Sự tích hoa Sim và hoa Mua

Từ thuở xa xưa nước Việt mình bị giống người mắt ti hí ở phương bắc thường xuyên xuống xâm lược, cướp phá, với dã tâm thôn tín người Việt, chúng thực hiện chính sách “ sát phu hiếp phụ”, tàn phá xóm làng, hủy hoại di sản, thiêu đốt văn tự. Với lực lượng đông đảo, hiểm ác bởi vậy nên khi chúng đi đâu thì ở nơi đó trở nên tang tóc điêu tàn.

Trước cảnh đau thương ly tán, nhà tan của nát, để bảo vệ quê hương giữ làng giữ nước những tráng đinh từ miền ngược xuống miền xuôi tự nguyện tập hợp nhau lại thành một đội ngũ, họ tự trang bị vũ khí cho mình rồi từ biệt quê hương ra nơi sa trường để cản bước tiến của bọn giặc hung bạo. Còn lại nơi quê nhà chỉ là nữ giới, người già cả và trẻ thơ hoặc những người bệnh tật không thể theo bước những đoàn quân. Tuy vậy để động viên khích lệ những người tiên phong ra nơi cây tên mũi giáo họ bám trụ lại nơi chôn nhau cắt rốn hăng hái lao động, tích lũy lương thảo, bảo ban chăm sóc những đứa con thơ dại nhằm tạo nên một hậu phương tin cậy đối với người đi xa.

Tình cảnh ấy đã rung động đến trái tim Thượng Đế, thế rồi ngài phái hai thiên sứ xinh đẹp của mình là Tử Sim và Tử Mua xuống nước Việt giúp đỡ những người dân lành. Một thiên sứ phái xuống làng Hoằng Hóa giúp người miền xuôi, thiên sứ còn lại được phái xuống bản Tuần Giáo giúp đỡ người vùng cao. Trước khi cưỡi mây xuống hạ giới Thượng Đế có dặn hai thiên sứ của mình rằng:

- Các ngươi xuống trần gian giúp đỡ người dân lầm than trong cơn binh đao, hoàn thành nhiệm vụ trở lại thiên đình ta sẽ tăng phẩm cấp cho nhưng với điều kiện các ngươi không được phép vướng vào vòng luyến ái nơi trần tục, còn nếu như trót phạm phải điều ta đã dặn thì sẽ bị hóa kiếp thành thảo mộc và ở lại trần gian mãi mãi.

Giáng trần xuống hạ giới hai thiên sứ hóa thân thành hai thôn nữ đoan trang, dịu dàng ở hai miền xuôi ngược khác nhau. Hằng ngày họ làm ruộng nương để tạo ra thóc gạo. Thời gian còn lại cả hai đều chăm chỉ dệt vải, thêu thùa, tìm thuốc chữa bệnh cho những ai ốm đau. Thỉnh thoảng họ còn đi quyên góp thêm vật chất cứu giúp người có hoàn cảnh cơ hàn, khốn khó. Năm tháng trôi qua, nàng Tử Sim cảm thương rồi yêu chàng trai sơn cước tên là Thái Sơn, còn nàng Tử Mua thì quí mến cảm phục rồi đem lòng yêu chàng trai lực điền tên là Đại Hải ở vùng châu thổ lúc nào cũng không hay.

Đến lần sung binh tiếp theo cả hai chàng trai đều ra mặt trận cùng một lượt. tuy kẻ thì ở miền xuôi, kẻ thì ở miền ngược nhưng khung cảnh đưa tiễn đều man mác giống nhau. Trong một chiều hoàng hôn tím ngắt, hình ảnh những cô thôn nữ tiễn biệt người yêu, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con... tất cả đều trĩu nặng niềm âu lo thương nhớ. Khi bóng dáng những tân binh hướng về phương Bắc khuất dần trong bóng chiều mờ ảo, tiếng nức nở còn lại vang vọng cả đất trời, khiến cho những ai chứng kiến cảnh tượng ấy đều không khỏi bùi ngùi xúc động. Từng đoàn người ra đi, lớp lớp người đưa tiễn, kéo dài như vô tận, những người phụ nữ cố nén những tiếng nức nở nghẹn ngào nhưng tình yêu thương và lo sợ sự chia ly mãi mãi chất đầy những buồng tim bé nhỏ đã bật thành tiếng khóc trên bờ môi héo mòn.

Những ngày tiếp theo đó cứ đến độ hoàng hôn buông xuống, bà lại bế cháu, mẹ bế con, các thiếu nữ có người thuơng ra trận lại đứng ở những gò đất cao ngóng trông về phương Bắc. Hễ gặp ai họ cũng hỏi thăm về tin tức của những người nơi tiền tuyến rồi khắc khoải hy vọng ngày về của những quân binh cho dù biết rằng đó chỉ là mơ hồ vô vọng. Đường xa vạn dặm, núi ngút ngàn sâu,tìm đâu thấy những người yêu dấu! Nàng tử Sim và Tử Mua cũng hòa chung vào những lớp người đưa tiễn ấy, sự chờ đợi và lo âu của hai nàng đã rung động đến Ngọc Hoàng rồi trời bỗng dưng nổi cơn lôi vũ truyền linh khí vào đất làm rung chuyển dưới chân họ để nâng tầm nhìn được xa hơn. Sự dõi theo của họ vượt qua cả những bãi dâu triền lau cố gắng trông vào khoảng không vời vợi nhưng chẳng thể nào thấy được những gì mình trông chờ mà chỉ có những vệt mây tím cứ trôi dần về nơi xa xa.

Ngày lại ngày qua cứ chiều đến hai nàng đều tìm đến gò đất quen thuộc ở hai chốn khác nhau nhưng cùng hướng về một phương trời với dòng lệ đầy vơi! Thời gian qua đi nước mắt của hai nàng không còn đủ để khóc cho người mình yêu, cơ thể suy nhược dần đến heo hon úa tàn rồi hóa thân vào đất. Chính từ hai nơi miền xuôi và miền ngược ấy mọc lên hai thân cây có những điểm giống nhau, nhưng vì lúc sinh thời Tử Mua sống gần vùng biển hứng chịu nhiều phong ba cát bỏng nên da nhám do vậy thân và lá của cây Mua cũng nhám. Còn Tử Sim sống trên vùng núi được bao bọc bởi đại ngàn, được hứng những giọt sương mai nên da mịn màng đầy đặn hơn chính vì thế cây hoa Sim sau này lá cũng trơn mịn và dầy hơn lá Mua. V

ới hoa Sim và hoa Mua không kiêu sa lộng lẫy như hoa Hồng mà chỉ là một bông hoa rừng đơn sơ khiêm nhường. Vẻ đẹp riêng biệt của loài hoa dại này đến từ cái mỏng manh như tình yêu ngắn ngủi, đến từ cái màu tím làm xao xuyến lòng người và đến từ một sức sống mãnh liệt khi nó bất chấp cảnh hoang vu của núi rừng, khô cằn của sỏi đá, khắc nghiệt của thời tiết để dâng hoa cho đời một màu tím yêu thương. Màu tím ở đây là một nguồn mỹ cảm vì nó trở thành sắc màu thời gian, sắc màu thương nhớ. Lắng đọng của tình yêu, của cái đẹp và của niềm đau xót tràn trề tạo nên một sắc tím thủy chung, u buồn; bạt ngàn núi đồi, trùng trùng tiếc nuối…

Cái màu tím đã mang sứ điệp của sự thủy chung và chờ đợi. Người con gái khi chọn yêu hoa sim đã không biết mình chọn sự chờ đợi. Trong bao nhiêu loài hoa, hoa Sim – hoa Mua chỉ là một loài hoa dại, sống trên đất cằn sỏi đá. Đẹp thay một loài hoa, thật kỳ lạ mỗi khi nở là hàng chục bông một lúc rạng rỡ, hoa đẹp trên nền tảng đất đai khắc nghiệt, đẹp trong sự lẻ loi. Người con gái yêu đất mẹ lầm than giờ nước mắt và thân xác hòa vào mảnh đất quê hương đã biến thành một khóm Sim – Mua lay động trên đường dõi theo người lính trẻ hành quân.

Hằng năm cứ vào khoảng tháng ba đến tháng tám thì loài hoa ấy lại dâng tặng cho đời những cánh tím đong đưa theo gió trên khắp những miền gò đồi hoang vu. Từ vẻ đẹp nhẹ nhàng mong manh nhưng cũng đầy sức mê hoặc đó là thứ ngôn ngữ để những chàng trai thổ lộ tình yêu. Hoa Sim - hoa Mua còn mang biểu tượng cho những cô gái mộc mạc, giản dị mang trái tim nhân hậu yêu thương nước Việt và sự bao dung, thủy chung son sắt.

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Thời Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...