chỗ ông ngồi, toan cắn chết. Nhưng ông đồ vừa liếc thấy đã kịp hô hoán cho người nhà chạy lại. Rắn ta hoảng hốt bỏ trốn, chỉ kịp nhỏ xuống trang sách một giọt máu. Ông đồ kinh hãi nhìn lại trang sách thì thấy giọt máu nhỏ thấm tới tờ thứ ba. Thở dài, ông lẩm bẩm:

- Chắc nó sẽ báo oán đến đời con cháu ta chứ không sai.

* * *

Mấy chục năm đã trôi qua. Con rắn ẩn nấp trong chằm lúc này đã lành vết thương và đã trở thành xà tinh. Nhớ lại món nợ cũ, nó bèn hóa thành một người con gái rất đẹp đi tìm kẻ thù. Lúc này ông đồ đã mất, con ông cũng lưu lạc chết ở quê người, chỉ còn cháu bé lúc này là Nguyễn Trãi bấy giờ đang làm quan đại thần ở kinh đô, chức cả quyền cao, vua quan đều trọng vọng. Một hôm, Nguyễn Trãi nhân thong thả đi chơi chợ ở phía ngoài kinh thành. Con rắn biết tin, bèn hóa thành một người con gái gánh một gánh chiếu đi chợ bán. Cho nên, lúc ông vào đến chợ, đã trông thấy một cô gái trẻ tuổi đang đặt gánh chiếu đứng đọc tờ cáo thị dán ở cổng. Thấy người con gái bán chiếu ăn mặc nghèo khổ mà mặt mũi đẹp tựa trăng rằm, lại dáng điệu thanh tú, chẳng có gì là lam lũ, ông sai dừng cáng, bảo người lính hầu gọi cô tới và hỏi:

- Ả tên là gì, con cái nhà ai, tại sao lại làm nghề này?

Nàng đáp:

- Thiếp tên là Nguyễn Thị Lộ, vì bố mẹ đã mất cả không biết nương tựa vào ai, nên đi ở với một người dệt chiếu.

- Làm sao lại biết chữ?

- Hồi còn nhỏ, cha mẹ thiếp có cho theo đòi bút nghiên.

- Nếu vậy thì ta có bài thơ này, thử họa lại xem:

Ả ở đâu, bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa? Được mấy con?

Cô gái liền đọc bài thơ sau:

Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con.

Nguyễn Trãi tấm tắc khen:

- Chao ôi! Tài này thật nàng Ban, ả Tạ dễ không sánh kịp! Ta đang cần một người hầu bút nghiên, chẳng hay nàng có muốn bỏ nghề bán chiếu, về ở với ta trong phủ không ?

Biết là mưu đã dắt, cô gái gật đầu. Sau lần đi dạo chợ ấy, Nguyễn Trãi đưa Thị Lộ về làm hầu gái. Càng ngày ông càng yêu vì nết, trọng vì tài. Với ông, Thị Lộ vừa là một người vợ, vừa là một người bạn văn chương. Sắc đẹp của nàng làm cho cả phủ nổi ghen. Nhưng nàng lại rất khôn ngoan, biết lấy lòng tất cả mọi người. Đối với Nguyễn Trãi thì hết sức chiều chuộng, lại giúp ông thảo các giấy tờ việc quan rất trôi chảy, nên ông rất yêu dấu.

Tiếng đồn về người hầu gái của Nguyễn Trãi chẳng mấy chốc vang đi khắp nơi. Buổi ấy nhà vua đang cần một người hầu giảng sách, nghe tiếng Thị Lộ tài sắc hơn đời, vua bèn buộc Nguyễn Trãi dâng luôn cho mình. Thị Lộ lại trổ tài và hết mực chiều chuộng ông vua trẻ. Càng ngày vua càng yêu mến không rời, phong cho làm nữ học sĩ.

Một hôm, mẹ vua bị bệnh đau mắt rất nặng, thái y viện không có cách gì chữa khỏi. Nghe tin này, Thị Lộ bèn tâu vua:

- Thiếp ngày xưa, ngoài việc học chữ còn võ vẽ đôi chút về nghề y. Nếu được phép bệ hạ, thiếp xin thử chữa cho hoàng thái hậu xem sao.

Vua không ngờ nữ học sĩ lại lắm tài nghề, bèn y cho. Thị Lộ đến nơi, chỉ dùng lưỡi mình liếm vào con mắt của mẹ vua, tự nhiên bệnh đau mắt của mẹ vua khỏi hẳn, không cần tra thuốc men gì. Sau việc ấy vua lại càng yêu dấu và tin cậy.

Một hôm, vua bị bệnh đau lưỡi. Sực nhớ tới Thị Lộ, nhà vua bèn đòi nàng vào cung để chữa cho mình. Thấy đúng là cơ hội báo thù đến nơi, Thị Lộ bèn bảo nhà vua lè lưỡi cho mình chữa. Vua thè lưỡi ra, rắn liền cắn vào lưỡi một cái. Vua ngã chết ngay không kịp kêu lên một tiếng. Triều đình lập tức bắt giam Thị Lộ và bắt giam luôn cả họ nhà Nguyễn Trãi để xét xử. Chẳng mấy chốc mà cái án giết vua đã thành.Thị Lộ bị tội trảm quyết. Khi đao phủ sắp sửa đem xử tù, thì nàng xin phép được xuống sông tắm gội lần chót. Người ta y theo lời xin, cho một người lính gác tù đi theo canh giữ. Nhưng khi vừa bước xuống nước, rắn lập tức trở lại nguyên hình và trườn xuống sông mất tích. Người lính gác để sổng mất nữ tù liền bị bắt giam và theo luật phải chết thay.

Vụ án Thị Lộ, vì chính phạm trốn mất, nên búa rìu dư luận tự nhiên giáng xuống đầu cả họ Nguyễn Trãi. Theo lệnh triều đình, bà con thân thích của ông bất kể nam nữ già trẻ, tất cả đều bị xử giáo. Riêng có Nguyễn Trãi và người lính gác tù thì bị đem đi chôn sống. Người ta đào một cái hố, đẩy phạm nhân xuống rồi lấp đất lại. Đó là cách hành hình kinh khủng nhất của triều đình. Hôm thi hành bản án, người lính gác là kẻ chịu cực hình đầu tiên. Khi sắp sửa đến lượt Nguyễn Trãi, bỗng có một người đàn bà vợ anh lính gác, ở đâu chạy tới nhảy chồm lên mộ chồng gào khóc thảm thiết, đòi một hai chết theo cho trọn đạo. Trước cảnh thương tâm, Nguyễn Trãi khuyên chị:

- Ta vì một người thiếp mà chết oan cả họ, còn chồng nàng thì lại vì ta mà bị thiệt thân. Thôi, nàng hãy coi đó là số mệnh, đừng khóc nữa. Hãy ngửa bàn tay cho ta ghi lại một chút dấu tích. Sau này nếu có việc gì thì đừng quên ta!

Khi người đàn bà ngửa tay ra trước mặt ông, ông bèn nhổ vào lòng bàn tay một bãi nước bọt.

* * *

Vợ người lính gác vừa hứng lấy bãi nước bọt thì bỗng nhiên rùng mình cảm động. Từ đấy nàng có mang, đủ chín tháng mười ngày sinh được một người con trai rất khôi ngô. Nàng đặt tên là Anh Vũ. Và nghĩ rằng đó là dấu tích của vị đại thần bị chết oan, nên tuy mình họ Phạm, nàng cũng khai cho con họ Nguyễn. Khi con lớn khôn, nàng cố gắng cho nó đi học. Anh Vũ thông minh, học chóng tấn tới. Năm Anh Vũ hai mươi tuổi cũng là năm có lệnh ân xá cho cả nhà Nguyễn Trãi, vì đức hoàng đế mới lên ngôi đã thấu rõ mối oan tày trời của bậc công thần. Tất cả những của cải, ruộng đất, nô tỳ trước đây triều đình tịch thu đều trả lại cho dòng dõi của ông. Nhưng dòng dõi của Nguyễn Trãi thì chẳng còn một ai. Thấy thế, vợ người lính gác bèn đưa Anh Vũ đến kinh thành đánh trống đăng văn. Nhà vua cho gọi vào. Trước sân rồng, nàng kể lại cho vua nghe mọi việc kể từ lúc Nguyễn Trãi nhổ bãi nước bọt vào tay đến lúc mình nuôi con khôn lớn. Vua nghe đoạn trầm ngâm một hồi, rồi phán rằng:

- Đúng đây là dấu tích của Nguyễn Trãi. Chưa nói đến sự hiển ứng, chỉ xem nét mặt cũng phảng phất giống vị công thần.

Anh Vũ bèn được coi là con đẻ của Nguyễn Trãi và được bổ làm quan. Càng ngày lòng vua thương xót vị đại thần chết oan càng dồn vào Anh Vũ. Sau một thời kỳ bước dần lên nấc thang danh vọng, Anh Vũ được cử đi sứ Trung Quốc vì nhà vua biết chàng không những có tài văn chương mà còn có tài hùng biện.

Lại nói chuyện con rắn từ ngày báo được thù cũ và trốn thoát thì nó ngao du trên mọi ngả sông hồ, không có chỗ ở nhất định. Một hôm, nghe tin dòng dõi của Nguyễn Trãi vẫn còn, lòng căm tức của nó lại bừng bừng bốc lên. Lúc thuyền sứ bộ qua hồ Động Đình thì bỗng dưng mọi người thấy một con rắn lớn đuổi theo thuyền; đuôi nó như cột buồm quẫy sóng rất dữ làm cho thuyền tròng trành cơ hồ muốn chìm nghỉm. Cả đoàn sứ bộ và thủy thủ đều sợ xanh mắt. Một lúc sau, con rắn vừa lội theo thuyền vừa ngóc đầu lên khỏi mặt nước réo tên Anh Vũ. Thấy vậy, Anh Vũ biết là món nợ của tổ tiên hãy còn dai dẳng chưa thôi. Ông phải tính liệu một bề để cứu lấy mọi người trên thuyền. Suy nghĩ một chốc, ông ra đứng ở mũi thuyền nói to:

- Hỡi rắn thần, nghe ta nói đây! Hãy để cho ta làm tròn sứ mạng của nhà vua. Xong việc nước, ta sẽ về đây nộp mình.

Nói đoạn tự nhiên sóng êm, gió lặng. Con rắn đã biến đi mất.

Mấy tháng sau, công việc giao thiệp đã xong, thuyền sứ bộ lại trên đường về qua hồ Động Đình. Rắn lại hiện ra đằng mũi thuyền sứ réo tên Anh Vũ.

Sau khi dặn dò sứ bộ mọi điều, Anh Vũ cầm một con dao nhọn vào tay và nói:

- Tôi phải xuống để báo thù cho cha tôi!

Đoạn từ mũi thuyền, chàng lao thẳng xuống mặt hồ.

Cả đoàn sứ bộ nhìn theo ứa nước mắt khi thấy vị chánh sứ trẻ tuổi của mình một đi không trở lại. Nhưng lúc ấy, bọt tung sóng vỗ, rồi máu đỏ lênh láng trên mặt nước

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Sự tích hồ Gươm

Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Nợ duyên trong mộng

Ngày xưa ở động Sơn-la thuộc Hưng-hóa có một chàng trẻ tuổi tên là Chu sinh. Bố mẹ mất sớm, chàng được chú đưa về nuôi cho ăn học. Nhưng người chú yêu dấu cháu bao nhiêu thì người thím lại ghét bỏ bấy nhiêu...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...