Nhiệt độ cơ thể căn bản là cố định, thường ở mức 37 độ C. Khi chỉ số này vượt quá phạm vi bình thường thì gọi là "sốt". Trước kia, nhiều người cho rằng sốt là không tốt. Vì khi lên cơn sốt, người ta cảm thấy khó chịu, tim đập nhanh, thở dốc, ăn ít và đau đầu.
Những năm gần đây, các nhà y học cho rằng, việc lên cơn sốt không phải là không tốt. Trước hết, cơn sốt là tín hiệu của bệnh, có lợi cho bác sĩ chẩn đoán. Ngày nay, một số người cứ hễ lên cơn sốt, chưa làm rõ nguyên nhân đã dùng thuốc hạ sốt. Như vậy, tuy chứng bệnh tạm thời được hòa hoãn nhưng bộ mặt thật của bệnh đã bị che lấp, gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra, cơn sốt là phản ứng phòng vệ có tính sinh lý để cơ thể chống lại vi khuẩn xâm nhập, có tác dụng bảo vệ cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, năng lực hoạt động của các loại men tăng lên, sự hấp thu đào thải trở nên mạnh mẽ, công năng giải độc của gan mạnh lên rất nhiều. Đồng thời, lượng bạch cầu - phòng tuyến bảo vệ tự nhiên trong máu - cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Chúng sẽ bao vây từng đám vi khuẩn gây bệnh, khiến cho vi khuẩn bị tiêu diệt. Lúc đó, nhiệt độ cơ thể sẽ dần dần trở về bình thường, sức khỏe cũng được khôi phục.
Cơn sốt còn làm cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể trỗi dậy, khiến cho cơ thể sản sinh sức đề kháng đối với bệnh tật. Một số bệnh nhân ung thư sau khi khỏi một bệnh nhiễm khuẩn đã phát hiện thấy khối u trở nên chậm phát triển. Đó là do cơn sốt đã kích thích hệ thống miễn dịch.
Đương nhiên, sốt cao quá và kéo dài sẽ không có lợi cho cơ thể vì sẽ làm nhiễu loạn các công năng sinh lý, cần phải xử lý hạ sốt.