Tục truyền ngày xưa khi vua Hùng mới dựng nước, ven các con sông Thao, sông Đà, sông Lô đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Cư dân Văn Lang vẽ chàm vào người xuống đồng bắt cá về ăn. Vùng đồng kẻ Gáp, kẻ Vầy cá nhiều vô kể, ăn cá mãi cũng chán. Các cụ già làng thường thấy trên những bãi bồi hàng năm nở lên những vạt cây tốt nhanh, lá giống lá mía, thân như thân lau, nở từng bụi sum suê, bông trĩu, quả to, có quả như cái thuyền con, khi quả chín rụng xuống đất, chim sóc cứ mổ mà ăn không xuể.
Các già làng liền rủ nhau lấy rìu bổ ăn thử, ăn vào đến đâu thấy dễ chịu đến đấy, nếu đem cho vào ống nứa đốt như nấu khoai mài, ăn thấy càng thơm ngon. Thấy vậy, dân làng rủ nhau đi nhặt về để dành ăn vào mùa đông rét mướt.
Nhưng có năm cây vẫn tốt, lúc ra hoa trời nắng bông lại lép kẹp, bông thì to nhưng cứ giơ thẳng lên trời như những mũi mác, cả làng cả bản tha hồ đốt cây trầm hương gọi là vía, gọi hồn hạt cũng không to, bông vàng không trĩu xuống.
Vua Hùng thấy vậy, cùng các già làng tìm một ngọn núi cao im lặng trèo lên trên đỉnh, đốt hương khấn vái bốn phương mong Long Quân về phù hộ. Vua Hùng cùng các già làng cầu khấn mãi từ sáng đến hết đêm. Sáng hôm sau, bỗng nhiên trời nổi sấm sét, mưa từ đâu như trút nước xuống, rồi từ trong đám mưa có vị thần nói to lên rằng:
- Từ nay trở đi cứ sáng mồng một Tết, nhà nào cũng phải quét sạch nhà cửa cổng ngõ sân bãi đến giờ "dần" sẽ có lúa thần về mới được ăn, bằng trái ý là lúa bay đi.
Tan cơn mưa, vua Hùng và các già làng như tỉnh giấc mộng, nhìn thấy ngay trước mắt mình một hạt lúa thần thật to bằng chiếc thuyền con.
Từ đó về sau năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng bảy, tháng tám khi nước các con sông rút đi là tất cả cư dân Văn Lang, cùng với vua Hùng nghe theo lời thần dạy, ra những bãi bồi ven sông cày bừa vun xới, chăm chút nâng niu những cây lúa thần. Từ đấy năm nào lúa cũng về đều đặn, dân cư no lành, vui mừng ca hát, nhảy múa. Nhưng bỗng một năm có hai vợ chồng nhà quan lang còn trẻ, chị vợ ngủ trưa, khi mở mắt ra những tia sáng của thần trời đã le lói chiếu qua khe liếp nhà, mới vội vàng cầm chổi đi quét sân. Chị vợ đang quét thì lúa tới giờ đã lăn từ ngoài bãi bồi lăn về. Hạt lúa thật to, thật đẹp, nhưng cổng nhà rác quá, lúa không vào được, chị vợ sợ chồng mắng mới quay ra mắng lúa:
- Lúa gì mà chưa đến giờ đã mò về.
Lúa giận rồi bỏ đi. Trước khi đi, lúa còn bảo:
- Nhà chị lười quá, từ nay cứ lấy ngoèo tre, lưỡi sắt cắt từng bông chứ đừng hòng ta lăn về cho mà ăn nữa.
Chị vợ hối hận chạy theo van nài, nói thế nào cũng không được. Lúa thần bay đi, cư dân Văn Lang lại lao đao vì thiếu cái ăn. Vua Hùng lại phải cùng các già làng lên đỉnh núi cầu khấn trời đất, thắp hương suốt ngày đêm, gọi vía lúa, lúa thần vẫn không về. Còn những cây lúa hằng năm vẫn chăm sóc ở bãi bồi ven sông thì lá bé đi, bông nhỏ lại chỉ bằng phần nghìn, phần vạn hạt lúa thần và phải lấy cái ngoèo tre, đóng một miếng sắt (gọi là liềm) đi cắt từng bông một mang về.
Từ đó, hằng năm cứ sắp đến mùa lúa nở, cư dân Văn Lang và vua Hùng lại cầu khấn thần lúa. Và mỗi khi nước sông rút đi, lại ra sức chăm sóc những cây lúa ven sông rồi mang ngoèo tre, lưỡi sắt đi cắt từng bông lúa mang về.