Một thanh niên trẻ tuổi, khuôn mặt hiền lành, dáng điệu ngơ ngác rụt rè bước vào văn phòng công ty có câu khẩu hiệu chói lọi treo trước cổng: “Tương lai thuộc về hàng hóa – Hàng hóa thuộc về nhãn hiệu”!
Cô tiếp tân xinh đẹp nhảy bổ về phía anh chàng như con hổ nhảy vào con thỏ:
– Thưa ông, công ty chúng tôi có thể giúp gì được cho ông?
Chàng trai luống cuống:
– Thưa cô, tôi muốn là… tôi thực sự… tôi lo lắng…
– Em hiểu rồi – Cô nhân viên reo to – Anh đã phát hiện ra keo diệt quạ, và anh chưa biết đặt tên cho sản phẩm đó là gì?
Chàng trai ú ớ:
– Không…
Cô nhân viên hăm hở:
– Thế thì chắc chắn anh đến về vụ máy tự động đánh chó, mèo. Một sản phẩm rất tuyệt, và tất nhiên, cũng chưa có nhãn hiệu?
Chàng trai có vẻ đã bình tĩnh lại:
– Thưa cô, tôi xin trình bày thế này: Tôi đến đây không phải vì muốn công ty tìm nhãn hiệu cho hàng hóa hoặc sản phẩm gì do mình làm ra. Tôi cần một cái “mác” thật hiệu quả cho… chính tôi, và chỉ chính tôi mà thôi.
– Em chưa hiểu. Anh cần nhãn hiệu để làm gì?
– Để làm uy tín với đời, thưa cô. Tên tôi là Nguyễn Tèo. Chắc cô cũng biết, trong cuộc sống bây giờ, cái tên phải đi kèm với cái nhãn mới hi vọng khá. Con người có nhiều nhãn hiệu: giáo sư, bác sĩ, hoa hậu, giám đốc, cò mồi, bồi, nhổ răng, đấm bóp… nghĩa là phải sống bằng nhãn. Phải có nhãn, mà tôi thì không có.
Cô gái reo lên:
– Hiểu rồi. Bây giờ bọn em sẽ phong anh làm Chủ tịch tập đoàn hay Giám đốc trung tâm nhé?
Tèo lắc đầu:
– Ăn nhằm gì, những thứ đó dọa được ai. Tôi cần một cái nhãn nào đó cho chung quanh nể sợ, dễ làm ăn. Cái nhãn đó, hay còn gọi là biệt danh, phải vừa mạnh, vừa bí hiểm, vừa nói lên quá khứ lại vừa khơi gợi tương lai.
Cô gái tung tăng chạy vào phòng máy lạnh, lấy ra một tập hồ sơ:
– Rồi, vụ của anh dễ ợt. Bọn em có sẵn hàng chục biệt danh cho anh lựa chọn. Đây này… – Cô lướt ngón tay có cái móng nhọn trên mặt giấy – Anh có thể là Tèo “dao phay”, Tèo “búa tạ”, Tèo “đinh ba” hoặc Tèo “đá hộc” đều dễ sống cả.
Chàng trai băn khoăn:
– Nghe cũng tạm, nhưng công ty còn thương hiệu nào vừa “ngầu” lại vừa “bí hiểm” hơn không?
– Còn, anh hãy chọn đi. Tèo “thiên thu thù hận”, Tèo “mắt rắn hổ”, Tèo “tắc kè điên”, Tèo “vua xóm núi”, Tèo “đứt cầu chì”, Tèo “lông cá sấu”… Những cái nhãn hiệu này, bảo đảm về xóm thì chỉ ngồi, bà con mang đồ đến chỉ lo anh không nhận.
Chàng trai hớn hở:
– Được đấy, cám ơn cô.
Thiếu nữ cười lúng liếng:
– Anh cứ về đi, bọn em uy tín, anh thành công sẽ trả tiền sau.
Hai tháng sau, Tèo quay lại. Cô gái không nhận ra nữa. Đó là một gã đàn ông để đầu đinh, mặc chiếc áo xé tung, tay xăm xanh lè, cổ đeo dây xích có lưỡi dao lam bằng thép cắt từ vỏ lon sữa Ông Thọ. Gã khệnh khạng đi vào, đặt cục tiền lên bàn đánh “ầm” khiến cả chiếc bàn lẫn cô gái suýt ngã khuỵu:
– Chào em, nhớ tôi không?
– Dạ nhớ – Cô gái run run – Anh, à… ông Tèo.
Gã gật đầu:
– Đúng, nhưng đâu phải Tèo suông. Ta là Tèo “mã tấu”, tiếng tăm trùm khu Xóm Củi. Ta đến để thanh toán, à không, để trả tiền cho công ty đã giúp ta. Nhưng ta chán lưu manh rồi. Ta nhận ra khác với keo bẫy chuột hoặc máy đánh mèo, thương hiệu của con người phải thay đổi thì đời mới khá. Nhanh lên!
Cô gái lảo đảo giở sổ:
– Thưa ông, ông cần loại gì?
– Loại đại ca, nhưng lại phải có chút nghệ sĩ.
– Vậy thưa anh, công ty có Tèo “năm vé”, Tèo “bao”, Tèo “A-Z”, Tèo “bố già”, Tèo “răng vàng”, Tèo “hoa mắm tôm”, Tèo “cơm nếp nát”.
Gã gật gù:
– Cũng tạm, nghĩ thêm chút coi!
– Dạ, hay ông dùng mấy thứ này mới tinh: Tèo “phân khối lớn”, Tèo “hoa hậu tiềm thuốc bắc”, Tèo “người mẫu chiên bơ”, Tèo “cháo huyết”…
Gã đứng lên:
– Ờ, để qua về suy nghĩ. Cám ơn em.
Hai tháng sau, gã đến, mặc complê, đeo càvạt, kính gọng vàng… Cô gái run run nhận tấm cạc đề: “Tèo Bạch Hải Đường – giải quyết đủ thứ”.
Gã cầm tấm cạc quăng đi:
– Đừng coi nó, đấy là quá khứ rồi. Bây giờ ta muốn có thứ biệt hiệu nào nói lên trí thức của ta kèm địa vị… Có tí ngoại là hay nhất.
– Hân hạnh được phục vụ ông, thưa ông. Chúng tôi có Tèo “Sạcly”, Tèo “Hăngri”, Tèo “Mô-da”, Tèo “Pi-cát-sô”, Tèo “phi hành gia”, Tèo “chất chống thấm”, Tèo “hai thạc sĩ”, Tèo “tổng dự án”, Tèo “men cao cấp”, Tèo “bàn cầu nguyên khối”, Tèo “chỉ đạo chương trình”…
Gã rút mùi xoa lụa ra lau kính:
– Được, tốt, để khỏi mất công đi chọn, nếu sau này leo tới hàng đại gia, ta cần có biệt hiệu gì?
– Dạ thưa, lúc ấy ông chỉ cần xưng Tèo “bự”, Tèo “chủ lớn”, Tèo “Kinh Kông”, Tèo “buy-rô”, Tèo “hắt hơi” hay Tèo “xì mũi” là ai cũng khiếp.
– Thế nếu khi trong ngoài biết tiếng, giang hồ nể sợ, phường xóm lừng danh, anh em kính cẩn cả rồi, ta cần những biệt danh gì hả?
– Dạ thưa ông, lúc đó ông chỉ cần giản dị là anh Hai Tèo.