Vào một thời xa xưa của xứ Phù Tang tam đảo, các sứ quân tranh quyền, giành ảnh hưởng, khu vực… rất là gây cấn. Nơi một đảo nọ có hai vị sứ quân Lang và Hân tranh chấp với nhau từ mấy mươi năm qua, hao binh tổn tướng rất nhiều mà phần thắng bại chưa nghiêng về bên nào cả.
Rồi năm ấy, hai bên đồng thoả thuận đánh một trận then chốt… Họ dàn chiến thuyền ra, hết bắn xa lại cận chiến. Chiến sĩ đôi bên đều chết rất oai hùng. Sau cùng đoàn cảm tử của sứ quân Lang nhờ trên gió nên có phần thắng thế hơn, phe của sứ quân Hân lần lượt hy sinh vì tên, giáo của đối phương… Lửa cháy phừng từ cánh buồm, lan xuống cột rồi sàn, mạn thuyền… Trên chiến thuyền chạm rồng, phụng chỉ còn sót lại một bé gái độ 3 tuổi. Bà nhũ mẫu ẵm con của sứ quân Hân lo lắng kêu cứu, còn có ai ngoài vài cung nữ cũng sợ hãi gào khóc. Họ không thể chui trở xuống khoang núp tên. Thôi thì liều mình nhảy đại xuống đại dương xanh thẳm, bây giờ đỏ nhuộm vì máu đào và lửa khói lan tràn. Không có ai giải cứu thà họ tự tử hơn là bị giặc bắt về giam cầm, hành hạ.
Cũng kể từ đó dân chúng quanh vùng đêm ngày bị đoàn âm binh phá khuấy không sao làm ăn được. Bọn họ cùng chung nhau lập nên một cảnh chùa, để mong nhờ tiếng chuông đánh lên, lâng lâng vào cõi hư vô mà cảnh tỉnh đi được phần nào lòng hiếu sát của đoàn âm binh.
Ngôi chùa hoang vắng lắm. Riết rồi dân chúng như quên hẳn hoà thượng trụ trì. Có việc gì dân cũng tránh con đường gần nhưng phải đi ngang qua bãi tha ma. Họ sợ trông thấy dãy mộ buồn tênh không người nhang khói. Họ sợ cả mái ngói đỏ của chùa dần sương phủ rêu phong, nhất là tiếng kinh kệ giải oan đều 1 điệp khúc sầu bi của hoà thượng trụ trì vẳng đưa. Còn người phương xa không thể ngờ được giữa cảnh điêu tàn ấy lại có một cảnh chùa cô đơn, âm thầm thách thức với thời gian, không màng sự lãng quên của người đời.
Ấy, vậy mà cũng có kẻ lần mò đến chùa cho bằng được mới là kỳ. Bởi vì gã trẻ tuổi nọ chỉ còn sử dụng có thính giác, tự ý tìm theo tiếng chuông mõ công phu ban chiều. Và gã đã có một chốn dung thân, sau 1 thời thanh xuân trác táng. Hoà thượng trụ trì cũng bằng lòng nhận gã võ sĩ đạo sa cơ. Không phải vì hoà thượng muốn có người bầu bạn hay đỡ đần công việc. Nhưng hoà thượng đã thấy rõ sát kiếp quá nặng ở con người của chàng tuổi trẻ. Đã một thời gã phí đời trai trong tiệc rượu, canh bài. Gã bị mất ánh sáng trong 1 cuộc so kiếm khoe tài trước gái đẹp. Địch thủ hèn hạ ám toán vôi bột, làm chàng mù đôi mắt. Chàng tuổi trẻ thất trí, bẻ kiếm, vác chiếc đờn tỳ bà gia bảo đi lang thang. Lâu rồi chàng cũng quên ý định trả thù. Mà kẻ thù cũng không thèm truy đuổi 1 phế nhân làm gì. Từ đó, nơi cảnh chùa vắng vẻ thêm sự hiện diện của 1 nhà sư trẻ tuổi, vốn chưa quen lắng đọng tâm tư sôi nổi. Không như hoà thượng trụ trì chịu tĩnh mịch đã quen. Hoà thương vẫn hằng khuyên nhà sư cố tu tâm, dưỡng tánh, đừng nuôi lòng hướng về cõi trần tục lụy, lắm đam mê, dục vọng thấp hèn.
*
Vào một đêm tuyết rơi phủ trắng đầu non, thêm gió rít hãi hùng. Nơi cửa tam quan ngồi thu lu bóng nhà sư Đạo Nhất khảy đờn tỳ bà. Tiếng đờn muôn điệu réo rắt, như oán như than, như nức nở giọng ai hoài nỗi hờn vong quốc, như đánh thức giấc miên triền ngái ngủ của đoàn âm binh. Khiến cho 1 oan hồn tên cận tướng được phái đến mời nhà sư, về tận cung điện nguy nga của họ để biểu diễn tài nghệ, cho vị tiểu công nương thưởng thức luôn thể. Nhà sư Đạo Nhất mê mẩn tuân lệnh vời, ôm đờn ra đi giữa trời mù bão tuyết. Qua mấy nhịp cầu chênh vênh, lối ngang, đường dọc… khỏi những lượt cửa thành dày thần bí mở từ từ, bên trong có những ngọn lửa thiêng trên giá treo, hay trên những chạc ba chân, ngọn tỏ, ngọn lập loè. Một cảnh cung điện huy hoàng, tráng lệ, dát ngọc, phết vàng, nhiễu gấm lót êm ái… Chao ôi ! Giá nhà sư được sáng mắt dù chỉ một phút thôi. Đoàn âm binh dựng lại cảnh tượng này có hơi thừa đối với nhà sư mù. Nhà sư được ngồi giữa sân rộng khảy khúc nhạc thúc quân, rồi khúc bi ai xen lẫn hùng tráng của trận thủy chiến then chốt ngày xưa. Tất cả đều say sưa thưởng thức… Trên ngai, nàng công nương nhỏ bé cũng nhoẻn cười. Nhưng đến sáng ra, khi nhà sư bừng tỉnh giấc, sờ soạng cây đàn lạnh tuyết, biết mình nằm ngủ ở giữa bãi tha ma. Đạo Nhất nhớ lại và nhận định những vị trí chỗ ngồi của các công hầu, tướng sĩ trong đêm qua, thì bấy giờ chính là các ngôi mộ cỏ mọc lan tràn, đúng theo lời thuật chuyện của hoà thượng trụ trì.
Sau khi nghe đệ tử kể rõ nguồn cơn, hoà thượng trụ trì cho biết nhà sư Đạo Nhất đã vướng phải âm binh khuấy phá, có thể chết nếu không được ông tìm cách phòng trị. Thế rồi trước bóng Phật đài, sau những hồi kinh tụng niệm, giải trừ ám ảnh trong đầu của nhà sư mù. Hoà thượng trụ trì dùng bút lông viết nguyên pho kinh Phật lên khắp thân thể trần trụi của nhà sư Đạo Nhất. Hoà thượng căn dặn đệ tử khi có bọn âm binh đến kêu tên thì đừng lên tiếng. Hoạ chăng thoát được tiền căn, nghiệp chướng mà sư Đạo Nhất trong kiếp trước đã giết người gây nên.
Thời gian chờ đợi, chỉ một buổi tắt nắng mà lâu như cả năm… Quả nhiên đêm đó, tên cận tướng âm binh lại tìm đến rước nhà sư mù. Kêu mãi mà không nghe tiếng trả lời, tên cận tướng sồng sộc đi lục soát. Khắp chùa chỉ thấy bóng Phật ngự trị hiền hoà và 1 hoà thượng mải mê hồi công phu, tiếng đại thần chung vang rền từng hồi… như giục giã nhiệm vụ của hắn thêm. Sau cùng hắn chỉ tìm gặp chiếc đàn tỳ bà nằm trên gian giữa chính điện. Và có 2 chiếc tai của nhà sư đang lắc lư. Muốn chứng minh rằng mình đã có hành động, nên hắn định mang 2 chiếc tai về nạp cho chủ. Khổ thay 2 chiếc tai đó là 2 chiếc tai sống của nhà sư Đạo Nhất, mà trong khi vẽ kinh vào mình đệ tử, hoà thượng trụ trì đã vô tình vẽ sót, nên âm hồn mới có thể nhìn thấy.
Hắn rứt 2 chiếc tai để đem về, làm cho nhà sư chảy máu đầm đìa, hét lên và chết ngất giữa nền gạch thâm u. Chính khi âm hồn nhận biết nhà sư đang hiện diện cũng là lúc máu tươi rỏ xuống làm tan biến hắn ngay. Và hắn phải mau trở về phục mạng, kẻo trời sắp sáng và hoà thượng trụ trì vừa nghe tiếng thét chạy qua. Ngoài kia tuyết vừa tạnh. Hình như có những giọt máu rỏ từ 2 chiếc tai sống của sư Đạo Nhất rơi rớt và đông nhanh trên tuyết xốp. Dấu máu đỏ nhỏ dần và mất hẳn theo tai ách của sư Đạo Nhất cũng chấm dứt từ đây. Nhà sư Đạo Nhất đã trả xong cái quả ở tiền kiếp, từng có lần dùng kiếm cắt mất 2 tai của một kẻ thù.
Hoà thương trụ trì chỉ còn biết băng bó, cầm máu cho nhà sư Đạo Nhất. Hai chiếc tai của nhà sư không mất, nhưng nằm lìa dưới gạch. Âm hồn tên cận tướng mang nạp hai chiếc tai trên hình thức. Hình thức mà chỉ có thế giới của chúng nhìn thấy. Lặng lẽ nhà sư Đạo Nhất đi đào một lỗ cạnh cây si đại thụ. Ở đó vùi lấp cây đàn tỳ bà gia bảo và 1 phần thân thể của nhà sư. Nhà sư mất tai quyết sẽ chuyên tâm hơn để giúp cho các oan hồn chóng siêu thoát. Nhờ dứt khoát với dĩ vãng như vậy nhà sư Đạo Nhất sẽ dễ giữ thanh tịnh, giúp mình thoát vòng ảo ảnh chỉ hiển hiện do mình.