Ngô Quyền là một trong những vị vua lừng danh bậc nhất của lịch sử nước nhà.
Ông quê ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội ngày nay), là người mưu lược, sức khoẻ vô song. Sau, làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được Dương Đình Nghệ gả con gái cho, lại cho quyền cai quản Ái Châu (Thanh Hoá ngày nay).
Tháng Ba năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị con nuôi là Kiều Công Tiễn giết chết.
Tháng Chạp năm ấy, Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra hỏi tội Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn sợ, sai sứ sang cầu cứu quân Nam Hán (Trung Quốc). Vua Nam Hán muốn nhân nước ta có loạn mà đem quân đánh chiếm, bèn sai con út là Hoằng Thao đem thật nhiều chiến thuyền, theo sông Bạch Đằng tiến vào nước ta.
Nghe tin Hoằng Thao sắp đến, Ngô Quyền nói với các tướng:
– Hoằng Thao bất quá chỉ là một đứa trẻ dại khờ, phải đem quân từ xa tới, đã mỏi mệt lại nghe tin Kiều Công Tiễn bị giết chết, hắn mất kẻ nội ứng thì hồn vía sẽ chẳng còn. Ta lấy sức đang khoẻ để địch với quân mỏi mệt thì tất sẽ phá được. Nhưng bọn chúng hơn ta ở chỗ nhiều chiến thuyền. Nay, nếu ta sai người đem cọc lớn vạt nhọn, đầu thì bịt sắt, ngầm đóng xuống trước ở cửa biển, dụ cho thuyền của chúng theo nước triều lên mà vào phía trong của hàng cọc thì ta hoàn toàn có thể chế ngự chúng, quyết không cho chiến thuyền nào tẩu thoát.
Định đoạt mưu kế xong, Ngô Quyền bèn sai đem cọc đóng xuống hai bên bờ cửa sông. Khi nước triều lên, Ngô Quyền sai quân đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến rồi giả thua để dụ địch đuổi theo.
Quả nhiên Hoằng Thao trúng kế. Khi chiến thuyền của chúng lọt vào vùng cắm cọc, đợi đến khi nước triều rút, cọc nhô dần lên, Ngô Quyền bèn tung quân, liều chết mà đánh. Quân Hoằng Thao bị rối loạn, nước triều lại xuống gấp, thuyền vướng cọc mà lật úp, quân sĩ chết đến quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt và giết được Hoằng Thao.
Vua Nam Hán được tin, thương khóc mãi rồi thu nhặt tàn quân của Hoằng Thao còn sót lại và rút về.
Chỉ bằng những đội quân mới nhóm họp của nước Việt, Ngô Quyền đã đánh tan cả trăm vạn quân của Hoằng Thao, dựng nước và xưng vương, khiến giặc phương Bắc phải khiếp sợ, không dám bén mảng đến nước ta.