Nếu có chuyến du lịch đến vùng núi nào đó, bạn hãy hướng về phía vách đá dựng đứng và hét to một tiếng, sau 1 đến 2 giây, bạn có thể nghe thấy tiếng vọng dội trở lại, lặp lại tiếng nói của bạn. Trong hang núi hoặc trong gian phòng lớn không có người, nếu hét to, bạn cũng nghe thấy tiếng vọng tương tự.
Vậy tiếng vọng đã được hình thành ra sao?
Khi âm thanh đi từ nguồn phát (chẳng hạn là người hét) gặp phải vật thể có diện tích lớn cản lại, một phần năng lượng của âm thanh sẽ phản xạ trở lại, một phần khác bị hấp thụ. Nếu thời gian người nghe nghe thấy âm thanh truyền thẳng và âm thanh dội lạ cách nhau quá 1/10 giây, thì người sẽ phân biệt được hai dạng âm thanh, dạng âm thanh bị phản xạ trở lại được gọi là tiếng vọng.
Nếu biết vận tốc của âm thanh, ta sẽ đo được khoảng thời gian cách quãng từ khi âm thanh phát ra cho tới khi phản xạ trở lại nguồn phát. Chẳng hạn, âm thanh truyền trong không khí với vận tốc khoảng 330 - 340m/giây, nếu từ khi bạn hét tới khi nghe thấy tiếng vọng cách nhau 2 giây, vậy thì bạn đứng cách ngọn núi là 680/2 = 340m (2 giây là thời gian âm thanh đi và về).
Lợi dụng nguyên lý hồi âm, người ta đã chế tạo ra thiết bi định vi âm thanh (Sô na), dùng để đo độ sâu của nước biển hoặc khoảng cách đến một vật thể trong nước.