Nói đến không khí ô nhiễm, bạn thường liên tưởng đến đó là những ống khói của các nhà máy hóa chất đang nhả khói cuồn cuộn, hoặc khí thải của hàng ngàn, hàng vạn ô tô trên đường phố mà rất ít nghĩ đến tình trạng không khí trong phòng. Vậy vì sao phòng ở cũng bị ô nhiễm? Thậm chí có lúc ô nhiễm rất nặng.
Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu gây nên ô nhiễm trong phòng. Trong khói thuốc chứa rất nhiều chất có hại, còn chứa cả một lượng lớn “hạt li ti khói thuốc”. Những hạt này rất dễ ngưng lại ở những chỗ sâu nhất trên đường hô hấp, gây tác hại cho đường hô hấp. Hút thuốc không những khiến cho người hút bị ô nhiễm mà còn làm cho người không hút cũng hít phải khói thuốc. Theo điều tra của nhiều nhà khoa học trong mấy năm gần đây, hàng năm có hàng nghìn, hàng vạn người không hút thuốc vẫn bị chết bởi bệnh ung thư phổi, bệnh tim, rất nhiều trẻ em mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi, viêm yết hầu hoặc bệnh hen, nguyên nhân là trong nhà có người hút thuốc.
Trong phòng các loại quần áo, ghế salon, thảm nhà cũng gây nên ô nhiễm. Đầu những năm 90 ở Nhật Bản xuất hiện loại “bệnh thảm”, do nhiều loại vi khuẩn ở trong thảm sàn nhà gây nên. Bệnh nhân phần nhiều là trẻ em. Triệu chứng thường gặp là sốt cao liên tục, toàn thân tróc da, nghiêm trọng hơn còn phát sinh các chứng về tim, dẫn đến tử vong. Nếu những đồ dùng trong nhà dính phải bụi bặm và các chất bẩn mà không được quét rửa hoặc thay đổi kịp thời thì các chất như mỡ, trứng sau khi gây bẩn ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm trong phòng thích hợp sẽ phân giải và khuếch tán khí axit cacbonic, khiến cho các chất men và các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, làm cho con người bị cảm nhiễm về đường hô hấp.
Sự ô nhiễm phòng ở còn do các dụng cụ gia đình, tường nhà và sàn gây nên. Bề mặt của chúng thường quét các loại sơn hoặc vôi, những loại sơn này có các chất dính sẽ giải phóng ra một số chất có hại, khi đạt đến một nồng độ nhất định sẽ kích thích cơ quan hô hấp và da. Ngoài ra, khi trong gia đình dùng thuốc diệt côn trùng, dùng các hóa chất làm sạch và đồ mĩ phẩm cũng sẽ gây nên ô nhiễm.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và nguy hại do không khí trong phòng ô nhiễm gây nên, chúng ta phải chú ý bảo đảm phòng ở sạch sẽ, thường xuyên mở cửa sổ để không khí trong và ngoài lưu thông, giảm nhẹ ô nhiễm.
Từ khoá: Ô nhiễm không khí._