Hơn 300 năm trước, giáo sư Sankerfreise người Italy đã làm một thí nghiệm rất lạ nhưng cũng rất thú vị: Ông treo một chiếc ghế vào đầu một cán cân rất lớn. Suốt ngày ông ngồi trên ghế và chốc chốc lại ghi trọng lượng của mình. Ông phát hiện thấy thời gian ngồi càng lâu thì trọng lượng càng nhẹ. Khi ông ăn cơm xong, trọng lượng lại tăng lên. Nhưng ngồi một chốc thì trọng lượng giảm dần. Vậy thức ăn ông ăn vào cuối cùng đã biến đi đâu? Ông Sankerfreise cho rằng, khi ông ngồi, cơ thể giải phóng ra rất nhiều "mồ hôi vô hình", không nhìn thấy được. Chính vì thế mà trọng lượng bị giảm dần.
Cách giải thích của ông Sankerfreise có đúng không? Chỉ đúng một phần. Theo cách nhìn của khoa học hiện đại, thức ăn ta ăn vào phần lớn đều bị đốt cháy thành nhiệt lượng, phần còn lại bị đào thải ra ngoài.
Cơ thể người giống như một cái lò. Lò muốn cháy phải liên tục thì phải cho nhiên liệu. Cơ thể không ngừng vận động và phát nhiệt, đòi hỏi phải được định kỳ cho thêm nhiên liệu (thức ăn). Trong thức ăn có anbumin, mỡ, các hợp chất của carbon và nước. Dưới tác dụng của các loại men trong cơ thể, chúng bị "đốt cháy", tức là bị ôxy hóa, tuy không phát sinh ngọn lửa nhưng giải phóng ra rất nhiều nhiệt.
Anbumin sau khi bị "đốt" sẽ biến thành các chất được đào thải ra theo nước tiểu. Mỡ, các hợp chất của carbon và nước sau khi bị "đốt" sẽ biến thành khí CO2 và nước. Khí CO2 đi ra theo đường hô hấp, còn nước một phần đi ra theo đường hô hấp, một phần biến thành "mồ hôi vô hình" thoát ra qua mặt da, cũng có phần bài tiết qua nước tiểu. Những chất này được bài tiết ra nên cơ thể nhẹ đi, vì thế mà Sankerfreise càng ngồi lâu càng nhẹ. Cũng chính vì thế mà người ta phải ăn, phải uống để cung cấp nhiệt lượng, làm cho cơ thể hoạt động được.
Theo thống kê, nếu sống đến 80 tuổi, con người cần đưa vào cơ thể 70-75 tấn nước, 2,5-3 tấn anbumin, 13-17 tấn các hợp chất của carbon và nước, 1 tấn mỡ. Tổng trọng lượng những chất này nặng gấp 1.500-1.600 lần trọng lượng cơ thể.