Thần trụ trời
Thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết. Mỗi bước thần đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia.
Một hôm, thần vươn vai đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên. Thần đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Cột đắp lên cao chừng nào thì trời như tấm màn mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần một mình hì hục đào, đắp, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh.
Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.
Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Vì thế, mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lõm, chỗ lồi. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.
Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.
Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...
Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay:
Ông đếm cát
Ông tát bể
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng cây
Ông xây rú
Ông trụ trờị..