Người học trò và ba con quỷ

Người học trò và ba con quỷ

Ngày xưa, ở một vùng nọ có hai vợ chồng một nhà phú hộ tuổi đã già mới sinh được mụn con gái, nên hết sức chiều chuộng. Cô gái lớn lên hình dung đẹp đẽ ít ai bì kịp, bố mẹ lại càng nâng niu như vàng như ngọc. Họ bỏ tiền ra xây một ngôi lầu cho con ở. Lầu dựng xong, phú hộ lại cho người đi tìm hoa thơm cỏ lạ trồng xung quanh vườn để con thưởng ngoạn.

Bấy giờ trong đám rừng sâu gần đấy có ba con cáo sống lâu năm thành quỷ, có phép biến hóa, thường quen thói hại người. Nghe tin có cô gái đẹp cấm cung mà bố mẹ thì đang bỏ tiền ra mua các cây hoa trồng ở vườn, chúng rắp tâm phá phách, bèn hóa thành một thứ cây có hoa rất lạ. Hoa có ba cánh: một cánh mầu xanh, một cánh mầu trắng, một cánh mầu đỏ. Một người tiều phu lên rừng hái củi thấy hoa đẹp chưa từng có, liền bứng lấy đưa về bán cho phú hộ. Thấy cây hoa đặc biệt, phú hộ vội mua ngay rồi đem trồng ở vườn. Tuy hoa rất lạ và trông thật đẹp mắt nhưng cô gái lại tỏ vẻ không thích, vì thế mưu kế của lũ quỷ không thành. Lâu ngày hoa tàn cây héo, lũ quỷ sắp sửa bỏ đi nơi khác. Giữa lúc ấy, người phú hộ chặt cây thấy thớ gỗ đẹp, bèn chọn lấy một khúc, đẽo thành then cửa đem về chốt ở cửa buồng của con gái.

Thế rồi sau đó mấy hôm, một đêm kia trong khi cô gái đang ngủ, thì một con quỷ từ chiếc then cửa bỗng hiện ra, lên giường, toan sinh sự với cô. Nhưng cô đã vùng dậy, hết sức chống cự và kêu la inh ỏi. Biết không xong, con quỷ liền hớp lấy hồn nàng rồi lại biến vào then cửa. Khi vợ chồng phú hộ và người nhà chạy vào buồng thì thấy cô gái năm thiêm thiếp trên giường như người đã chết, ngực thoi thóp đập nhưng lay gọi mãi vẫn không tỉnh. Chưa kịp tìm thầy cứu chữa, thì tối hôm sau, trong khi người cha một mình chăm sóc cho con, con quỷ thứ hai lại hiện ra hớp lấy hồn ông. Tối hôm sau nữa lại đến lượt một người nhà bị con quỷ thứ ba hớp hồn. Vợ phú ông sợ quá vội cho người mời một thầy phù thủy đến bắt quyết trừ tà. Thầy làm phép trong ba ngày ba đêm thì phú ông và người hầu tỉnh lại. Duy chỉ có cô con gái là quỷ đầu đàn vẫn không chịu buông tha. Thầy tuy đã cao tay nhưng quỷ vẫn chẳng coi ra mùi gì. Cuối cùng thầy đành xách gói cáo từ vì phép thuật đã giở ra hết mà cô gái vẫn nằm lịm trên giường, nửa mê nửa tỉnh. Từ đấy người ta tin rằng ngôi lầu có quỷ nên không ai dám lui tới.

Một buổi chiều nọ, có một thầy cử tên là Long đi thi hội, đến đây thì lỡ độ đường. Thấy có ngôi nhà tốt, anh bèn ghé vào xin nghỉ trọ. Người nhà kể lại câu chuyện đã qua và nói:

- Chẳng giấu gì ông, nhà chúng tôi đang bị lũ quỷ quấy nhiễu. Ông nên tìm chỗ khác mà trọ, kẻo mang vạ vào thân.

Nghe đoạn, Long vội nói với vợ chồng phú ông:

- Đã là học trò đọc sách thánh hiền thì yêu tinh ma quỷ dám đâu trêu ghẹo. Ông bà cứ cho tôi nghỉ lại một đêm. Biết đâu tôi lại không trừ được nạn cho ông bà.

Vợ chồng phú hộ nghe nói bèn mở cửa đón khách vào. Ăn xong bữa chiều, Long khoan thai bước lên lầu. Anh chỉ xin nhà chủ cho mình một ngọn đèn và một con dao sắc. Đêm lại, anh thắp đèn ngồi trước án thư đọc sách, con dao để sẵn bên người. Đến khuya, một con quỷ từ then cửa buồng cô gái hiện ra với trạng mạo một cô gái xinh đẹp. Long vẫn điềm nhiên đọc sách không nói gì cả cho đến lúc nó biến đi. Lần thứ hai, một con khác tiến vào dưới dạng một người mặt mày hung ác, tóc xõa, lưỡi thè chừng một gang. Nó chạm vào người Long, nhưng anh vẫn thi gan mặc kệ. Đến lượt con thứ ba tức là con quỷ đầu đàn đang hớp hồn cô gái, bước vào. Thấy bóng anh học trò, nó vội quay trở ra, chỉ kịp rú lên mấy tiếng: - "Có bậc quý nhân... Trốn cả mau!". Long lần này đã cầm sẵn dao ngồi rình, nhanh như cắt, nhảy đến chém một nhát, con quỷ đứt mất một chân. Long chạy theo đến cửa buồng cô gái thì thoáng thấy cả ba con quỷ chui biến vào then cửa. Anh cầm lấy chân quỷ soi vào đèn xem, thì thấy đấy là một cái chân con cáo. Vì quỷ đau quá phải buông thả hồn ra nên ngay lúc đó cô gái cũng tỉnh dậy. Long liền đến gần hỏi chuyện. Biết đó là người cứu mình, nàng cúi đầu chào và ngỏ lời cảm ơn. Long dẫn nàng ra cho vợ chồng phú hộ. Lại đem chân con quỷ cho mọi người xem. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi phục tài anh học trò.

Sáng hôm sau lúc lên đường. Long từ chối vàng bạc của hai vợ chồng phú hộ đưa tặng, chỉ xin họ cái then cửa buồng giắt vào thắt lưng. Đi được nửa ngày, anh đã thấy ba con quỷ hiện ra, phủ phục trước mặt, khẩn khoản xin anh làm phúc bỏ lại cái then cửa. Long cười:

- Không được! Chúng mày có tài phép gì thì cứ giở ra cho hết để tao xem, rồi tao sẽ cho chúng mày vào lửa.

- Xin ngài tha cho chúng tôi - ba con quỷ đáp - chúng tôi xin tặng ngài những vật quý.

- Vậy thì đưa ra đây ngay, nếu không thì đừng có trách!

Con quỷ thứ nhất đưa tặng Long một cái mặt trời đựng trong túi, dặn rằng ban đêm hễ rút ra khỏi túi thì trời sẽ sáng như ban ngày, cất vào túi thì trời lại tối sẫm như cũ. Con thứ hai tặng một mặt trăng cũng vậy, hễ ban đêm tối tăm rút ra khỏi túi thì không cần đến đèn đuốc. Còn con thứ ba tặng một con ngựa mỗi ngày có thể đi ngàn dặm đường. Long vui lòng nhận lấy những món quà tặng rồi ném cái then cửa vào một bụi rậm bên đường.

Sau đó, Long nhảy lên lưng ngựa, bảo đưa mình tới kinh đô. Lập tức ngựa hý lên một tiếng rồi lao rất nhanh, bàn chân không chạm đất. Chỉ một lát sau, ngựa đã đặt anh xuống ở phía ngoài hoàng thành. Long ở lại đây sắm sửa mọi thứ để dự kỳ thi hội.

Hôm bắt đầu thi, bài của Long làm rất đắc ý. Cho nên thi vừa xong buổi sáng, anh bỗng nhớ đến vợ. Sẵn có con ngựa quý, anh nhảy lên lưng, bảo nó đưa mình về quê nhà. Ngựa phóng tít mù, chỉ vừa chập tối là đã đến nơi. Anh khe khẽ gọi cửa. Vợ Long đang ngủ, rất kinh ngạc vì thấy chồng mình đi thi chưa được mấy ngày đã vội trở về. Long không muốn thức cha mẹ dậy, nên dặn vợ giấu kín chuyện mình về. Rồi hai vợ chồng nhỏ to trò chuyện cho đến tờ mờ sáng anh mới lại lên đường. Mặc dầu vậy đêm ấy tiếng chuyện trò rì rầm của đôi vợ chồng đã thức tỉnh cha mẹ Long nằm ở buồng bên. Hai ông bà không tin là con trai mình về, chỉ ngờ rằng nàng dâu có nhân tình nhân ngãi chi đây. Cho nên sáng hôm sau ngủ dậy - lúc ấy Long đã cưỡi ngựa trở lại kinh đô để kịp nghe loa báo tin - hai ông bà vội vào buồng nàng dâu gạn hỏi. Vợ Long trước còn giấu quanh, nhưng sau thấy không giấu được nữa, đành phải kể lại câu chuyên chồng về tối hôm qua, cùng những việc chồng mình trị quỷ và được chúng tặng ngựa quý ra sao, v.v... Nhưng bố mẹ chồng làm sao mà tin được một việc khó nghe đến thế, nên trách mắng con dâu thậm tệ. Vợ Long không biết lấy gì làm chứng, đành chỉ ôm mặt ngồi khóc. May sao chiều ấy Long lại về. Được tận mắt thấy con trai và con ngựa thần, hai ông bà mới tin là thực. Long kể chuyện cho bố mẹ và mọi người cùng nghe:

- Sáng hôm nay ngựa đưa con vào đến kinh đô thì cũng vừa lúc tiếng loa trường thi bắt đầu gọi tên những ai thi đỗ. Nghe loa gọi đến tên con, con mừng rỡ vội ra nhà trọ thu xếp hành lý, phóng ngựa về đây. Ba ngày nữa con lại trẩy kinh để còn dự yến đêm do đức hoàng đế đãi các ông nghè ở điện Thiên quang.

Nghe nói có con ngựa thần một ngày ngàn dặm, người cha ngỏ ý muốn cưỡi thử. Long hỏi:

- Bố muốn đi chơi đâu bây giờ?

- Bố thường ao ước được vào tận trong Đồng-nai Gia-định để du ngoạn một phen.

- Được.

Sáng hôm sau, ông già cơm nước xong, nai nịt chỉnh tề bước ra sân. Long nắm dây cương trao cho cha. Ông già vừa nhảy lên yên thốt ra hai tiếng "Gia-định!", ngựa đã phóng đi vùn vụt, loáng một cái không thấy đâu nữa. Cho đến tận chiều, vào lúc mặt trời gác núi, con ngựa quý lại phóng như bay trở về, đặt ông già xuống giữa sân. Ông vui vẻ mở tay nải lấy quà mời mọi người nếm thử, rồi kể chuyện tai nghe mắt thấy ở Gia-định.

Mẹ Long nghe chồng hết lời ca ngợi con ngựa thần, cũng có ý định muốn đi chơi Đồng-nai Gia-định một chuyến dối già. Qua hôm sau, Long lại dắt ngựa ra sân rồi đỡ mẹ lên yên. Nhưng ngựa chưa kịp bước ra khỏi cổng, tự nhiên ngã khuỵu, hất bà già ngã lăn xuống đất. Một luồng khói trắng từ trong mình ngựa phóng ra và bay cuộn lên trời. Mọi người xúm lại xem thì con ngựa đã tắt thở từ lúc nào. Thì ra bà mẹ Long đã cưỡi ngựa thần không đúng lúc vì bà đang thấy kinh nên thần ngựa hoảng sợ, bỏ lốt ngựa mà đi.

Không những mất một tặng vật vô giá, ông tiến sĩ tân khoa còn đứng trước mối hiểm nguy khó thoát được tội "khi quân", vì trước mắt không có cách gì để tiến kinh cho kịp chiều mai dự yến. Đường từ quê Long đến kinh thành đi bộ mất bốn năm ngày đường, đi ngựa cũng phải hơn hai ngày. Không còn kế gì hơn, Long đành bắt một con ngựa thường, chẳng kịp từ biệt cha mẹ vợ con, vội ra roi cho con vật phi nước đại.

Con ngựa đi đến tối mịt mà vẫn chưa được một nửa đường. Nằm nghỉ ở quán trọ, Long lo lắng hết sức. Anh sực nhớ tới một tặng vật "mặt trời" do con quỷ thứ nhất biếu vẫn còn cất trong túi vải. Thế là Long tìm ra một diệu kế. Ngay hôm sau, Long lại lên ngựa phóng đi Cho đến khi mặt trời sắp gác núi, anh liền lôi "mặt trời" của mình ra treo trước đầu ngựa Thốt nhiên, một chuyện lạ chưa từng có xảy ra: đâu đâu cũng không thấy tắt ánh mặt trời. Cho đến khi con ngựa đưa Long đến trước điện Thiên-quang, anh mới cất "mặt trời" vào túi, bấy giờ bầu trời đang từ ban ngày mới chuyển sang đêm một cách đột ngột.

Long buộc ngựa xong, bước vào điện. Nhưng cũng đã muộn mất rồi. Mọi người chờ mãi không thấy đêm xuống, song thức ăn thì đã nguội cả, nên sau cùng Hoàng đế đành ra lệnh cha các ông tiến sĩ cứ bốn người một, ngồi vào mâm. Khi Long bước vào. thì tiệc rượu đã hầu tàn. Biết việc chậm trễ có thể khiến mình mất đầu như chơi, nên anh cởi mũ "phủ phục" trước sân điện, một hai viện lý do "không thấy trời tối" để mong được nhẹ tội. Vua tha cho anh, nhưng để anh nhớ lỗi, bắt bổ anh về làm tri huyện một huyện từng nổi tiếng có nhiều vụ án ma. Mặc dầu vẫn nghe nhiều tin đồng rùng rợn rằng từ trước đến nay, hễ quan nào được bổ về huyện ấy đều bị ma quỷ vật chết, Long vẫn ung dung về trị nhậm.

Theo tục lệ ở vùng này, mỗi khi quan mới bổ đến, dân các làng xã đều phải mang lễ vật đến chào quan. Cho nên những ngày Long mới chân ướt chân ráo đến nơi, dân các làng kéo nhau đội lễ vật đến đầy cả công đường. Long tiếp chuyện mọi người rất ân cần, nhưng nhất thiết từ chối mọi lễ vật. Chàng kín đáo dặn lính hầu mỗi khi có toán dân nào ra về thì lén đi theo để biết rõ tung tích. Vào ngày thứ ba, một trong những người lính hầu mà Long phái đi theo bén gót hai người dân đội một mâm lễ vật trở về. Người lính thấy hai người này đi mãi, đi mãi, bóng chiều đã ngả mà vẫn chưa đến nơi. Cho đến khi tắt ánh mặt trời mới thấy họ đến sát một cái giếng hoang bên cạnh đường. Thốt nhiên họ đội cả mâm, lội vùng xuống giếng, rồi thoáng một cái đã biến mất. Vừa kinh ngạc, vừa sợ hãi, người lính vội đi suốt đêm trở về báo lại tình hình cho quan biết.

Sáng hôm sau, Long hạ lệnh cho một toán lính huyện tới tát cạn cái giếng ấy. Họ ra sức tát suốt cả một ngày. Nhưng thật là lạ lùng! Tát được bao nhiêu nước lại đầy ắp bấy nhiêu. Mấy ngày sau nữa công việc cũng không nhích lên được tý nào. Bọn lính huyện cảm thấy rất chán nản. Một đêm nọ, vào giữa canh khuya, một người lính nằm ngủ bỗng thức giấc thấy có hai con quỷ đang ngồi vắt vẻo trên cành cây nói chuyện với nhau. Một con hỏi: -"Nếu chúng nó kéo tới đông thì có tát cạn chăng?". Con kia đáp: - "Nhiều người cũng vô ích thôi. Chỉ có rồng mới có thể tát cạn, ngoài ra không có cách nào khác".

Người lính bèn đem câu chuyện ấy trình lên quan. Long nói ngay:

- Chính ta là rồng đây! Ta sẽ thân hành tát cạn giếng.

Nói xong Long cưỡi ngựa về tận nơi. Sau khi xem xét tình hình, quan xắn áo quần cầm lấy gầu tát lấy tát để. Quả nhiên chỉ một mình Long đã làm cho nước giếng dần dần cạn thấu đáy. Nhưng khi giếng cạn hết, cả quan và lính đều không tìm thấy quỷ. Giữa ban ngày, quỷ có phép tàng hình, mắt người không thể nhìn thấy được. Nhưng đêm đến, quỷ lại dựa vào tối trời, lẩn lút trốn nấp trong các hang hốc làm cho Long và lính hầu tìm hết hơi mà không ra. Họ thắp đuốc lên nhưng bó đuốc nào hễ đưa vào cửa hang cũng đều tắt ngấm, không thể chụm lên được. Long sực nhớ tới món tặng vật bèn mở túi lấy "mặt trời" ra treo lên đầu ngọn tre. Lập tức cả một vùng sáng rực như ban ngày. Nhưng vì là ban ngày nên quỷ lại tàng hình lọt khỏi con mắt của mọi người. Sau cùng Long nhớ đến món tặng vật thứ hai. Vừa đưa ra khỏi túi, "mặt trăng" tỏa một thứ ánh sáng dịu mát vào khắp mọi nơi. Long liền mang "mặt trăng" đi lần xuống giếng, tiến vào các hang các hốc. Dưới ánh sáng trăng, quỷ đành lộ mặt, không thể tàng hình nổi. Cho nên chỉ một chốc, chưa giập miếng bã trầu, quan và lính đã tóm được hai con quỷ. Chính đó là hai con xà tinh quen thói hại người, thường dùng một cái hang ở đáy giếng làm sào huyệt. Trước mặt Long, hai con quỷ cúi đầu van lạy xin quan sinh phúc tha cho tính mạng, từ rày không dám làm hại ai nữa. Long sai lính giải chúng đi đày thật xa. Từ đây dân huyện ấy sống yên ổn...

Gái ngoan dạy chồng

Ngày xưa có một người nhà giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai, đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Sự tích hòn Vọng Phu

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái...

Miếng trầu kỳ diệu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận...

Chàng ngốc học khôn

Ngày xưa, có anh chàng tên là Đần lấy chị vợ tên là Khôn. Cả đời một chữ cắn làm đôi không biết, anh ta lại chẳng chịu thò đầu đi đâu, chỉ ru rú ở xó nhà để vợ sai bảo, từ việc nhỏ tới việc lớn, nên đã đần lại càng đần thêm...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...