Tham thì thâm

Ngày xưa, trong một làng ven sông Đà có một người rất giàu có, nhưng tính tình tham lam, gian ác.

Một hôm, vào tối tháng chạp, có một cụ già rách rưới, không biết từ đâu đến, đi vào làng. Bà cụ tìm đến nhà tên giàu xin trú thân. Thấy cụ yếu đuối và rách rưới, hắn đuổi không cho ngủ nhờ. Bà cụ vẫn cứ xin mãi, hắn cũng một mực đuổi ra. Bà cụ đành phải đi.

Vừa đi khỏi cổng, bà gặp một người nông dân từ xa đi tới. Thấy người già yếu, đi trong đêm tối rét mướt, anh hỏi:

 - Cụ ở đâu mà đêm hôm vẫn còn lặn lội ở ngoài đường thế này?

Bà cụ đáp:

- Tôi từ xa tới, đến đây thì nhỡ độ đường, vừa vào nhà kia (cụ chỉ về phía nhà giàu) xin ngủ nhờ một đêm nhưng nó không cho.

Anh liền nói:

- Mời cụ vào nhà tôi nghỉ tạm vậy.

Bà cụ theo anh nông dân về nhà. Nhà anh là một cái túp lều xiêu vẹo, rách nát. Vừa vào đến nhà anh đã kể đầu đuôi câu chuyện cho vợ rõ. Nhà chỉ còn một bát gạo, hai vợ chồng đem nấu cho bà cụ ăn. Cơm nước xong, hai vợ chồng dọn giường chiếu cho bà cụ ngủ. Mùa đông, gió rét, bà cụ run lên cầm cập. Nhà chỉ có một chiếc chăn đơn cũ kĩ, hai vợ chồng cũng nhường cho bà cụ đắp. Bà cụ lên giường nằm, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa sưởi, chờ cho bà cụ ngủ say mới đi nằm. Nhưng họ vừa đặt mình xuống chưa chợp mắt thì bà cụ rên hừ hừ, kêu đau bụng. Hai vợ chồng dậy lấy cho bà cụ một chiếc chậu sành để đi đại tiện. Một đêm, bà cụ đi đến bảy, tám lần. Hai vợ chồng phải thay phiên nhau đỡ bà cụ.

Gần sáng, đôi vợ chồng mệt quá, thiếp đi lúc nào không biết. Khi hai người tỉnh dậy thì tròi đã sáng, nhìn sang giường bên thì không thấy bà cụ đâu cả. Người vợ bưng chậu đi đổ, thấy nặng khác thường: Chị nhìn xuống thì thấy trong chậu đầy vàng óng ánh.

Từ đó, hai vợ chồng trở nên giàu có. Tuy vậy, họ không bao giờ quên cảnh nghèo khi trước nên vẫn hết sức giúp đỡ những người trong cảnh khốn cùng.

Tiếng lành đồn xa, khắp dân trong vùng ai ai cũng biết. Tên phú ông lân la đến chơi nhà hai vợ chồng, dò hỏi. Từ đấy, ngày nào hắn cũng mong được gặp lại bà cụ. Bỗng một hôm, trời gần tối, không biết từ đâu, bà cụ lại đến nhà hắn xin ngủ nhờ. Hắn khấp khởi mừng thầm, vui sướng như mở cờ trong bụng. Nhà hắn thì tòa ngang dãy dọc, nhưng hắn cho bà cụ nằm dưới bếp. Thóc của hắn có hằng bao nhiêu vựa, nhưng hắn chỉ cho bà cụ một bát cơm nguội với vài quả cà thiu. Xưa nay, hắn chưa cho ai một tí gì, nên hắn tưởng thế đã là hậu đối với người nghèo khó. Đêm ấy, hắn ngồi đợi bà cụ đi ra vàng. Hắn thức khuya mà vẫn thấy cụ ngủ im thin thít, không kêu đau bụng gì cả. Mệt quá, hắn bỏ đi nằm. Vừa đặt mình xuống thì bà cụ kêu đau bụng, rồi một lát sau đòi đi ra ngoài.

Hắn quên mất ý định từ trước, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, hắn mắng bà cụ:

- Của nợ, chỉ thấy quấy rầy người ta. Muốn đi thì ra ngoài kia mà đi, ai hầu được!

Nhưng sực nhớ ra bà cụ có cái bụng chứa đầy vàng hắn vội nói:

- à à, thôi được, cứ nằm đấy, tôi mang chậu vào cho.

Thế rồi hắn vội đi lấy cái thùng to tướng và giục bà cụ ngồi vào đó. Bà cụ đau suốt đêm và đi như tháo cống. Tên phú ông thấy bà cụ đi nhiều, rất lấy làm mừng. Suốt đêm, hắn không sao chợp mắt được, chỉ mong cho chóng sáng. Nhưng đến khi tờ mờ sáng thì hắn lại ngủ thiếp đi.

Sáng rõ, tên phú ông tỉnh dậy, không thấy bà cụ đâu cả. Hắn vội đến thùng vàng thì mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Hắn tím mặt, vội đi tìm bà cụ, hung hăng định cho một trận, nhưng không thấy bóng dáng bà cụ đâu cả.

Duyên nợ tái sinh

Ngày xưa, có một anh học trò trẻ tuổi nhà nghèo xơ nghèo xác. Vì có cha mẹ già, anh phải lang thang đây đó làm nghề gõ đầu trẻ để nuôi thân và nuôi cha mẹ. Mãi về sau, anh được một phú ông ở một làng nọ mời về "ngồi" tại nhà...

Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Thời Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Thạch Sanh - Lý Thông

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống...

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều

Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ, phật tử chẳng đâu là không có. Các chùa như chùa Hoàng Giang, chùa Đồng Cổ, chùa An Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...