Chim ngủ bằng cách nào?
Loài chim ngủ bằng cách nào? Tư thế ngủ ra sao? Ngủ ở đâu? Mỗi ngày ngủ bao nhiêu lâu? Đây đều là những vấn đề mà mọi người muốn biết.
Thực ra loài chim cũng giống như con người vậy, ban ngày cũng có hiện tượng "ngủ trưa".
Khi bạn bước vào vườn thuỷ cầm ở trong vườn bách thú, bạn sẽ nhìn thấy nhiều chim như chim nhạn, thiên nga... ở nhiều tư thế khác nhau, có con đang bơi trong ao, đang đuổi theo vui đùa với nhau, có con đang bận kiếm thức ăn, phát ra nhiều tiếng kêu ồn ào huyên náo, hiện ra một cảnh tượng bừng bừng sức sống, làm cho các du khách lưu luyến khó quên. Nhưng đến buổi trưa, hầu như bạn không nghe thấy tiếng hót nữa, chỉ nhìn thấy từng đôi uyên ương và nhiều con chim nhạn, thiên nga, cong đầu về hướng mặt lưng, vùi vào dưới cánh, ung dung trôi trên mặt nước, dập dềnh theo gió; còn những con chim nhạn, thiên nga và các loài chim lội nước khác như cò, sếu, hạc, vạc... ngủ trên mặt đất bên cạnh ao, một chân co lên, chân kia đứng trên bờ ao, hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi, hoặc vùi đầu xuống cánh. Chúng đều đang "ngủ trưa" đấy!
Ban ngày, bất luận giờ nào bạn đến vườn chim hót, những loài chim nhỏ làm người ta rối mắt như chim tương tư, chim hoạ mi, sơn tước, sơn tước đỏ, v.v. đều nhảy nhót không ngừng trên mặt đất hoặc chuyền đi chuyền về giữa các cành cây, dường như ban ngày chúng không hề ngủ. Nhưng bạn chỉ cần chú ý quan sát một chút còn có thể phát hiện ra một số chim nhỏ đứng trên cây đang nhắm mắt để "ngủ trưa" tạm thời.
Những loài chim rừng thích sống trên mặt đất như gà rừng vào buổi trưa chúng thường tắm cát trên mặt đất tương đối râm mát, đôi khi chúng nằm sảng khoái trong hố cát, hoặc "ngủ trưa" ở trong bụi rậm, dưới gốc cây lớn kín đáo. Nhưng đến buổi tối chúng bay lên cây để ngủ đêm trên những cành cây có cành lá um tùm, điều kiện ẩn náu tốt. Chim cú là loài mãnh cầm trực ban đêm, ban ngày đậu trên cành cây có cành lá sum suê. Điều thú vị là ban ngày bất cứ lúc nào bạn cũng có thể phát hiện được nó, nó thường mở một mắt, nhắm một mắt đứng trên cành cây rậm rạp, ngủ ở đó không động đậy. Đây là tư thế ngủ đặc biệt của cú.
Những loài chim nước (nhạn, thiên nga...) và loài chim lội nước (cò, sếu, hạc, vạc...) trong giới tự nhiên, ngoài ban ngày có "ngủ trưa" ngắn ngủi khi kiếm ăn ra, khi màn đêm buông xuống liền bay về nơi ngủ đêm như đầm lau sậy, đồng cỏ, bụi rậm hoặc trong rừng để ngủ đêm.
Đại đa số loài chim ngoài thời kì ấp trứng, nuôi chim non phải ngủ trong tổ ra, nói chung đều không ngủ trong tổ. Khi chim non ra khỏi tổ, có thể bay nhảy, chúng liền rời khỏi tổ ngay và không quay về tổ nữa.
Vậy thì, rốt cuộc loài chim một ngày ngủ bao nhiêu tiếng, hiện nay vẫn chưa có người trong giới chuyên môn nghiên cứu. Nhưng đối với loài chim cá biệt như chim trĩ, mọi người đã quan sát và phát hiện thấy khi trời tối trong một tiếng sau khi lên cây, nó đã ở vào trạng thái ngủ say. Lúc này thợ săn có thể dùng súng bắn một con trong đàn, những con gà khác đậu trên cùng cây lại không sợ hãi bay đi mà vẫn đậu ở chỗ cũ không động đậy; nhưng qua thời gian ngủ say thì chúng tỉnh dậy khá dễ dàng, khi bị kinh động lập tức bay tản ra khắp nơi.