Trên tây bắc biển Thái Bình Dương, một năm bốn mùa đều có gió lốc (áp thấp) nhưng phần nhiều tập trung vào mùa hạ chuyển sang mùa thu. Nếu lấy tháng 3 - 5 là mùa xuân, tháng 6 - 8 là mùa hạ, tháng 9 - 11 là mùa thu, tháng 12 - 2 là mùa đông thì mùa hạ và mùa thu tỉ lệ phát sinh gió lốc mỗi mùa chiếm 42%, còn mùa đông và mùa xuân, mỗi mùa chỉ chiếm 8%. Sự phát sinh áp thấp đòi hỏi năng lượng tích tụ lớn. Nhiệt độ trên biển về mùa hè cao, độ ẩm lớn, nguồn năng lượng dồi dào có lợi cho hình thành gió lốc. Còn mùa đông thì ngược lại, do đó gió lốc mùa hè nhiều, mùa đông ít, đó là điều dễ hiểu.
Nhưng mùa xuân và mùa thu đều là mùa quá độ giữa lạnh và nóng, tỉ lệ gió lốc lại phát sinh khác nhau là vì sao?
Hình thành gió lốc phải có ba điều kiện cơ bản: nguồn năng lượng (nhiệt độ nước biển trên 26 - 27°C), môi trường thích hợp (chủ yếu là dải hội tụ nhiệt đới) và lực quay hướng xiên của Trái Đất (khu vực ngoài đường xích đạo). Trong đó lực quay hướng xiên của Trái Đất mùa nào cũng có, còn hai điều kiện khác thì những mùa khác nhau sự khác biệt rất nổi bật.
Độ ấm nước biển thay đổi theo mùa. Từ mùa đông đến mùa hạ, nước biển hấp thu nhiệt bức xạ của ánh nắng Mặt Trời được nhiều hơn lượng nhiệt từ nước biển nhả ra, cho nên nước biển nóng dần lên, còn từ mùa hạ sang mùa đông thì ngược lại, nhiệt độ nước biển dần dần giảm thấp. Nhưng vì thời điểm lượng nhiệt hấp thu và nhả ra của nước biển đạt đến cân bằng không phải là ngày Hạ chí và ngày Đông chí, tức là lúc ánh nắng Mặt Trời chiếu thẳng xuống mặt đất ở vị trí bắc nhất và nam nhất, cho nên thời điểm nhiệt độ nước biển cao nhất không phải là tháng 6 mà là tháng 8, thời điểm nhiệt độ nước biển thấp nhất không phải là tháng 12 mà là tháng 2. Sự biến đổi chậm hơn của nhiệt độ nước biển này so với mùa thiên văn, khiến cho nhiệt độ nước biển mùa thu cao hơn nhiệt độ nước biển mùa xuân, phạm vi nhiệt độ nước biển cao hơn 26 - 27°C ở mùa thu dài hơn nhiều so với mùa xuân, đó chính là nguồn năng lượng dồi dào để gió lốc hình thành vào mùa thu.
Mùa hạ và mùa thu dải hội tụ nhiệt đới nằm ở vùng 10 - 20 vĩ độ Bắc, ở đó lực quay xiên của Trái Đất đủ để duy trì sự chuyển động xoáy của gió lốc, là mùa có lợi cho hình thành gió lốc. Mùa đông dải hội tụ nội nhiệt đới chuyển sang vùng gần 10 độ vĩ Nam so với đường xích đạo, lúc đó đúng là mùa gió lốc ở Nam bán cầu hoạt động mạnh lên, còn gió lốc ở Bắc bán cầu thì đã giảm xuống rõ rệt.
Mùa xuân dải hội tụ nhiệt đới nằm gần đường xích đạo, vì ở đó không có lực lệch hướng do Trái Đất tự quay gây nên, trong dải hội tụ nội nhiệt đới không khí chỉ có thể bốc lên, gây nên không ít những trận mưa giông, nhưng không khí không thể quay tròn để phát triển thành gió lốc. Do đó từ nguồn năng lượng và điều kiện môi trường hình thành gió lốc mà xét, mùa thu so với mùa xuân ưu việt hơn nhiều cho nên gió lốc cũng nhiều hơn.