Đôi ủng cao su và nhưng chiếc kem

Khi còn nhỏ, tôi rất thích ăn kem. Tất nhiên, kem là thứ mà đến bây giờ tôi vẫn thích ăn. Nhưng hồi ấy, tôi thích ăn kem một cách lạ lùng.

Chẳng hạn, khi trông thấy ông hàng kem đẩy chiếc xe đi bán rong ngoài phố, đầu óc tôi lập tức quay cuồng cả lên, và tôi chỉ mong làm sao được ăn ngay lập tức thứ kem mà ông ấy bán.

***

Chị Liôla cũng nghiện kem chẳng kém gì tôi. Hai chị em tôi thường mơ ước rằng, bao giờ trở thành người lớn, mỗi ngày chúng tôi sẽ ăn kem, nếu như không phải là bốn lần, thì chí ít cũng phải ba lần. Thế nhưng hồi đó, chúng tôi lại hiếm khi được ăn kem. Mẹ chẳng cho chúng tôi ăn. Mẹ lo chúng tôi bị viêm họng và cảm lạnh. Vì lí do đó, mẹ ít khi cho chúng tôi tiền để mua kem.

Và thế rồi có một lần, tôi và chị Liôla dạo chơi ở trong vườn. Chị Liôla nhặt được một chiếc ủng cao su ở trong bụi cây. Đó là một chiếc ủng cao su đã qua sử dụng và rất cũ. Chắc là ai đó ném đi vì nó quá cũ và đã rách.

Chị Liôla tìm thấy chiếc ủng và nghịch ngợm xâu nó vào đầu chiếc gậy. Chị ấy vác nó rong chơi khắp vườn, vừa đi vừa vung vẩy chiếc gậy trên đầu.

Chợt có một ông đồng nát đi ngang qua phố. Vừa đi ông vừa rao to: “Ai giẻ rách, chai lọ bán không?” Trông thấy chị Liôla, ông ta liền hỏi:

– Này cháu bé, có bán chiếc ủng không?

Tưởng ông ta nói đùa, chị Liôla bèn trả lời:

– Cháu có bán chứ. Chiếc ủng này giá đúng một trăm rúp.

Ông đồng nát bật cười và nói:

– Một trăm rúp thì đắt quá cô bé ạ. Nếu cháu muốn thì bác có thể trả cháu hai kôpếch, và chúng ta sẽ chia tay nhau như những người bạn.

Nói xong, ông đồng nát thò tay vào túi, móc ví lấy ra đồng hai kôpếch trao cho chị Liôla, nhét chiếc ủng rách của chúng tôi vào bao tải rồi đi tiếp. Tôi và chị Liôla hiểu ra rằng đây không phải trò chơi, mà là chuyện mua bán thật sự.

Ông đồng nát đi đã lâu mà chúng tôi vẫn còn đứng ngẩn người ngắm đồng xu của mình.

Vừa lúc đó, ông bán kem đi ngang qua và cất tiếng rao to:

– Ai mua kem dâu không?

Chúng tôi chạy vội ra, mua hai que kem thứ một xu, trong nháy mắt đã ngốn ngấu hết và bắt đầu lấy làm tiếc là đã bán chiếc ủng rẻ quá.

Đến hôm sau, chị Liôla bảo tôi:

– Minca này, hôm nay chị định sẽ bán cho ông đồng nát một chiếc ủng cao su nữa đấy.

Tôi mừng rỡ hỏi:

– Chị Liôla, chị lại tìm thấy một chiếc ủng trong bụi nữa đấy à?

Chị Liôla nói:
– Trong bụi làm gì còn chiếc ủng nào nữa đâu. Nhưng ở tiền sảnh nhà ta, chị thấy có nhiều ủng lắm, chí ít cũng phải đến mười lăm chiếc. Nếu chúng ta bán đi một chiếc, thì chắc là cũng chẳng làm sao đâu.

Nói xong, chị Liôla chạy vào nhà và mang ra một chiếc ủng loại tốt và hãy còn khá mới. Chị Liôla bảo tôi:

– Nếu như hôm qua ông đồng nát mua chiếc ủng rách với giá hai kôpếch, thì lần này, chắc ông ta sẽ trả cho chiếc ủng hầu như còn mới này ít nhất là một rúp. Với số tiền đó, chúng ta sẽ mua được khối kem!

Chúng tôi chờ ông đồng nát cả tiếng đồng hồ. Đến khi ông ấy xuất hiện, chị Liôla bảo tôi:

– Minca, hôm nay đến lượt em bán ủng nhé. Em là đàn ông, cho nên em phải nói chuyện với ông đồng nát. Chứ không thì ông ấy lại trả cho chị hai kôpếch như hôm qua. Mà đối với chị em mình, bấy nhiêu tiền là quá ít.

Tôi xỏ chiếc ủng vào gậy và vung vẩy nó trên đầu. Ông đồng nát lại gần vườn nhà tôi và hỏi:

– Thế nào, lại bán ủng đấy à?

Tôi lí nhí nói không ra hơi:

– Vâng ạ.

– Chà, thật đáng tiếc là các cháu chỉ bán có mỗi chiếc ủng. Bác chỉ có thể giả chiếc ủng này năm kôpếch thôi. Giá như các cháu bán cho bác hai chiếc ủng thì bác có thể giả đến hai mươi, thậm chí ba mươi kôpếch ấy chứ. Vì ủng có đôi thì người ta mới cần. Ủng cả đôi thì giá mới cao các cháu ạ.

Chị Liôla vội bảo:

– Minka, em chạy ngay vào nhà lấy thêm một chiếc ủng nữa ra đây.

Tôi vội chạy vào nhà và chỉ một nhoáng sau đã mang ra một chiếc ủng cỡ đại.

Ông đồng nát đặt hai chiếc ủng cạnh nhau và thở dài buồn bã nói:

– Cái trò bán chác của các cháu làm bác thất vọng quá. Một chiếc là ủng nữ, chiếc kia là ủng nam. Cứ thử nghĩ mà xem, bác biết làm gì với hai chiếc ủng này? Bác định giả cho một chiếc ủng năm kôpếch, thế nhưng đặt hai chiếc ủng này cạnh nhau, lại thấy hỏng quá. Thôi, các cháu nhận bốn kôpếch nhá, và chúng ta chia tay nhau như những người bạn.

Chị Liôla định vào nhà lấy thêm một chiếc ủng nữa, nhưng vừa lúc đó có tiếng mẹ gọi. Mấy người khách của mẹ chuẩn bị ra về, nên mẹ gọi chúng tôi vào để chào tạm biệt. Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông đồng nát liền nói:

– Nhẽ ra bác định trả cho các cháu bốn kôpếch, nhưng bây giờ phải trừ đi một đồng, vì bác đã phí thì giờ nói chuyện với trẻ con.

Ông đồng nát đưa cho Liôla ba đồng tiền xu, loại một kôpếch, giấu mấy chiếc ủng vào túi và đi mất.

Tôi và chị Liôla lập tức chạy về nhà để chia tay với mấy người bạn của mẹ: cô Ôlia và chú Kôlia đang mặc áo khoác ngoài ở tiền sảnh.

Chợt cô Ôlia kêu lên:

– Lạ nhỉ, một chiếc ủng của tôi thì ở đây, dưới cái móc áo này, còn một chiếc nữa thì đi đằng nào rồi?

Tôi và chị Liôla tái mặt. Cả hai chị em đứng im, không dám động đậy. Cô Ôlia nói:

– Tôi nhớ rõ ràng là tôi đã đến đây bằng cả hai chiếc ủng, vậy mà bây giờ chiếc thứ hai biến đi đâu nhỉ?

Chú Kôlia cũng tìm ủng của mình và nói:

– Trò quái quỷ gì thế này nhỉ? Tôi cũng nhớ là mình đã đi cả đôi ủng đến đây, vậy mà bây giờ chỉ còn một chiếc, chiếc kia biến mất đi đằng nào nhỉ?

Nghe nói vậy, chị Liôla sợ quá, đến nỗi bàn tay đang nắm chặt bỗng duỗi ra, mấy đồng xu leng keng rơi xuống đất.

Bố tôi lúc ấy cũng ra tiễn khách, trông thấy thế liền hỏi:

– Liôla, con lấy tiền đâu ra vậy?

Chị Liôla bắt đầu bịa chuyện để nói dối, nhưng bố bảo:

– Không có gì tồi tệ hơn là nói dối.

Chị Liôla liền òa khóc. Tôi cũng òa khóc theo. Và chúng tôi cùng nói:

– Chúng con bán hai chiếc ủng cho ông đồng nát, lấy tiền để mua kem.

Nghe thấy rằng chiếc ủng của mình đã bị bán mất, cô Ôlia tái mặt và sững cả người. Chú Kôlia cũng sững người và đưa hai tay ôm ngực. Nhưng bố đã bảo họ:

– Cô chú đừng lo, tôi biết cách làm thế nào để cô chú có ủng đi. Tôi sẽ lấy tất cả đồ chơi của Liôla và Minca bán cho đồng nát, và lấy tiền đó mua hai đôi ủng khác.

Nghe lời phán xét đó, hai chị em tôi khóc inh lên. Bố lại nói tiếp:

– Nhưng điều đó chưa phải đã hết. Trong hai năm liền, bố cấm Liôla và Minca không được ăn kem. Sau hai năm, hai đứa được quyền ăn kem, nhưng mỗi lần ăn, phải nhớ sự kiện đáng buồn hôm nay, và hai đứa phải suy nghĩ xem có xứng đáng được ăn món đồ ngọt đó không.

Ngay ngày hôm đó, bố cho gọi đồng nát đến bán tất cả đồ chơi của chúng tôi, và dùng số tiền đó để mua ủng cho cô Ôlia và chú Kôlia.

Các cháu nhỏ yêu quý, từ bấy đến nay, rất nhiều năm tháng đã trôi qua. Hai năm đầu, quả thực tôi và chị Liôla không được ăn một que kem nào. Sau đó, mỗi lần ăn kem, vô tình chúng tôi cứ nhớ đến chuyện đã xảy ra.

Các cháu ạ, ngay cả bây giờ, khi tôi đã trở thành người lớn, thậm chí cũng đã hơi già, mỗi khi ăn kem, tôi vẫn cảm thấy như thể có một cái gì đó vương vướng trong cổ và cảm thấy khó xử. Và mỗi lần ăn kem, theo thói quen từ nhỏ, tôi lại tự hỏi: “Mình có xứng đáng được ăn kem hay không? Mình có nói dối hoặc làm điều gì có hại cho người khác không?”

Ngày nay, các cháu nhỏ yêu quý ạ, người ta ăn kem rất nhiều, vì ở nước ta có những nhà máy làm kem rất lớn. Hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người ăn kem. Các cháu nhỏ yêu quý, tôi chỉ muốn rằng, giá mà mỗi khi ăn kem, tất cả mọi người đều nghĩ về điều mà tôi vẫn thường nghĩ đến, mỗi khi được ăn kem.

Những cảm xúc bạn sẽ gặp trong đời

Người ta kể rằng, một ngày kia, tất cả các cảm xúc và tính cách cùng tụ họp trên Trái Đất...

Bí quyết

Tôi lấy chồng đã gần 40 năm. Tuổi tác làm cho Scott đẫy đà hơn. Từng là vận động viên marathon, giờ anh ấy chỉ có thể chậm rãi đi trong hành lang bệnh viện...

Vở “kịch câm” và chai nước

Chiều. Chạy xe rảo quanh trung tâm thành phố, tôi dừng lại bên khoảng công viên nhỏ đối diện cổng chính nhà thờ Đức Bà, mua trái dừa tươi, chầm chậm tận hưởng vị ngọt của nó và ngắm nhìn thành phố giờ tan tầm.

Bức thư gửi cuộc sống

Một buổi chiều thầy hiệu trưởng trường học của con trai tôi điện thoại nói rằng ông có chuyện quan trọng muốn trao đổi và hỏi xem liệu ông có thể ghé qua thăm tôi được không...

Ngọn nến hy vọng

Có một người rất nghèo, chuyên làm nến và bán nến. Tuy nhiên chẳng mấy ai mua nến cả.

Bữa điểm tâm bằng hồ dán

Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng tháng chạp lành lạnh, tôi dậy thật sớm, lúc mặt trời vừa ửng lên, khoác áo ấm, giày vở đủ bộ rồi leo hàng rào sang nhà Minh mập...

Cách nhìn

Ôi, những đôi chân! Mọi khi chúng ta vân chạy nhảy, trượt tuyết, leo núi và bơi lội mà chẳng mảy may nghĩ suy gì đến chúng...

Giá trị của một hòn đá

Có một học trò thường hay hỏi thầy mình rằng:

Bí mật của bé Bánh Rán

Lên năm tuổi, thằng Bánh Rán, con tôi, hầu như tuần nào cũng mang về nhà một thương tích mới. Phạt roi hay úp mặt vào tường đều là nước đổ lá khoai.