Bí mật của bé Bánh Rán

Lên năm tuổi, thằng Bánh Rán, con tôi, hầu như tuần nào cũng mang về nhà một thương tích mới. Phạt roi hay úp mặt vào tường đều là nước đổ lá khoai.

Cuối cùng, tôi đề nghị thương lượng. Nếu trong một tuần, Bánh Rán không làm điều gì khiến cô mẫu giáo và hàng xóm than phiền, thì tôi sẽ mua cho cu cậu một chiếc ôtô chạy điện.

Trong bảy ngày kế tiếp, vợ chồng tôi hoàn toàn yên ổn. Ở trường mẫu giáo về nhà, cu cậu thường ngồi hí hoáy vẽ. Nếu có đi chơi, thì quần áo Bánh Rán cũng chỉ lấm lem tí chút. Vợ chồng tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn nữa, ngày chủ nhật, khi tôi dẫn Bánh Rán đi mua chiếc ôtô chạy điện mà con từ lâu ao ước, cậu đã từ chối mà khăng khăng chọn chiếc xe đạp ba bánh có rơ – moóc.

Một ngày kia, tôi lén đi theo khi cu cậu đạp xe ra sân chơi gần nhà, Bánh Rán mang theo mấy bức vẽ và một củ khoai luộc. Bánh Rán dừng xe, một cô bé nhỏ xíu, mắt một mí tung tăng chạy đến. Hai đứa nhỏ ngồi đung đưa chân trên ghế đá, chúi mũi xem “tác phẩm hội hoạ” của Bánh Rán. Cô bé bóc khoai, bẻ cho Bánh Rán miếng to, còn mình chỉ nhai nhỏ nhẻ. Bánh Rán vô tư ăn hết phần rồi… thèm thuồng nhìn miệng bạn gái. Mắt một mí chìa luôn miếng khoai cho cậu, còn cô bé ngắm tranh cho no lòng.

Về nhà, tôi không nói gì với vợ. Tôi chẳng muốn cô ấy thêm đau đầu về “mối tình” của Bánh Rán.

Bánh Rán ngày càng ngoan. Cu cậu hăng say học chữ, tập làm toán. Nhưng bánh kẹo và hoa quả trong tủ lạnh thì vơi đi nhanh chóng. Tôi quyết định nói chuyện thẳng thắn với cậu con trai. Và Bánh Rán thành thật kể về Su. Tôi hỏi:

- Con thích bạn Su thật chứ?

Cậu nhóc gật đầu:

- Bạn ấy học cùng lớp Lá. Tụi con cất gối và cốc uống nước gần nhau trong tủ. Buổi trưa, con lấy gối ngủ cho Su. Còn ăn chè thì Su lấy cốc cho con, bố ạ. Việc nhẹ Su làm, việc nặng con làm hết!

Tôi hơi chột dạ, vì ở nhà, mọi việc đều do vợ tôi gánh vác, đi làm về tôi chỉ đọc báo và xem TV mà thôi.

Tôi hỏi tiếp:

- Con thường giành ăn của Su phải không?

Bánh Rán ngoẹo đầu:

- Bạn ấy bị sún nên ghét nhai lắm. Ở lớp, con nhường cho bạn ấy bát canh của con đấy! 

Tôi phì cười:

- Sắp vào lớp 1, hết học chung, con nhớ Su chứ?

Bỗng dưng, đôi mắt Bánh Rán mở to, lo âu:

- Con sẽ cưới bạn Su, bố nhé?

Tôi bàng hoàng, đùa:

- Cưới nhau thì hai vợ chồng đi lại bằng gì? 

- Con có xe đạp ba bánh đấy thôi. Su có thể ngồi sau rơ – moóc ạ.

- Nhưng khi có em bé sẽ vất vả đấy - Tôi nói nghiêm trang.

Bánh Rán suy nghĩ rất lâu rồi cười rạng rỡ:

- Su đẻ trứng, con gửi mẹ cất vào tủ lạnh. Con sẽ đi làm siêng năng. Khi nào có nhiều tiền, Su sẽ ấp quả trứng cho nở ra em bé. Con sẽ chăm sóc Su thật tốt, không để bạn ấy mệt tí nào bố ạ.

Tôi lặng đi, nhìn Bánh Rán. Những ý nghĩ ngây thơ mà cũng thật chững chạc hệt như của một chàng trai trưởng thành, biết yêu thương nên đầy trách nhiệm và lo toan.

Mai này Bánh Rán lớn lên, có lẽ sẽ lấy cô gái mắt một mí nào đó làm vợ. Dù cô gái ấy là ai, tôi cũng tin rằng người được con tôi yêu sẽ hạnh phúc. Bởi vì, một khi biết thương người phụ nữ của mình, người đàn ông sẽ nỗ lực rất nhiều. Tôi học được điều bí mật tuyệt vời ấy chính từ Bánh Rán.

Đơn giản hãy gọi người là Mẹ

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:

Âm nhạc trong đời mẹ tôi

Hồi con gái đầu lòng của tôi chào đời, mẹ đến để giúp đỡ tôi một tuần nhưng rồi mẹ ở lại thêm ba tuần.

Thư gửi bố!

Khi mấy thằng bạn cùng phòng đi chơi hết, con ngồi ở nhà. Con ngồi với bốn bức tường, với chiếc máy vi tính second hand mệt mỏi, với chính sự trống vắng trong lòng của thời mới lớn.

Không thiếu một người nào

Chad là một cậu bé trầm lặng, nhút nhát. Một ngày nọ, sau khi đi học về, cậu nói với mẹ rằng cậu muốn làm thiệp Valentine để tặng tất cả các bạn trong lớp.

Cái bình nứt

Người Ấn Độ thường dùng hai cái bình lớn để gánh nước từ suối trở về nhà. Một trong hai cái bình này bị nứt và khi về đến nhà, nước trong bình đã bị vơi đi một nửa.

Hãy cố gắng khi còn có thể

Cuộc Sống không phải lúc nào cùng mỉm cười với tất cả mọi người nhưng những gì chúng ta chọn lựa ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

Những lá bài xoay ngược cuộc đời

Làm thế nào mà tôi đã thoát khỏi sự bủa vây của quá khứ?

Vai kịch cuối cùng

Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.

Em yêu anh – phẩy (Je t’aime – virgule)

Cần phải tin vào quyền lực của những chữ cái a, b, c, d, e… Vâng, chỉ cần một chữ cái cũng có thể thay đổi cả một số phận. Bằng chứng ư? Chính là câu chuyện sau đây: