Hẻm núi người già là truyện cổ tích Nhật Bản có ý nghĩa sâu sắc, câu chuyện nhắc nhở chúng ta phải luôn kính trọng và chăm sóc người già, bởi người già là những người khôn ngoan, hiểu biết và nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, câu chuyện cũng gửi gắm một thông điệp rằng, mỗi lứa tuổi đều có những giá trị đáng quý của mình.
Ngày xưa đã lâu lắm rồi, ở một vùng nọ có tục lệ, khi người nào tới sáu mươi tuổi không còn làm được việc gì nữa là người ta đem vứt họ xuống một hẻm núi. Trải qua nhiều thế hệ, trong vùng không có bóng một người già nào, vì người ta cho rằng những người già không có ích lợi gì cả, chỉ là gánh nặng cho những người khác. Cho đến một ngày kia...
Có một người nông dân đến tuổi sáu mươi.
Trước đó ông đã từng là ông chủ của vùng nông thôn rộng lớn ấy. Nay ông đã đến cái tuổi phải đem vứt vào "Hẻm núi người già". Anh con trai cõng ông trên lưng đi vào rừng. Họ đi mãi hết núi này đến núi kia, trên đường đi thình thoáng ông già lại bẻ một cành cây bên đường đế đánh dấu. Thấy vậy người con bèn hỏi:
- Cha ơi, cha làm gì vậy? Cha nghĩ rằng làm như vậy cha có thể tìm thấy đường về nhà sao?
- Không con ạ, nhưng thật là tồi tệ nếu con không tìm được đường trở về. Vì vậy cha phải đánh dấu để con nhớ.
Nghe cha nói vậy, người con biết rằng cha rất thương mình nên anh không nỡ vứt cha xuống hẻm núi đó. Anh mang cha về nhà và giấu ở hốc đá dưới vòm cổng.
Ông chủ mới bây giờ thình thoảng lại yêu cầu những người nông dân làm một việc rất khó khăn. Một lần ông ta cho tập hợp tất cả những người dân trong làng lại rồi ra lệnh:
- Các ngươi, mỗi người hãy bện cho ta một sợi dây bằng tro.
Mọi người đều rất lo lắng vì họ biết rằng không thể làm được điều đó. Người con trai của ông già đến bên vòm cổng kể lại mọi việc cho cha nghe. Nghe xong ông già bảo:
- Con hãy bện một sợi dây nhưng nhớ là bện thật chặt. Sau đó con đem sợi đây đốt một cách thật khéo cho tới khi nó cháy hết mà không bị đứt, rồi con đem nó cho ông ta.
Người con trai làm theo lời cha dặn và quá nhiên anh ta đã làm được một sợi dây bằng tro đem đến cho ông chủ, trong khi đó không một ai làm được. Vì vậy ông chủ rất hài lòng về anh thanh niên này. Sau đó ông chủ lại ra lệnh cho những người nông dân:
- Mỗi người hãy mang đến cho ta một cái vỏ ốc mà có một sợi dây xuyên qua.
Người con lại đi đến chỗ cha đế hỏi thì được người cha chỉ bảo:
- Con hãy lấy một vỏ ốc, sau đó lấy sợi chỉ buộc mẩu gạo vào. Cho một con kiến tha hạt gạo đó rồi cho nó bò vào mồm con ốc. Bằng cách đó con kiến sẽ cho con một con ốc có sợi chí xuyên qua.
Người con làm theo lời cha dặn và quả nhiên anh ta có một con ốc như ông chủ yêu cầu. Khi anh ta đem con ốc đến cho ông chủ, ông ta rất phục bèn hỏi anh ta:
- Làm sao mà anh có thể làm được một việc khó như vậy?
Anh thanh niên trả lời:
- Thực ra tôi làm được những điêu đó là do có cha tôi, người mà lẽ ra bị vứt trong hẻm núi nhưng tôi thấy thương ông quá không thể làm điều dó được, nên tôi đã đem ông về và giấu trong hốc đá dưới vòm cổng. Những điều ông yêu cầu mọi người làm tôi thấy đều rất khó nên đã hỏi cha tôi và cha tôi đã dạy tôi làm. Tôi làm theo lời người dạy rồi đem chúng đến cho ông.
Anh thanh niên kể lại mọi điều cho ông ta nghe.
Nghe xong, ông chủ rất kính phục trí thông minh và kinh nghiệm cuộc sống của ông già và cũng nhận ra rằng người già cũng còn có ích và họ phải được chăm sóc chu đáo. Từ đó "Hẻm núi người già bị bó rơi" không còn nữa. Tất cả người già ở đó đều được đem về ở với gia đình con cái họ.