Ai tốt hơn ai?

Thời trước có hai anh em, cha mẹ mất sớm, sống với nhau rất êm ấm. Hai người làm việc chung với nhau và ăn ở cùng một nhà.

Nhưng đến khi lấy vợ, người anh dần dần thay đổi tính nết. Anh ta muốn làm giàu riêng cho mình nên đối đãi với người em ngày càng lạnh nhạt. Thế rồi anh ta tìm cách chia gia tài [1] cho em ra ở riêng. Người anh chiếm nhiều ruộng tốt, chỉ cho em một ít ruộng xấu. Người em phải ra cuối đồi dựng một túp lều để ở. Từ đó, người anh trở nên giàu có, còn người em ngày càng túng thiếu.

Sợ em hay đến xin xỏ [2], người anh luôn tránh mặt. Thấy em lên đầu bản [3], thì anh xuống cuối bản. Ở trong bản, anh chỉ thích chơi với nhà giàu, kết nghĩa anh em với một người trong bọn. Mỗi khi bắt được con cá, con lươn, săn được con hươu, con nai, anh đều mời họ đến ăn mà tuyệt nhiên không bao giờ gọi đến em.

Trái lại, khi gặp ngày mùa bận rộn hay có việc gì cần, anh mới tìm em để đỡ tốn tiền thuê người làm. Em tuy nghèo nhưng lần nào cũng vui vẻ đến giúp.

Người chị dâu thấy thế động lòng thương. Chị bèn khuyên chồng nên đối đãi với người em tử tế. Nhưng người anh vẫn nghĩ rằng chơi với người giàu là phải và không tin em tốt bằng bạn.

Một hôm, anh vào rừng bắn được một con nai rất lớn. Anh định gọi bạn đi khiêng về cùng ăn. Người vợ thấy thế bèn bàn với chồng hãy thử xem bụng dạ bạn ra sao đã. Nghe theo lời vợ bàn, đến nhà bạn, anh làm ra vẻ hoảng hốt:

– Tôi đi săn chẳng may bắn trúng một người. Bây giờ làm thế nào, anh giúp tôi với!

Bạn lắc đầu thở dài, trả lời gọn lỏn [4]:

– Trời mưa, rãnh nhà ai nhà ấy xẻ!

Lại nghe theo lời vợ bàn, người anh đến nhà em, cũng làm ra vẻ hoảng hốt:

– Anh đi săn chẳng may bắn trúng một người. Bây giờ làm thế nào, em giúp anh với!

Người em lo lắng, nghĩ một lúc rồi an ủi anh:

– Đã trót bắn chết thì khiêng về làm ma [5] vậy. Rồi anh em ta cùng nhau thu xếp tiền và xin lỗi gia đình họ chứ biết làm thế nào!

Lúc bấy giờ người anh mới tỉnh ngộ [6],hiểu ra ai tốt hơn ai, mới nói thật chuyện và rủ em đi lấy nai. Khi khiêng nai ở rừng về qua nhà bạn, hai người cố ý để đùi nai cọ vào vách [7] kêu sàn sạt. Người bạn đang ăn cơm nghe động chạy ra xem. Khi nhìn thấy con nai to tướng, anh ta đờ người ra tiếc rẻ:

– Thế mà anh lại bảo là người chết thì ai biết đâu mà giúp anh được!

Người anh bấy giờ đáp:

– Thôi, chào bạn! Mưa rơi nhà tôi, anh em tôi xẻ rãnh lấy vậy!

Từ đấy, hai anh em trở lại sống cùng nhau, yêu thương đầm ấm.

 

Chú giải

[1] Gia tài: của cải do ông bà, cha mẹ để lại cho người kế thừa, hoặc là của cải riêng của một người, một gia đình.
[2] Xin xỏ: xin một cách nài ép
[3] Bản: làng ở miền núi của đồng bào thiểu số (miền Bắc).
[4] Gọn lỏn: ý nói cộc lốc, lạnh nhạt.
[5] Làm ma: tổ chức chôn cất và cúng lễ cho người chết.
[6] Tỉnh ngộ: nhận ra sự sai lầm của mình.
[7] Vách: tường làm bằng tre đan trát đất.

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Thạch Sanh - Lý Thông

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Sự tích hồ Gươm

Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...