Ngày nay làm thế nào để biết được khí hậu cổ xưa?
Trái Đất ta sinh sống đã có lịch sử mấy tỉ năm, nhưng loài người dùng văn tự để ghi chép mới chỉ mấy nghìn năm.
Hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng trăm triệu năm về trước, khi đó khí hậu như thế nào? Điều đó đối với nghiên cứu xu thế biến đổi khí hậu của Trái Đất có một giá trị tham khảo nhất định.
Vậy con người làm thế nào để biết được khí hậu xa xưa? Muốn thế phải dựa vào sự giúp đỡ của các hoá thạch nằm im lâu ngày trong lòng đất.
Ở tầng sâu trong vỏ Trái Đất chứa nhiều phấn hoa thực vật và các khoáng vật làm thành từng vệt. Mặc dù rất im lìm, nhưng nó đã ghi lại lịch sử biến đổi khí hậu lâu đời trên Trái Đất. Thời kỳ băng giá Phồn dương cách đây 80 vạn năm, thời kỳ băng giá Đại cô cách đây 50 vạn năm, thời kỳ băng giá Lư sơn cách đây 30 vạn năm đều có thể tìm thấy những chứng cứ không khí biến lạnh trong hoá thạch.
Như ta đã biết, khí hậu khác nhau thì sự phân bố chủng loại của thực vật cũng khác nhau. Các nhà cổ sinh vật học căn cứ sự biến đổi phấn hoa của thực vật nằm dưới đất là có thể đoán biết được khí hậu ngày xưa. Ví dụ sự phân tích phấn hoa hoá đá chứng tỏ: Thượng Hải cách đây 7000 - 5000 năm TCN, phấn hoa cây thông đã giảm ít rõ rệt, còn phấn hoa ở những cây lá rộng, thường xanh lại tăng lên, biến thành loại cây chiếm ưu thế. Điều đó có nghĩa là thảm thực vật Thượng Hải thời đó tương đương với thảm thực vật miền Nam Chiết Giang hiện nay, căn cứ vào đó có thể biết được thời đó nhiệt độ cao hơn ngày nay khoảng 2 - 3°C, thuộc khí hậu nóng ẩm. Cách đây khoảng 4000 năm phấn hoa thông tăng nhiều, phấn hoa cây lá rộng không thấy nữa, chứng tỏ thời kỳ ấy thuộc khí hậu lạnh mát.
Gần đây ở tầng băng gần Nam Cực người ta tìm thấy một hiện tượng rất lý thú: Một số năm khí hậu khác thường, trong lớp băng có những dấu vết rất rõ. Ví dụ năm 79, hoả diệm sơn ở đó đã gây nên mưa axit, trong lớp băng còn lưu lại các tàn tích, năm 1815 hoả diệm sơn ở Inđônêxia đã làm cho sản lượng nông nghiệp ở Mỹ bị giảm xuống và làm cho vùng Thaiushơ ở London trở thành năm lạnh giá, tất cả các hiện tượng này đều được ghi chép trong lớp băng.
Ngoài ra sự tăng hay giảm các dòng sông băng trên núi cao cũng có thể cho ta biết được khí hậu đời xưa. Theo khảo sát của các nhà khoa học, trên núi Anpixơ châu Âu lượng băng chỉ còn bằng một nửa của năm 1950, tổng diện tích sông băng giảm thấp 30% - 40%. Điều đó chứng tỏ châu Âu hơn 100 năm trước lạnh hơn bây giờ rất nhiều.