Ngày xưa có anh nhà giàu, tính hà tiện, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chỉ khư khư tích của làm giàu. Có người bạn rủ ra tỉnh[1] chơi, anh nấn ná không đi vì sợ, đi với bạn phải đãi bạn. Bị người ta chê cười mãi, một hôm, anh vào buồng giắt một quan tiền[2] vào lưng, rồi sai một người ở cùng đi lên tỉnh.
Đến tỉnh, anh trông thấy cái gì cũng muốn mua, nhưng sợ mất tiền rồi lại thôi. Trời nắng như thiêu, anh muốn vào quan uống nươc, nhưng sợ phải trả tiền cho người nhà, đành đi qua.
Đến chiều trở về, khi qua đò, đến giữa dòng, anh khát quá không chịu được mới cúi xuống uống nước chẳng may lộn cổ xuống sông.
Anh người nhà vội kêu to lên:
– Ai cứu chủ tôi, xin thưởng một quan tiền!
Anh keo kiệt đương loay hoay giữa dòng, nghe tiếng, cố ngoi lên nói:
– Một quan đắt lắm!
Anh người nhà vội chữa lại:
– Thôi thì năm tiền vậy!
Anh keo kiệt lại cố ngoi lên một lần nữa và chỉ kịp nói: “Năm tiền còn đắt quá…!”[3] rồi chìm nghỉm.
Chú giải
[1] Ra tỉnh, lên tỉnh: tức là ra tỉnh lị, lên tỉnh lị, nay gọi là thị xã.
[2] Giắt một quan tiền: thời xưa tiều xâu lại thành chuỗi, cứ mười đồng là một tiền, trăm đồng là một quan (một quan có mười tiền).
[3] Truyện này cũng có nơi kể với một vài chi tiết khác, thí dụ chi tiết “Anh keo kiệt ra tỉnh với người bạn” hay ở đoạn cuối: "Năm tiền hôi, một quan phí lắm”. Truyện trên đây soạn lại dựa theo các tài liệu của Đỗ Thận và Nguyễn Hồng Phong.