Cây tre trăm đốt

Ngày xửa ngày xưa, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có. Nhưng tính tình của phú ông này lại rất keo kiệt. Lão có rất nhiều mánh khóe để đối phó với những kẻ ở người ăn của nhà mình, hòng bòn công của họ mà bản thân lại không cần phải trả thêm bất cứ khoản tiền nào nữa.

Lão có cô con gái cũng chưa gả chồng. Khi thấy anh đầy tớ nhà mình tuổi cũng đã khá lớn, lại cũng chưa cưới vợ thì lão ta lập tức nghĩ ra được một chiêu rất hay. Lão liền giả vờ giả vịt nói với anh đầy tới là:

– Cứ cố gắng mà làm việc con ạ! Sau này lão sẽ đem con gái lão gả cho mày.

Bởi bản tính quá thật thà, khi anh chàng nghe được những lời đường mật, dụ dỗ của phú ông thì tưởng thật, cũng dần nuôi hy vọng được làm rể của phú ông.

Kể từ ngày đó trở đi thì anh chàng đổ sức để làm việc mà không quản mệt nhọc, vất cả. Khi trời con chưa sáng thì anh đã đang bì bõm lội ở ngoài đồng xa, đến khi trời đã khuya mù mịt mà anh vẫn còn trần lực ra xay lúa rồi giã gạo, lại còn kéo trục và bện thừng nữa… làm việc luôn chân luôn tay. Tất cả những công to việc lớn mà phú ông giao cho, dù có phải chịu mệt nhọc hay khó khăn thì anh chàng cũng chẳng bao giờ từ chối cả.

Khi phú ông trông thấy mưu kế của mình hiệu quả thì vô cùng mừng rỡ. Còn đứa con gái bảo bối của lão á? Đời nào mà lão lại chịu gả nó cho hạng người nghèo khố rách áo ôm, đi làm thuê làm mướn cho người như anh chứ. Một người giàu có nổi tiếng ở làng bên mới đem trầu cau và sính lễ tới dạm ngõ hỏi cưới con gái của lão cho con của hắn. Và lão cùng đã đồng ý gả rồi.

Nhưng vì để giấu anh chàng đầy tớ nhà mình nên lão yêu cầu tất cả mọi người ở trong nhà đều phải giữ im lặng về chuyện này. Còn anh chàng đầy tớ, tất nhiên là anh chẳng hề biết gì, cũng chẳng nghi ngờ lời hứa ngon ngọt của chủ nhà, vẫn cứ đinh ninh rằng phú ông nói thật, vì thế vẫn cứ quần quần mà bán mạng làm việc cho lão ta, ký thác hy vọng của mình vào lão chủ xấu xa.

Thời gian cũng vẫn cứ thế mà trôi qua, rồi thì ngày định cưới của cô con gái phú ông cuối cùng cũng đã tới. Ngày ấy ở trong nhà của phú ông, mọi người tất bật chạy qua chạy lại bày biện bàn ghế, rồi lại đi giết gà mổ lợn. Vì để tránh anh đầy tới nhà mình nảy sinh nghi ngờ lại kéo ra lắm chuyện lôi thôi ảnh hưởng đến lễ cưới của con gái mình, lão phú ông liền cho gọi anh chàng tới và nói rằng:

– Thời gian ở nhà ta con đã làm việc tốt lắm, khiến lão vô cùng ưng ý đấy. Ngày hôm nay thì lão cũng đã cho người sửa soạn đầy đủ hết cỗ bàn rồi. Nhưng mà nếu con muốn cưới con gái lão thì cũng phải có gì đấy làm sính lễ thì mới coi được chứ. Ta cũng chẳng đòi con phải có tiền bạc hay ruộng vườn. Bây giờ con cứ đi lên trên rừng kia, kiếm lấy cây tre nào có đủ trăm đốt thì đem chặt rồi mang về đây, thì lão sẽ coi đó là sính lễ rồi cho các con làm lễ thành hôn với nhau luôn. Nếu mà con không kiếm được thì lão đem con gái gả cho người ta đấy!

Anh chàng đầy tớ nghe phú ông nói một thôi một hồi thì cũng ngẩn người ra, phải một lúc sau thì anh mới hoàn hồn, vội vàng đem theo rựa mà cắm cúi lên rừng. Khi lên đến rừng, anh chàng cố tình tìm tới những bụi tre nào cao nhất, sau đó lách vào bằng được để chặt. Tuy nhiên thì cứ mỗi khi một cây tre bị đốn ngã là nỗi thất vọng của anh lại càng nhân lên. Những cây tre nhìn như cao ngất ngưởng là vậy đấy nhưng mà chẳng có cây nào đủ một trăm đốt cả, nhiều lắm thì cũng chỉ khoảng bốn mươi đốt mà thôi.

Mặc dù vậy nhưng anh vẫn chẳng nản lòng. Cây này không được anh lại đi tìm cây khác, anh còn tìm đến những nơi vô cùng hiểm hóc, ở đó có những bụi tre già, dù cho có bị những gai tre cào rách áo, cào toạc da thì anh vẫn chẳng chút bận tâm đến. Anh cứ thế tìm kiếm với hy vọng tìm được một cây tre có đủ một trăm đốt tre mang về để làm sính lễ dâng cho bố vợ tương lai của mình.

Với niềm hy vọng lớn lao trong lòng, anh cứ giơ cao rựa của mình mà chặt. Tuy nhiên dù anh có chặt bao nhiêu, dù có bao nhiêu cây tre đổ xuống thì đếm đi đếm lại cũng chẳng có cây nào đủ được một trăm đốt cả. Sức cũng đã kiệt, anh mệt mỏi và buồn rầu, quá chán nản nên anh đem con rựa trên tay quẳng luôn xuống dưới đất rồi tức tưởi ngồi khóc một mình.

Tiếng khóc nức nở của anh làm vang động núi rừng. Khi tiếng khóc của anh đến tai của Bụt thì Bụt lập tức xuất hiện trước mặt anh mà hỏi rằng:

– Con là ai? Tại sao con lại ngồi khóc ở nơi này?

Anh chàng cố gạt hết nước mắt trên mặt mà thành thật kể lại cho Bụt nghe đầu đuôi câu chuyện. Khi nghe xong, Bụt liền bảo anh:

– Con hãy nín khóc đi. Bây giờ con hãy đi chặt đủ một trăm dốt tre rồi mang lại đây.

Nghe lời Bụt nói, anh chàng lập tức đi chặt đủ một trăm dốt tre rồi mang về chỗ Bụt đang đứng. Nhưng mà mang về rồi thì anh lại tiếp tục khóc than. Bụt hỏi:

– Tại sao con lại khóc?

Anh chàng buồn bã đáp:

– Phú ông yêu cầu con phải chặt cho được một cây tre có đủ một trăm đốt tre, chứ không phải là chặt được một trăm đốt tre đâu!

Bụt cười hiền lành, nhẹ giọng an ủi, sau đó thì bảo anh chàng để một trăm đốt tre rời thành một hàng ngay ngắ n rồi bảo hô:

– Khắc nhập! Khắc nhập!

Vâng lời Bụt, anh chàng cũng hô lớn thì lập tức có phép màu xuất hiện, khi anh vừa dứt lời thì một trăm đốt tre rời đột nhiên chắp lại với nhau hệt như là chúng vốn là một cây vậy.

Khi đã có được cây tre trăm đốt như đúng yêu cầu của phú ông thì anh chàng vô cùng mừng rỡ, vội vàng vác cây tre mang về. Tuy nhiên thì dù anh có dùng sức bao nhiêu thì cũng không cách nào vác cây tre lên mà mang về nhà được. Anh cứ loay hoay mất một lúc lâu, sau cùng thì bất lực, anh lại để tre xuống mà khóc than. Nghe tiếng khóc của anh, Bụt lại hiện lên và hỏi:

– Con làm sao lại khóc rồi?

Anh chán nản thưa:

– Vì cây tre này dài quá, con không thể đưa nó về được.

Bụt cười lại dạy anh câu thần chú khác:

– Khắc xuất! Khắc xuất!

Khi anh chàng vừa hô xong thì phép màu cũng lại xuất hiện, cây tre ấy lại lập tức rời nhau ra thành một trăm đốt tre như ban đầu. Anh chàng mừng quá, cảm ơn Bụt rối rít, sau đó thì anh cột tre thành hai bó to rồi quảy lên vai đem ra khỏi khu rừng.

Lúc anh chàng nông phu vừa về tới cửa nhà phú ông thì cũng là lúc mà hai họ đương cỗ bàn vô cùng linh đình, cũng là lúc mà cô dâu và chú rể chuẩn bị bước ra ngoài để làm lễ cưới.

Anh chàng cũng chẳng thể hiện cảm xúc gì, chỉ lẳng lặng gọi phú ông tới để nhận sính lễ. Khi nhìn thấy những đốt tre rời rạc thì phú ông lập tức quát lớn:

– Tao đã bảo mày đi chặt lấy một cây tre có trăm đốt, chứ ai bảo mày đi chặt một trăm đốt tre về làm gì! Đúng là đồ ngớ ngẩn!

Dù lão phú ông quát vậy nhưng anh cũng chẳng nói chẳng rằng gì, chỉ hô lên liên tục:

– Khắc nhập! Khắc nhập!

Những đốt tre cứ lần lượt rời khỏi bó rồi chắp lại với nhau trở thành một cây tre cao ngất. Phú ông trông thấy, vừa ngạc nhiên, vừa bực mình, lão liền chạy ngay tới định phá cho những đốt tre phải rời nhau ra. Tuy nhiên thì tiếng hô “khắc nhập” của anh nông phu có phép màu không dừng lại, khiến cho cả thân người của lão phú ông cũng bị dính liền luôn vào thân cây tre, nhìn như là một đốt nối thêm vào cây vậy.

Thấy mình bị dính vào với cây, phú ông lập tức kêu la ầm ỹ. Tiếng kêu la oai oái của lão khiến cho cả hai họ đều vô cùng hốt hoảng mà chạy hết ra ngoài. Chàng rể chính là người đầu tiên tiến tới định bụng sẽ gỡ hộ bố vợ mình, nhưng là anh nông phu lại hô “khắc nhập” khiến cho hắn cũng dính luôn vào cây tre, đội cả phú ông lên trên đầu. Tiếp theo là ông thông gia, vốn định chạy lại gỡ con trai của mình ra nhưng cũng lại bị dính luôn vào đấy.

Sau đó thì hai bên họ nhà trai và họ nhà gái cứ nối tiếp nhau xông vào, định là gỡ nhưng lại thành ra bị dính chặt vào cây tre. Mọi người đều đã sợ đến mức mặt cũng xanh mét lại rồi, nhưng mà anh nông phu kia thì vẫn rất thản nhiên đứng ở một góc sân chờ câu trả lời của phú ông.

Sau cùng thì phú ông cũng phải mở miệng van lạy anh hết lời, xin anh thả mọi người ra và cũng hứa sẽ gả con gái mình cho anh đúng như những gì lão đã hứa trước đây. Đến lúc bấy giờ thì anh nông phu mới hô:

– Khắc xuất! Khắc xuất!

Ngay lập tức, cả phú ông cùng với mọi người đều được thoát khỏi cây tre kia. Sau đó thì họ nhà trai cùng với chàng rể của nhà mình phải ra về tay không. Còn anh chàng nông phu thì lại đúng như ước nguyện được cưới con gái phú ông làm vợ.

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Thạch Sanh - Lý Thông

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Thần sắt

Xưa có anh nông dân một mình sống ở cái lều ven rừng. Anh không có một tấc sắt nên làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi bằng đá, đẽo cây bằng gỗ, đào hố tra bắp bằng đầu que. Khổ sở hết chỗ nói, thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo...

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...