Người mẹ kế và hai con trai

Nhà nọ, vợ chết sớm để lại một đứa con trai còn nhỏ dại. Người chồng lấy vợ kế, lại cũng sinh được thêm một thằng con trai. Nhưng chẳng bao lâu thì chồng chết. Người mẹ kế tần tảo nuôi hai đứa con trai khôn lớn. Bà quý con riêng của chồng hơn cả con mình đứt ruột đẻ ra. Hai đứa trẻ cũng biết yêu thương nhau, anh biết kính mẹ nhường em, còn em thì biết yêu mến vâng lời anh.

Hai anh cùng học với thầy đồ ở làng bên. Đường đến trường phải qua một cánh đồng rộng. Một buổi sáng, hai anh em vừa ra tới giữa đồng, thì thấy một đứa bé ăn mày nằm chết gục bên bờ ruộng. Hai anh em chạnh lòng thương, dừng lại. Em hỏi:

- Anh ơi, làm thế nào bây giờ?

Anh nghĩ một lúc rồi bảo:

- Anh em ta cùng cởi áo gói lại, đem chôn làm phúc.

Trong lúc hai đứa bé đang loay hoay bên cái xác thì bỗng có người đi qua. Thấy vậy, người kia đinh ninh rằng hai đứa học trò đã đánh chết đứa ăn mày, bèn quát:

- Chúng bay là con nhà ai mà dám giết người?

Hai đứa bé sợ hãi, khóc lóc thảm thiết và kể lại sự tình, nhưng người kia vẫn không chịu nghe. Anh trói gô chúng lại rồi dắt lên trình quan.

Quan tra hỏi, hai anh em vẫn một mực khai:

- Chúng con đi học giữa đường

Chộ (thấy) ăn mày chết thảm thương

Cổi (cởi) áo biểu (bảo) nhau làm phúc.

Cuối cùng quan thét bảo:

- Chúng bay không biết giết người là có tội to hay sao? Trong hai đứa phải có một đứa đền mạng.

Nói rồi, quan sai lính tống chúng vào ngục.

Đêm ấy, quan đi qua nhà giam, bỗng nghe có tiếng rì rầm, bèn dừng lại lắng nghe. Thì ra hai đứa bé vừa khóc, vừa trò chuyện với nhau.

Đứa anh nói:

- Em ơi, anh đây coi như không có

Sống thì cũng được, thác thì cũng thôi.

Còn chút mẹ già tóc bạc da mồi

Em ở lại nuôi dì là phải.

Đứa em liền nói:

- Anh ơi, anh là con cả

Mai sau hương hỏa mới đành

Thà không em, mô lẽ không anh!

Thấy hai đứa bé giành nhau thế mạng, quan vô cùng cảm động. Hôm sau, quan đòi người mẹ kế đến hầu và bảo:

- Con mụ giết người, nhân mạng chí trọng, trong hai đứa bé, phải có một đứa đền tội. Vậy mụ muốn đứa nào sống, đứa nào phải chết?

Người mẹ sụt sùi thưa:

- Lạy quan lớn, nhà tôi vốn hiền lành phúc đức

Con chúng tôi không phải lũ giết người

Sự này oan uổng mười mươi

Xin quan lớn đèn trời soi xét!

Như mà quan bắt một người phải chết

Thì tôi xin thế mạng thay con.

Quan vẫn lập nghiêm bảo:

- Ta không kết án mụ, vì mụ không giết người. Ta chỉ cần hỏi mụ, trong hai đứa, đứa nào đáng khép vào tội chết?

Người mẹ khóc lóc thảm thiết rồi thưa:

- Ví mà quan chẳng thương tình

Thì xin hãy giết thằng em

Vì nó là con tôi sinh đẻ

Còn thằng anh, con chồng tôi thác ủy

Xin tha cho, để tôi khỏi phụ lòng chồng.

Nghe xong, quan cho hai đứa bé lại gặp mẹ và phán:

- Đêm qua, ta đã nghe hai đứa bé này nhường nhau sống, nay lại nghe lời mụ thưa trình, thì biết chắc chắn là con mụ vô tội. Mẹ như thế, không thể đẻ ra con bất lương. Anh em như thế, không phải là phường bất nghĩa. Ta tha cho hai con mụ, mụ hãy gắng mà cho chúng ăn học nên người.

Ba mẹ con mừng rỡ, lạy tạ quan rồi dắt nhau ra về.

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học...

Bò béo bò gầy

Ngày ấy vào thời vua Lê chúa Trịnh có hai vợ chồng một người nho sinh họ Lê. Nhân ngày cuối năm dắt nhau về thăm quê quán trong thành...

Truyện cổ tích Tấm Cám

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Thần sắt

Xưa có anh nông dân một mình sống ở cái lều ven rừng. Anh không có một tấc sắt nên làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi bằng đá, đẽo cây bằng gỗ, đào hố tra bắp bằng đầu que. Khổ sở hết chỗ nói, thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo...

Viên ngọc ước của quạ

Ngày xưa, có một anh chàng trẻ tuổi tên là Đê. Nhà anh nghèo khó, cha mẹ phải cho đi ở tại một nhà lão trọc phú. Trọc phú bắt anh chăn trâu. Nhưng anh có thói ham chơi bời...