Gửi đến ba…!

Ai cũng viết thư cho người đang sống, còn con thì…

Con trở lại trường, sau năm ngày nghỉ học chịu tang cha. Buổi trở lại trường đầu tiên nghe tiếng trống bãi, con vội xếp tập vô cặp rồi như thường lệ đứng trước cổng trường để đợi… Tuổi thơ làm cho con mong vào những điều kỳ diệu, mong nỗi bất hạnh đó không phải là sự thật, nhưng, đến quá trưa nhìn lại sân trường vắng lặng và trước cổng trường chỉ còn mình con đứng đợi, con bàng hoàng nhận ra rằng ba đã mất thật rồi và từ đây không còn đến trường để đón con nữa. Hai hàng nước mắt chảy dài, nắng ban trưa rọi xuống đường hình cô gái nhỏ lủi thủi đi về mà lòng hụt hẫng xót xa.

Ba chỉ đau trong một thời gian ngắn rồi bất ngờ bỏ chúng con mà đi. Lúc đó con chỉ mới 13 tuổi. Nỗi mất mát đó đối với con quá lớn và quá sớm. Một trăm ngày ba mất, má bảo thôi từ nay đừng cúng cơm ba nữa mà luôn thắp nhang cho ba, đừng để “hương tàn bình lạnh”. Má cũng muốn nỗi đau lắng xuống để chúng con tập trung học hành. Nhưng rồi mỗi bữa cơm chúng con lại đặt một cái chén, một đôi đũa nơi ba vẫn ngồi trong bàn ăn, xới một liễn cơm nóng, dọn những thức ăn ba ưa thích. Nhiều năm sau này con vẫn thường ngậm ngùi nhớ lại hình ảnh những đứa con nhỏ của ba bên mâm cơm vẫn muốn lưu giữ kỷ niệm về người cha đã khuất. Biến cố lớn ấy đã đem lại bao mất mát và càng khôn lớn con càng thấm thía đó là những thiếu thốn không gì bù đắp nổi.

Cuộc sống mỗi lúc một bấp bênh. Đôi vai mỏng mảnh của má như oằn xuống trước gánh nặng của gia đình quá lớn. Giữa “ngày còn ba” và “ngày mất ba” dường như là hai thế giới. Miền Trung vào những ngày mùa đông trời lạnh như cắt thịt, những đứa con nhỏ của ba đi học về sẽ càng se sắt nhớ nhung ngày ba đội mưa đợi các con trước cổng trường. Một ngày mới của con được bắt đầu từ những hình ảnh, những âm thanh mà ba mang lại – một ngày tuổi thơ sung sướng. Những gì thuộc về ba trong hoài niệm của con đều đưa con quay về với quãng đời thơ ấu, ấm áp tình phụ tử, nhưng con cũng không quên có buổi chiều đi đâu về con bước vào phòng ba, ba không bật đèn, phòng mờ tối và ba ngồi đó, câm lặng… Con nhìn thấy, rón rén quay ra và như bắt chước ba, con cũng ngồi ngoài hiên, một mình trong bóng tối… con thấy thương ba quá!… Tuổi thơ con cũng có những nỗi buồn riêng của mình nhưng tất cả nỗi niềm ấy đều được ba chia sẻ. Còn bây giờ, ba đang buồn và không thổ lộ nhưng con không biết làm sao để an ủi. Ba đang nhớ các anh chị của con phải không ba? Con gái lớn lấy chồng xa, hai con trai bị bắt vào tù khi hoạt động trong phong trào tranh đấu của sinh viên. Con nhớ ngày theo ba má đến trại để thăm anh. Thấy anh con trong hình dáng ốm yếu, da dẻ xanh xao, má khóc ròng bước tới, còn ba thì lùi lại lén chùi nhanh những giọt nước mắt. Cơn bạo bệnh đột ngột nhanh chóng cướp ba đi hẳn, cũng có một phần của những nỗi nhớ nhung bị dồn nén đó.

Các anh, các chị con nhớ lại trong khoảng thời gian gia đình phải trải qua những thử thách nghiệt ngã, chưa bao giờ ba khuyên các con hãy lựa chọn cho riêng mình một cuộc sống bình yên. Nhưng ba vẫn nói đã chọn con đường cách mạng để đi thì phải đủ tâm, đủ lực để đi cho trọn con đường, đừng để dang dở đời mình và lụy cả cho người.

Năm 1976 con đúng 20 tuổi, cũng là năm thành lập Lực lượng thanh niên xung phong thành phố, con đã bước chân vào đội ngũ. Ngày lên đường con đã thắp nhang thưa với ba về chuyến đi xa nhà, chuyến đi thật xa, thật lâu với những khó khăn, thử thách mà lúc đó con không thể nào lường hết được. Bây giờ nhìn lại những quãng đời đã đi cùng đồng đội, một nỗi mừng càng lúc càng thấm sâu, càng lan tỏa trong con. Vâng, con đã đi, đã được hỗ trợ bởi nhiều nguồn sức mạnh để gắn bó với sự lựa chọn của mình. Và luôn có ba trong con dù ở Đắc Nông, Bù Đốp hay những cánh rừng xanh thẳm phía Tây Nam. Những gì ba dạy chúng con đâu chỉ bằng lời mà bằng cả cuộc sống gay go khắc nghiệt. Thời thơ ấu vất vả ba phải vượt lên nỗi đau mồ côi để vừa làm, vừa học, sống có nhân cách, có lòng nhân ái.

Ba vẫn ao ước các con của ba đều được vào đại học. Khi gia nhập Lực lượng thanh niên xung phong con mới tốt nghiệp phổ thông trung học. Chính đội ngũ ấy đã tạo điều kiện cho con được đến với giảng đường đại học. Ngày nhận tấm bằng đại học, con thầm cảm ơn đơn vị, cám ơn đồng đội đã giúp con thực hiện được niềm mơ ước của ba hướng về con mà con đã canh cánh mang theo, ấp ủ trong lòng mình những năm dài.

Ba đã xa chúng con ba mươi năm rồi mà chúng con cứ mãi ngậm ngùi tiếc thương khi nhớ về ba. Và vì thế khi thấy những trẻ thơ mất cha là lòng con đau xót, day dứt. Có những đứa trẻ mất cha là mất đi hình ảnh thiêng liêng, mất đi một người cha bằng da, bằng thịt. Nhưng cũng có những đứa trẻ mất dần cha do những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình.

Mỗi khi chồng con đau, con đã chăm sóc tận tình, sợ bệnh tật sẽ cướp đi của con mình tình phụ tử. Khi giận hờn, căng thẳng với anh ấy, con lại thường nhớ về cái buổi trưa đợi ba trước cổng trường mà ba không còn đến đón để thông cảm, bỏ qua những chuyện không bằng lòng trong cuộc sống lứa đôi. Con biết rằng ngày mai lúc tan học, con của con đứng đợi ở cổng trường sẽ có cha đến đón. Buổi cơm chiều trong một gia đình nhỏ sẽ ấm cúng đầy đủ cả ba người. Những đứa con có cha thật là một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng sao viết ngang đây con nhớ đến một lần lại thăm nhà dưỡng lão. Nhiều cụ ông, cụ bà ngồi thầm lặng, buồn bã và khi có người hỏi : Cụ ơi! Cụ còn con cái gì không? Thì các cụ run run không trả lời, những giọt lệ như sương mờ trên khóe mắt. Hình ảnh đó như nhắc nhở con phải thường xuyên về thăm má, không phải chỉ con trẻ cần đến cha mẹ mà ngay cả cha mẹ lúc tuổi già cũng rất cần đến tình thương của con cái.

Bạn bè thường dặn con hãy nhớ về những điều vui để cho lòng mình thanh thản. Nhưng cũng chính trong nỗi bất hạnh nếu biết nhận ra một điều quan trọng cần nghĩ suy thì cũng không nên quên phải không ba?

********

Thế giới vật chất không cho phép con chuyển bức thư này đến với ba ở một cõi mênh mông, nhưng con nghĩ rằng trong tình phụ tử ba vẫn đọc được lòng con.

Một người anh như thế !

Tôi được tặng một chiếc xe đạp rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần đạp xe ra công viên dạo chơi, có một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ.

Cho đi rồi sẽ nhận về

Khi đang làm công việc giới thiệu các ca khúc trên đài phát thanh ở Columbus, Ohio, tôi thường hay ghé vào một bệnh viện địa phương trên đường về nhà. Tôi vào các phòng bệnh để đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nghe hoặc trò chuyện cùng họ.

Phép màu giá bao nhiêu?

Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền...

Hạnh phúc ư? Đơn giản lắm…

Tôi có một cô bạn, chờ phải được tuổi mới cưới. Chưa được tuổi, cô ấy dứt khoát chỉ dọn đồ về sống chung với người yêu thôi.

Tốc độ, góc nhìn và tổn thương

Chiều hôm ấy, do có việc vội nên tôi phóng xe nhanh hơn thường lệ. Đến đoạn đường giao nhau, vì mải suy nghĩ, tôi thoáng giật mình khi thấy một bé gái đi xe đạp đang hướng về phía tôi...

Một Dawn mới của tôi

Lần đầu tiên khi nghe Laura, con gái tôi, báo tin nó sắp là một người mẹ - còn tôi sắp là một bà ngoại - tôi đã khóc với những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhưng rồi tận dưới đáy lòng tôi, một điều gì thầm kín đang khuấy động.

Khi bạn bị ném đi

Có một câu nói rất hay thế này: “Sức mạnh và lòng can đảm không phải luôn được đo đếm bằng những tấm huy chương và những chiến thắng. Mà sự mạnh mẽ phải được đo bằng những trận chiến mà chúng ta đã vượt qua.

Mười điều người trẻ dễ lãng phí

Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.

Đó là tình yêu

Người bác sĩ trong chiếc áo choàng trắng nói với tôi...