Sợi bấc tìm ra thủ phạm

Ngày xưa có một tay phú thương tên là Phong. Hắn ta có mười chiếc mành lớn chở hàng hóa bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Mỗi một chiếc mành đều có một người lái do một thủ hạ tin cẩn cai quản. Trong số các lái có một người tên là Ninh, vốn tính nhanh nhảu được việc, nên được chủ rất tin cậy. Nhưng từ lâu, Ninh đã tằng tịu với vợ Phong mà Phong không hay. Hai người say mê nhau và điều ước muốn của họ là cuối cùng được công khai lấy nhau mới thỏa dạ.

Một hôm, vào ngày đầu năm, mười chiếc mành sắp sửa xuất phát. Theo lệ thường khi đến cửa sông, các mành buôn có ghé lại trước miếu Ông để làm lễ rồi mới ra khơi. Lần này, Phong theo các mành của mình đến miếu làm lễ, đãi các lái và thủy thủ ăn một bữa linh đình, rồi mới trở về nhà bằng đường bộ. Thấy chủ về một mình, lại về vào lúc khuya khoắt, Ninh lẻn theo đường tắt đón ở một bụi rậm xông ra đánh chết. Đoạn, hắn nhanh chân chạy về mành, vừa kịp lúc sắp sửa nhổ neo. Thế là mười chiếc mành dong buồm ra khơi, trừ tên sát nhân, không một ai biết rằng chủ mình bị giết, và cũng không một ai ngờ cho lái Ninh là thủ phạm.

*

Án mạng đưa lên, quan địa phương phải chờ đến khi tất cả mọi người trên mười chiếc mành trở về, mới bắt đầu tra xét. Nhưng không có một chứng cớ gì để ngờ cho một người nào. Sau bao nhiêu ngày hỏi cung không tìm ra manh mối, quan địa phương đành phải đệ vụ án lên quan trên xét xử. Bọn quan tỉnh khi nhận được hồ sơ rất lấy làm bối rối. Những cuộc hỏi cung lại tiếp tục nhưng không có kết quả gì. Sau cùng, có một người trong đám ty thuộc, một hôm đến gặp quan tổng đốc xin hiến một mẹo nhỏ có thể tìm ra thủ phạm. Hắn ghé và tai quan nói thầm mấy câu.

Lập tức quan sai bắt bọn lái và các thủy thủ đến miếu Ông. Quan bảo mọi người phải làm lễ và chầu chực ở miếu suốt đêm. Đến canh hai, quan cho gọi tất cả mọi người dậy và bắt mỗi người phải ngậm một đoạn bấc vào miệng, đồng thời mắt nhìn thẳng vào ngọn nến trên pho tượng thần. Quan nói:

- Thần ở miếu này rất thiêng. Thần đã chứng kiến cái ngày ông Phong bị giết và đã biết ai là thủ phạm. Ta đã khấn xin thần: bấc này ngậm vào, nếu người ngay thì không việc gì cả, nếu là người gian thì nở dài hơn của những người khác.

Theo lệnh quan, mọi người ngồi im lặng như thế cho đến sáng rõ mặt người. Trước án thư, mỗi người lần lượt đưa bấc tới đo. Quả nhiên, trong đó có một sợi khác với các sợi khác, nhưng không nở dài ra mà chỉ ngắn đi. Sợi bấc ấy chính là của lái Ninh. Khi nghe quan bắt ngậm bấc, Ninh sinh ra bàng hoàng lo lắng. Ngậm được một chốc, hắn cảm thấy sợ bấc trong miệng dài ra thật. Cho nên lúc gần sáng, hắn đã cắn bớt đi một tý. Khi đo bấc, hắn có ngờ đâu, chính vì thế mà bấc của hắn khác với của mọi người. Biết là sa vào mẹo của quan, và cũng nghĩ rằng oan hồn đến ngày báo phục nên lái Ninh đành thú nhận tất cả. Người ta bắt hắn cùng với người đàn bà bất chính kia đền tội.

Miếng trầu kỳ diệu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận...

Thần sắt

Xưa có anh nông dân một mình sống ở cái lều ven rừng. Anh không có một tấc sắt nên làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi bằng đá, đẽo cây bằng gỗ, đào hố tra bắp bằng đầu que. Khổ sở hết chỗ nói, thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...