Bà Táp-táp

Không ai biết tên thật của bà. Mọi người gọi bà là Táp-táp bởi vì mỗi khi bước lên một bước, bà lại gõ nhẹ “táp táp” trên đất. Bà bị mù. Bà dùng gậy để tìm đường, đế tránh chướng ngại vật, để kiểm tra xem bà đã đến mép lề đường hay chưa.

Bà thường đi dạo một mình, nhưng bà không thể qua đường một mình, vì bà không nhìn thấy xe và sợ bị tai nạn. Trẻ em, trai hay gái, đều luôn sẵn sàng giúp đỡ bà. Khi thấy bà Táp-táp đứng yên bên mép đường, luôn có một em nhỏ chạy đến nắm tay bà. Khi xe dừng lại, bạn ấy giúp bà đi qua đường.

– Cảm ơn cháu ! – Bà Táp-táp thường nói, rồi vừa đi tiếp vừa gõ gậy trên nền xi măng.

A-lanh là một trong những đứa trẻ giúp đỡ bà nhiều nhất. Em thường gặp bà vào buổi tối, khi đi học về. Khi thấy bà chờ, cậu bé chạy vội đến và cùng bà sang bên kia đường.

– Chào A-lanh ! – Bà nói khi nhận ra tiếng bước chân của cậu.

– Cháu chào bà Táp-táp ! – A-lanh trả lời. – Để cháu giúp bà qua đường. Bà chờ một chút… có xe tới. Rồi… xe qua rồi. Qua được rồi.

Chuyện cứ như thế tiếp diễn hằng ngày. A-lanh rất thích bà Táp-táp vì bà luôn có chuyện vui kể cho cậu nghe.

Một buổi tối tháng mười một, sương mù dày đặc ập xuống, bao trùm toàn thành phố. Khi ra khỏi trường, A-lanh hầu như không nhìn thấy gì xa hơn nửa bước. Thành phố đã trở nên lạ lùng đến nỗi A-lanh không thể tìm được đường về nhà.

– Khủng khiếp quá ! Y như đi giữa đêm tối. – Cậu bé nghĩ thầm. – Mình đang ở đâu đây ? Mình bị lạc rồi sao ?

A-lanh đứng yên một lúc, hi vọng sẽ có người đi qua để cậu hỏi đường. Nhưng không có ai hết. Mọi người đều ở nhà. A-lanh đi tiếp, cố đọc tên đường. Không thể được, sương mù dày quá. Cuối cùng, A-lanh dừng lại. Cậu có cảm giác đang đi xa nhà dần. Đột nhiên cậu nghe thấy tiếng “táp, táp, táp, táp”.

– Chắc là cây gậy của bà Táp-táp ! – A-lanh tự nhủ. – Nhưng làm sao bà có thế ra đường vào thời tiết như thế này? Hi vọng bà không bị lạc đường như mình.

Bà Táp-táp đi ngang qua trước mặt A-lanh. Cậu bé đưa tay ra níu bà lại.

– Bà Táp-táp ơi, có phải bà cũng bị lạc đường không ạ ? – A-lanh hỏi.

– Lạc đường à ! – Bà Táp-táp ngạc nhiên. – Tại sao bà lại bị lạc đường ?

– Hôm nay trời tối quá vì có sương mù. – A-lanh giải thích.

– Cậu bé à, người mù luôn sống trong bóng đêm. – Bà Táp-táp nói. – Có sương mù hay không, đối với bà cũng như nhau thôi. Bà biết đường đi, cũng giống như lúc trời sáng.

– Thật thế hả bà ? – A-lanh ngạc nhiên.

– A-lanh à, ban ngày, cháu không cần đến ai hết, nhưng trong sương mù thì bà tài hơn cháu rồi! – Bà Táp-táp cười, nói tiếp. – Hôm nay, chính bà sẽ giúp cháu. Cháu hãy đi theo bà. Nhà bà ở gần đây thôi. Bà sẽ mời cháu uống tách sữa ca cao nóng, rồi bà sẽ đưa cháu về nhà.

A-lanh bước đi cạnh bà. Bà bước đi không do dự, cùng tiếng gậy gõ xuống mặt đường. Bà quẹo góc đường này rồi quẹo góc đường khác, cuối cùng, dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ. Bà lấy chìa khoá trong túi, mở cửa ra và hai bà cháu bước vào nhà.

Một cô gái chạy ra:

– Cháu rất mừng là bà đã về đến nhà. – Cô nói.

– Bà không sao đâu. – Bà già bảo. – Ma-ri à, cháu hãy pha chút sữa ca cao và lấy ổ bánh trong tủ ra. Hôm nay nhà ta có khách quý. Đó là cậu bé thường hay giúp bà qua đường.

Vài phút sau, bà Táp-táp và A-lanh đã ngồi đối diện nhau, ăn một bữa ăn nhẹ ngon lành. Rồi bà Táp-táp mặc áo khoác vào, đội mũ. Hai bà cháu khoác tay nhau đi tiếp. Sương mù vẫn dày đặc, nhưng không hề gì đối với bà. Bà định hướng trong bóng tối cũng như khi có nắng.

Một lát sau, hai bà cháu đã về đến nhà A-lanh. Mẹ A-lanh reo lên mừng rỡ. Mẹ tưởng A-lanh phải ở lại trường vì sương mù và đang chuẩn bị đi đón cậu. Mẹ cảm ơn bà Táp-táp đã đưa A-lanh về tận nhà.

– Cháu A-lanh thường xuyên giúp đỡ tôi. – Bà già mỉm cười. – Tối nay, đến lượt tôi giúp cháu. Chào A-lanh ! Ngày mai, nếu trời đẹp, cháu sẽ lại giúp bà qua đường nhé!

– Vâng ạ ! – A-lanh đáp. – Cháu sẽ là mắt của bà khi trời đẹp, nhưng bà sẽ chỉ đường cho cháu lúc trời có sương mù !

Sẽ luôn tìm được cách

Cho đến khi 8 tuổi, tôi vẫn nghĩ rằng ngày chủ nhật gọi là “Sunday” bởi vì người ta trải qua ngày đó ngoài trời. Tôi nghĩ vậy vì ngày chủ nhật của tôi luôn ở ngoài vườn với mẹ Nana.

Không bao giờ là quá muộn

Cách đây nhiều năm, khi tham dự khóa học về giao tiếp, tôi đã biết đến một phương pháp giảng dạy khác thường. Giảng viên yêu cầu chúng tôi liệt kê ra tất cả những việc mà chúng tôi vẫn còn thấy hổ thẹn, day dứt, hối tiếc hoặc chưa hoàn tất.

Mỗi ngày là một món quà

Anh rể tôi kéo cái ngăn dưới cùng của chiếc bàn nơi chị tôi vẫn thường ngồi làm việc và lấy ra một cái gói được bọc bằng giấy lụa. Anh xé lớp giấy bên ngoài và cho tôi xem một chiếc quần nhỏ được gói bên trong...

Tiếng đàn cho mẹ

Qua nhiều năm dạy piano, tôi nhận ra rằng trẻ em có nhiều cấp độ năng lực về âm nhạc. Tôi chưa bao giờ hân hanh có được một học trò thần đồng nào cả, dù cũng có một số học sinh thật sự tài năng.

Thế nào là người có văn hoá?

Đưa dao kéo cho người khác, đầu dao đầu kéo hướng về phía mình.

Vết sẹo

Tôi là cô gái xấu và luôn mặc cảm về thiệt thòi này. Nhưng anh đã cho tôi hiểu đẹp và hoàn hảo là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Muối

Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn.

Chú mèo không có miệng

Cuộc sống của người Nhật rất tất bật. Trong thời đại công nghiệp, máy tính và tên lửa, người lớn đi làm, trẻ em đi học, cứ thế hàng ngày, hàng tuần… Họ ít có thời gian để ý đến nhau.

Liều thuốc Hy Vọng

Một buổi sáng, khi đang dùng điểm tâm, tôi vô tình nghe được câu chuyện của hai bác sĩ điều trị bệnh ung thư.