Một lần vua và quan cận thần đóng giả thường dân để đi xem tình hình dân sống ra sao. Họ đi qua một cánh đồng và bỗng họ thấy từ xa trên một quả đồi một ông lão râu dài khoác một chiếc áo choàng đang ngồi viết cái gì đó lên giấy xong lại ném chúng đi ngay. Nhà vua nhận ra đó là một thầy tu đạo Hồi liền bảo quan cận thần:
- Chúng ta hãy đến xem ông già làm gì.
Hai người tiến đến gần ông lão. Nhà vua hỏi:
- Ông viết gì trong đó? Tại sao ông lại vứt chúng đi?
Thầy tu trả lời:
- Thưa đức vua, tôi ngồi đây viết rồi lại ném đi. Tờ đầu tiên tôi viết là hỏi nhà vua và người cùng đi là ai và ngay tức khắc tôi biết rằng người đó chính là vua còn ông đây là quan cận thần của Người. Tờ thứ hai tôi viết rằng cô con gái của Người vừa mới sinh vào tuần trước cùng thời gian đó cũng có một cậu bé được sinh ra trong một gia đình nghèo ở gần thành phố. Con gái Người là để dành cho cậu bé. Cậu ta sẽ trở thành phò mã, thưa đức vua.
Nhà vua hỏi lại:
- Một phò mã được sinh cùng với con gái ta?
Sau đó vua hỏi địa chỉ của gia đình cậu bé để xem lời thầy tu nói có đúng không. Theo đứa chỉ, họ tìm thấy một ngôi nhà tồi tàn có tiếng trẻ đang khóc. Một người phụ nữ nghèo khổ ra mở cửa. Quan cận thần nói:
- Chào chị, chúng tôi rất khát và mệt vì đã đi bộ sau một chặng đường dài. Chúng tôi muốn dừng chân một lát. Chị vui lòng cho chúng tôi xin ít nước được không?
Vừa nói họ vừa liếc nhìn quanh nhà và thấy một đứa bé đang nằm trong ổ rơm. Nhà vua hỏi:
- Đứa bé của chị bao nhiêu tháng tuổi rồi?
Người phụ nữ trả lời:
- Cháu được một tuần rồi, thưa ông. Tôi không đủ tã lót quần áo ủ ấm cho nó nên phải đặt nó vào ổ rơm.
Người phụ nữ rót nước ở bình cho khách rồi chị kể với họ về những khó khăn của chị và xin họ thứ lỗi vì không có gì mời họ ăn.
Nhà vua và quan cận thần hết sức kinh ngạc khi nghĩ rằng chồng của con gái đức vua lại có thể sinh ra từ một ngôi nhà như thế này. Họ đều nghĩ: “Không thể thế được! Đứa trẻ này không thể nào lại là chồng của công chúa được!”. Sau đó họ thuyết phục người mẹ hãy bán đứa trẻ cho họ. Nhưng người mẹ từ chối:
- Làm sao mà tôi lại có thể bán con của tôi cơ chứ! Nó là cuộc sống của tôi. Tôi vui buồn, đau khổ vì nó.
Mặc dù vậy vua và quan cận thần nói với chị ta rằng họ sẽ biếu chị một khoản tiền lớn. Chị có thể sống hạnh phúc và sung sướng với một khoản tiền như vậy Nếu không cả hai mẹ con có thể bị chết đói. Còn nếu bán đứa con thì sau này chị vẫn còn con và tất nhiên họ hứa sẽ cho con chị một cuộc sống đầy đủ sung sướng.
Cuối cùng người mẹ đành đồng ý. Hai người khách đưa tiền cho người mẹ rồi bế đứa bé ra khỏi nhà. Trên đường đi họ nhìn thấy cái cối xay bột, nhà vua ra lệnh cho quan cận thần ném đứa bé vào đó. Viên quan bế đứa trẻ đến gần cối xay và bỏ vào trong rồi quay ra ngay. Nhưng tã lót quấn trên người đứa bé mắc vào một cái chốt trong cối xay nên nó không bị bánh xe nghiền nát.
Khi cối xay dừng, người thợ xay đi đến và hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy một đứa trẻ ở trong. Bác cảm động thốt lên: “Mình sẽ đem đứa trẻ về nuôi, nó sẽ giúp đỡ mình lúc tuổi già. Ôi! Đây là món quà của Thượng đế chăng?”
Nhiều năm trôi qua, một hôm vua và quan cận thần bỗng nhớ tới đứa trẻ mà ông thầy tu đã nói. Nhà vua hỏi viên quan với nụ cười đắc thắng:
- Khanh nghĩ sao về đứa trẻ ấy?
-Thưa đức vua, có thể nó vẫn còn sống, thần có linh cảm như vậy.
Nhà vua kinh ngạc thốt lên:
- Thật vô lí! Khanh vừa nói gì vậy? Chính tay khanh đã ném đứa trẻ vào trong cối rồi cơ mà?
- Vâng, thưa đức vua, nhưng thần có linh cảm như vậy mong đức vua xá tội.
Sau đó họ quyết định đến chỗ cái cối xay xem sao. Khi họ đến nơi thì lạ lùng biết bao, bên cạnh người thợ xay có một thiếu niên đang ngồi. Họ hỏi người thợ xay:
- Cậu thiếu niên này là thế nào với bác?
- Đó là con trai tôi.
Họ dẫn bác ta đi và căn vặn bác cho tới khi bác thợ xay tiết lộ toàn bộ sự thật:
- Một lần cái cối xay của tôi bị mắc không quay được nữa. Tôi đến và nhìn thấy một đứa trẻ đang ở trong cối. Tã lót của nó mắc vào chốt nên giữ nó không bị rơi xuống bánh xe. Tôi đem nó về và xem nó như là con trai của mình vì tôi già mà không có con.
Hai người “khách” bắt đầu thuyết phục bác thợ xay bán cậu ta cho họ: họ sẽ trả bác thật nhiều tiền. Thuyết phục mãi rồi bác thợ xay cũng đồng ý, họ rời khỏi nhà bác thợ xay mang theo cậu thiếu niên nọ. Nhà vua nói với viên quan:
- Lần này chính tay ta sẽ giết nó. Ta không trao nhiệm vụ này cho khanh nữa.
Đến một đoạn đường nhỏ vắng vẻ không có người qua lại, nhà vua rút thanh kiếm đâm cậu bé.
Vừa đâm vừa chém cho đến khi người cậu bé nát ra từng mảng. Viên quan kêu lên:
- Thôi đủ rồi! Đủ rồi! Thưa đức vua, Người không để lại một cái xương nào lành lặn trên thân thể cậu bé mất.
Họ để cậu bé nằm ở đó rồi quay về cung điện.
Ông bác sĩ trong thành phố được mời chữa bệnh cho gia đình nọ. Ông phải có mặt ngay tối hôm đó. Bác sĩ vội vã cùng ngựa lên đường. Khi tới ngã ba, con ngựa của ông dừng lại và nhất định không chịu đi tiếp theo con đường quen thuộc. Ông bực mình đánh cho nó mấy roi nhưng nó vẫn cứ đứng ì ra như dính chặt chân xuống đất. Cuối cùng ông bác sĩ băn khoăn: “Không biết có điều gì vậy nhỉ? Hay là cứ để nó đi theo hướng nó muốn?”. Ông nới lỏng dây cương, con ngựa rẽ ngay vào con đường nhỏ hẹp. Và thật kinh hoàng khi bác sĩ nhìn thấy thân thể nát nhừ của một cậu bé nằm trên đường.
Bác sĩ xuống ngựa đến bên cậu bé xem xét để tìm dấu hiệu của sự sống. Sau khi khám, ông nhận thấy các vết đâm chém vẫn chưa chạm vào tim. Ông liền dồn hết tâm trí để cứu chữa cho cậu bé, quên bẵng người bệnh mà ông được mời đến chữa. Miệt mài làm việc trong một thời gian dài, cuối cùng ông đã thành công, đem lại hơi thở mỏng manh cho cậu bé. Sau đó ông nhẹ nhàng đặt cậu lên một tấm ván rồi đưa đến bệnh viện.
Thời gian qua đi, cậu thiếu niên hồi phục dần rồi khỏe hẳn. Cậu trở thành người giúp việc cho bác sĩ và sống bên ông như một cậu con trai.
Ngày tháng qua đi, năm tháng qua đi, một hôm vua và cận thần nhớ đến đứa trẻ theo lời nguyền của thầy tu nọ. Với nụ cười mãn nguyện, vua nói với quan cận thần:
- Khanh nghĩ gì về đứa trẻ đó? Khanh có còn dám nói với ta rằng nó còn sống không?
- Thưa đức vua, thần không biết, nhưng thần không dám chắc nó đã chết hẳn.
Họ lại quyết định đi đến con đường nhỏ vắng vẻ nọ. Trước khi đến thành phố, họ đi bộ để ngắm cảnh vật xung quanh. Qua một nơi họ bỗng thấy một đám đông tụ tập trước một ngôi nhà. Họ liền hỏi người qua đường:
- Có cái gì mà họ tụ tập đông thế?
Mọi người trả lời:
- À, có một ông bác sĩ giỏi tuyệt vời sống trong ngôi nhà đó. Mọi người xa gần đều đến để nhờ ông chữa bệnh cho.
Nhà vua và viên quan lách đám đông vào ngôi nhà để xem thì Chúa ơi! Họ đã nhìn thấy một thanh niên đang phát số cho bệnh nhân ngồi chờ, người đó trông rất giống cậu con trai người thợ xay dạo nọ. Họ không còn tin vào mắt mình nữa. Sau đó ngắm kĩ mặt và người anh ta, họ ăn chắc rằng đó chính là cậu thiếu niên hồi nào chứ không phải ai khác. Vua và viên quan đi gặp ông bác sĩ, nói chuyện với ông ta. Sau cuộc nói chuyện họ biết chắc rằng anh thanh niên này chính là đứa trẻ mà quan cận thần đã vứt vào cối xay, chính là cậu thiếu niên mà nhà vua đã đâm và tưởng chết ngày nào. Khi đã biết rõ, họ lại thuyết phục ông bác sĩ bán chàng thanh niên cho họ. Họ sẽ trả ông một món tiền rất hời. Họ nói mãi ông bác sĩ cũng đồng ý. Sau đó nhà vua sai cậu thanh niên đem một lá thư đến cho quan tể tướng. Bức thư đó chính tay vua viết, nội dung ghi “Hãy giết cậu thanh niên này ngay lập tức khi cậu ta đến nơi!”.
Cậu thanh niên cầm lá thư, lên ngựa, tới kinh đô. Tới kinh đô thì cổng thành đã đóng. Anh ta chẳng biết làm gì trong lúc bụng đói, miệng khát khô và mệt lử. Anh ta bèn buộc ngựa lại, đặt lá thư dưới đầu và nằm cạnh tường thành ngủ một giấc.
Cũng đêm đó công chúa không ngủ được. Cô đi dạo quanh phòng, nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài. Nhìn từ ban công xuống đường, cô bỗng thấy chàng trai đang nằm cạnh bức tường thành. Ánh trăng soi rõ mặt anh ta. Anh ta mới đẹp trai làm sao! Công chúa băn khoăn: “Anh ta làm gì ở đó nhỉ? Tại sao anh ta lại nằm đó?”. Bỗng nhiên công chúa phát hiện ra bức thư đặt dưới đầu anh ta. Công chúa bèn gọi những người hầu của mình lại và bảo họ:
- Hãy trèo xuống dưới đất, tới gần chàng trai đang ngủ kia, lấy bức thư dưới đầu anh ta và không được đánh thức anh ta dậy. Nếu ai trong các ngươi làm được việc này ta sẽ trả tự do cho người đó.
Ngay lập tức một cô hầu xung phong. Cô ta trèo xuống đất, lấy bức thư dưới đầu chàng trai mang về cho công chúa.
Công chúa đọc lá thư và hết sức ngạc nhiên về quyết định của cha mình. Cô thầm nghĩ: “Cha mới ngốc nghếch làm sao! Một chàng trai khỏe mạnh khôi ngô đến vậy! Chẳng lẽ ta ngồi chờ anh ta bị giết!”. Ngay lập tức công chúa giấu bức thư đó đi và nàng viết một
bức thư khác với nội dung: “Hãy tổ chức lễ cưới cho người cầm bức thư này với con gái ta ngay khi anh ta tới”. Cô giả chữ kí của cha và niêm phong bức thư lại, đóng triện của vua rồi lệnh cho một người hầu đem trả lại bức thư dưới đầu chàng thanh niên.
Sáng sớm hôm sau, cổng thành vừa mở, chàng trai vui vẻ bước vào. Anh được đón tiếp rất chu đáo. Những người phục vụ trong thành phố nô nức chuẩn bị đám cưới linh đình, phù hợp với ngôi vị của một công chúa, con gái của đức vua.
Suốt ba năm tiếp đó, nhà vua phải đi chiến trận không về thăm thành phố được. Vợ chồng công chúa đã sinh được ba đứa trẻ.
Cuối cùng chiến tranh kết thúc. Một tin mới bay về từ thành phố. Nhà vua sẽ trở về trong chiến thắng khải hoàn. Công chúa quyết định tổ chức một cuộc đón tiếp trọng thể. Đầu tiên là một cuộc diễu hành và dĩ nhiên đi đầu đoàn diễu hành là phò mã và cháu của đức vua. Khi vua và đoàn tùy tùng đến gần thành phố, vua ra lệnh cho quan cận thần nhìn qua ống nhòm xem có thấy dân thành phố ra chào đón ông không. Viên quan thi hành lệnh rồi trả lời:
- Tôi nhìn thấy một đám đông nhưng hình như không phải người của ta!
Một lát sau viên quan đó lại nói tiếp:
- Đúng, có một đoàn diễu hành!
Tới gần hơn họ nhìn thấy đi đầu là ba đứa trẻ được người lớn công kênh trên vai. Một đứa một tuổi, đứa thứ hai hai tuổi, và đứa thứ ba ba tuổi. Vua và viên quan thắc mắc: “Những đứa trẻ này là ai thế nhỉ? Tại sao chúng lại dẫn đầu cuộc diễu hành?”. Khi hai đoàn người giáp mặt, nhà vua nhìn thấy con gái mình nói với một chàng trai:
- Hãy ôm hôn cha vợ của anh đi.
Rồi cô quay sang các con:
- Các con nữa, hãy ôm hôn ông ngoại của các con đi.
Quan tể tướng, người được vua trao sứ mạng quan trọng kể lại lá thư mà ông nhận được. Nhà vua lo lắng quát viên quan tể tướng:
- Thư nào? Ngươi nói về lá thư nào thế?
Ông tránh những câu hỏi của con gái. Công chúa kể lại cho vua nghe mọi điều xảy ra và những điều nàng đã làm. Sau đó nhà vua nói với quan cận thần:
- Bây giờ ta mới hiểu rằng mọi việc ta đã làm đối với cậu bé là vô lí. Số phận của con gái ta Chúa đã an bài.
Nhà vua ôm hôn con gái và sau đó truyền ngôi báu cho phò mã.