Cây chổi yêu tinh

Lâu ngày thành yêu, vật nào cũng thế, không những chỉ có vàng và ngọc… Như trong vườn hoang ở một ấp kia có một tòa miếu cổ xây bằng gạch. Ðằng trước có một cửa nhỏ, chỉ vừa một người ra vào, bên trong chỉ rộng bằng một chiếc chiếu. Trên đặt bái hương và một cây đèn bằng gỗ. Mỗi năm có hai lần người trong ấp đến lễ bái thì mở cửa mà vào, quét miếu thắp hương. Xong việc lại ra, đứng bên ngoài khép cửa lại, còn người dưng thì không ai bước tới.

Trong miếu có một cái chổi rễ kết bằng những mảnh tre nhỏ. Khi vào cúng bái, dùng để quét, quét xong lại dựng trong góc miếu. Tương truyền là chổi rễ ấy dùng đã lâu ngày mà lúc nào cũng vẫn thấy như mới. Người trong ấp thường thấy có ma hiện ra.

Khi ấy có người học trò quẩy tráp đi học, tới ấp thuê nhà ở gần đó để tiện đến nhà thầy nghe giảng. Ở trọ được ba tháng. Bỗng một đêm khuya thấy người con gái đẹp đứng ngoài cửa sổ ném một bài thơ vào:

Thiếp vốn sao trời xuống dưới trần,
Trên cùng Cơ Vĩ vốn cùng thân. (Hai câu này nói bóng là hình cây chổi)
Thường đem quét tước trần ai sạch,
Muốn kết ái ân Chu với Trần.

Người học trò nhặt bài thơ xem, ngồi im lặng hồi lâu.

Người con gái nhìn vào cửa sổ cười rằng:

– Thế gọi là “văn cùng” đó.

Người học trò thấy cô gái có nhan sắc đẹp, cùng nhau ngâm họa rồi lân la gần gũi. Ðến gà gáy, ả vội đứng dậy từ biệt. Người học trò muốn giữ lại, ả nói:

– Thiếp là con gái quan nội triều (chữ triều ở trong là chữ miếu) ở trong ấp này, ở không đã lâu, nhưng tính cha mẹ nghiêm ngặt, quanh năm không cho ra khỏi cửa, người trong ấp chưa ai trông thấy mặt. Vì thế, thiếp chưa có gia thất. Hôm qua, ngẫu nhiên nhìn qua khe cửa, thấy chàng đi qua. Ðã ưa người đẹp, lại mến tài cao. Cho nên chui lối ngạch đi ra, quên cả hổ thẹn. Nếu mải vui, có người biết được, thì không những mang tiếng chê bai, suốt đời không ai dám hỏi nữa, mà lại còn điếm nhục cả đến gia thanh, để lo buồn cho cha mẹ, đến phải tự tử mà chết mất. Nếu chàng có lòng yêu thiếp phải nói dối kẻ trên để lén lúc đợi đêm tối sẽ đến, dần dần ta sẽ kết duyên giai lão, như thế có hơn không? Giữ thiếp ở lại làm gì? Nhưng điều này nên giữ kín, nhất thiết không nên nói chuyện này với ai.

Nàng nói xong thì vội vàng ra đi.

Người học trò từ đó học hành chểnh mảng. Ngày thì ngủ say, đêm thì vui đùa với con yêu nữ. Ðã hơn một tháng, thầy không thấy anh ta đến học, sai người đến nhà trọ hỏi duyên cớ và bảo anh ta đến gặp thầy. Người học trò thấy thầy gọi, liền đi theo người đến.

Thoạt trông thấy anh, thầy giật mình hỏi rằng:

– Mới qua một tin hoa nở mà nhan sắc xanh xao, tinh thần sút kém đến như vậy. Ngươi mắc bệnh gì thế?

– Thưa, con không bệnh gì.

Thầy nói:

– Không bệnh gì mà hình dung thế kia à? Ðúng là bị gái hư nào làm mê hoặc rồi. Nếu không, can chi vóc người sút hẳn đi như thế?

Người học trò trước còn giấu diếm, sau bị thầy hỏi vặn đến cùng bấy giờ anh mới nói rõ đầu đuôi câu chuyện.

Thầy nghĩ hồi lâu nói:

– Bên nhà ngươi trọ, có cây cổ thụ không? Có đầm sâu hay là có miếu cổ nào không?

Người học trò nói:

– Trong vườn hoang có ngôi miếu cổ, không biết làm từ đời nào. Cảnh miếu vắng vẻ, cách nhà con trọ độ năm trăm thước, hàng ngày con đi học thường phải qua đó.

Thầy nói:

– Ðứa con gái ấy tất là con yêu trong ngôi miếu cổ. Ngươi không nói sớm, chỉ ba tháng nữa là chết.

Anh ta sợ quá, lạy phục trước giường xin thầy bảo cho phép trừ yêu.

Thầy nói:

– Xem lời lẽ bài thơ, trong lúc vội vàng, chưa có thể đoán được tà yêu. Hãy để xét nghiệm dần dần xem nó là yêu gì mới có thể trừ được. Nói xong thầy lấy một cái khăn vuông lụa đỏ đốt hương thư phù vào mặt khăn, rồi đưa cho anh học trò và dặn rằng:

– Nó đã là yêu thì những câu gì ta nói với ngươi, tất nhiên nó cũng biết. Ðêm nay con yêu đến, nếu nó có hỏi đi hỏi lại, phải kiên quyết nói là không. Nếu nói lộ ra thì kế ta không thể thi hành được, nhà ngươi tất phải chết. Nên làm thơ tự tình gấp hai mọi ngày. Ðợi khi gà gái con yêu sắp dập từ biệt, cầm khăn hồng này tặng nó và nói: “Tình nương, tình nương của ta, có yêu hàn nho không? Có định cùng ta kết làm vợ chồng không? Chúng ta nguyền ước ba sinh, há lại không có một vật gì làm tin ư? Vuông khăn hồng này, khi ta mới sinh, có một ông quan trông ấp mừng cho. Cha mẹ lấy làm quý báu cất kỹ để dành. Nay ta đem tặng này, xin đừng khinh thường. Nàng nên buộc nó vào dây lưng, như vậy thì suốt ngày, như có ta ở bên cạnh. Ðợi khi thành hôn, ta với nàng lau chung với nhau, có sung sướng hơn không?”. Bảo nó như vậy, nếu con yêu nhận lấy chiếc khăn là phúc cho nhà ngươi.

Anh học trò bỏ khăn vào túi áo, lạy hai lạy rồi ra về.

Ðêm hôm ấy con yêu vừa đến đã hỏi ngay rằng:

– Lang quân! Lang quân! Hôm nay đi đâu thế?

Anh học trò trả lời:

– Không!

Con yêu nói:

– Thiếp ở trong cửa thấy lang quân đi qua. Thiếp đi theo sau đến chỗ cổng nhà thầy, thiếp muốn theo vào, nhưng thấy khí văn bốc lên cao vút, lởm chởm trông rất sợ. Thiếp đứng nấp ngoài cổng để đợi lang quân. Một lát lang quân ra, thiếp lại theo về. Sao lại nói là không đi đâu? Hay là đã có đám nào đấy chăng? Có lẽ đúng. Ngạn ngữ có câu:

“Vợ chồng mới cưới nói ba phần thật,
Chưa thể bày ra cả tấm lòng”.

Câu nói ấy đúng tâm lý lang quân lắm đấy!

Anh học trò nói:

– Cũng là ngày đi học đấy thôi!

Con yêu im lặng, rồi lại vui cười như trước.

Ðến lúc từ biệt, anh ta theo lời thầy, đưa tặng khăn hồng và nói rất thiết tha. Con yêu nhìn khăn hai ba lần, xem mặt trên rồi mặt dưới, tựa hồ có ý sợ hãi, nghĩ ngợi rồi thở dài, nói rằng:

– Ai đưa vật này cho chàng? Ðây là một vật làm cho vợ chồng ta lìa nhau. Không thế thì sao bây giờ mới có, trước kia lại không?

Anh học trò nói thác cớ là cha mẹ vừa mới gửi đến. “Thương nàng, yêu nàng, ta không tặng nàng, thì tặng ai? Ðã khăng khít với nhau như liền khúc ruột, sao nỡ đem lòng ngờ vực như thế?”. Anh ta giả đò giận. Con yêu mới lấy khăn rồi ra về.

Sáng hôm sau thầy đến hỏi chuyện, biết là con yêu mang khăn về rồi, liền bảo anh đi xét trong miếu cổ. Quả nhiên thấy vuông khăn hồng vắt trên cái chổi rễ bằng tre. Thầy trỏ vào cái chổi nói rằng:

– Ðúng là cái chổi này thành yêu.

Thầy bảo đem chổi về đốt, thì nghe trong ngọn lửa có tiếng kêu khóc. Từ đó con yêu chổi không còn đến quấy rầy anh học trò nữa.

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Thạch Sanh - Lý Thông

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Người cưới ma

Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó, phải bỏ đi các nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau anh được một phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi đi học xa...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...