Viên thị vệ Sura
Ngày xửa ngày xưa, ở Indonesia có một ông vua chỉ cần nhìn mặt người nào là đoán ngay được tương lai của người đó.
Một hôm, nhà vua để ý thấy một viên thị vệ đang làm phận sự có nét buồn trên mặt. Quan sát kĩ mặt viên thị vệ ấy, ngài biết anh ta có cuộc sống khó khăn.
Nhà vua cảm thấy thương viên thị vệ ấy, bèn quyết định giúp đỡ anh ta. Nhà vua gọi anh ta lại và hỏi: "Tên ngươi là gì?".
Viên thị vệ đáp: "Tâu bệ hạ, tên hạ thần là Sura ạ!".
Vua hỏi: "Người và gia đình sống có dễ chịu không?".
Sura đáp: "Tâu bệ hạ, hạ thần chưa có vợ. Hạ thần nghèo quá nên không cưới nổi vợ".
Vua bảo: "Đừng lo. Một ngày kia cuộc đời của ngươi sẽ thay đổi. Bây giờ ta muốn ngươi làm cho ta một việc. Chờ đây nhé!".
Nhà vua đi vào trong cung điện. Một lúc sau, ngài trở ra với một bức thư. Ngài đưa cho Sura và nói: "Ngươi hãy mang thư này đến cho quan tri huyện. Mang cả số tiền này theo ngươi. Ngươi có thể mua lương thực để ăn đường".
Sura cầm lấy bức thư, cúi đầu chào nhà vua và rời cung điện. Ngày hôm ấy nóng nực. Đi được vài giờ, Sura bắt đầu cảm thấy mệt. Đến một làng nhỏ, anh quyết định dừng lại nghỉ. Khi đang nghỉ, anh gặp người bạn cũ là Reksa.
Reksa hỏi: "Mày đi đâu vậy, Sura?".
Sura đáp: "Đến quan tri huyện. Đức vua sai tao đem bức thư này đến cho ông ấy".
Reksa bảo: "Tốt đấy!".
Sura hỏi: "Mày muốn nói gì? Ngày hôm nay nóng bức quá mà nhà vua trả công cho tao chỉ có một món tiền nhỏ để đi trao bức thư".
Reksa bảo: "Mày phải xem việc mang bức thư của Đức vua là một vinh dự. Nó cho thấy rằng ngài tin cậy mày".
Sura nói: "Tao có ý này. Tại sao mày không đem thư này trao cho quan tri huyện? Tao sẽ chia cho mày số tiền mà nhà vua đã cho tao".
Reksa đồng ý: "Tốt lắm!".
Ngày hôm sau, Reksa đến nhà quan tri huyện và trao bức thư. Quan tri huyện mở thư ra đọc ngay. Sau khi đọc xong, ông ta nhìn Reksa và hỏi: "Ngươi có biết thư nói gì không?".
Reksa trả lời: "Thưa không ạ!".
Quan tri huyện lại hỏi: "Đức vua ra lệnh cho ta phải cho phép anh chàng mang thư này đến được cưới tiểu thư con ta. Nhà ngươi có đồng ý cuộc hôn nhân này không?".
Reksa rất ngạc nhiên và cảm thấy hết sức hài lòng. Anh đồng ý cưới ngay. Một tiệc lớn được chuẩn bị và Reksa kết hôn với tiểu thư con quan tri huyện.
Trong khi đó tại cung điện, nhà vua thấy Sura vẫn còn nét buồn trên mặt, nên hỏi: "Sura, sao trông ngươi vẫn buồn vậy? Ngươi không hạnh phúc với vợ ngươi sao?".
Sura ngạc nhiên: "Vợ ư? Nhưng tâu bệ hạ, hạ thần chưa lấy vợ".
Nhà vua nhận ra kế hoạch của ngài có điều gì đó không ổn, hỏi Sura: "Thế ngươi đã làm gì với bức thư ta sai ngươi đi giao?".
Sura đáp: "Ồ, tâu bệ hạ, hạ thần đưa cho người bạn nhờ đem đi giao hộ".
Bây giờ nhà vua đã biết điều gì không ổn rồi. Tuy vậy, ngài vẫn quyết định cho Sura một dịp may nữa. Ngài đi vào trong cung điện, đem ra một quả dưa hấu. Ngài đưa quả dưa hấu cho Sura và bảo: "Đây, mang dưa về nhà mà ăn".
Sura tạ ơn nhà vua, uể oải cất bước về nhà, tay ôm trái dưa nặng trĩu. Trên đường đi, Sura nhớ cần phải mua một ít thức ăn. Nhưng vì không có tiền trong túi nên anh quyết định bán trái dưa cho bà lão bán trái cây bên vệ đường.
Bà bán trái cây quyết định xẻ trái dưa ra thành nhiều miếng. Khi cắt trái dưa ra, bà vô cùng ngạc nhiên thấy bên trong có nhiều đá quý. Bà đem bán những viên đá ấy, trở thành người giàu có. Tin tức về bà bán trái đây được của lan rộng, tới cả tai nhà vua.
Vua bèn gọi Sura vào bảo: "Ta có một bức thư muốn ngươi đem đi. Ngươi có thể làm được chăng?".
Sura đáp: "Tâu bệ hạ, được ạ!". Sura đáp, hi vọng sẽ được một phần thưởng hậu hĩnh.
Vua bào: "Được, hãy đưa thư này về cho trưởng làng của ngươi!".
Sura cầm bức thư chạy một mạch đến nhà ông trưởng làng. Trưởng làng đọc thư xong, thét lớn: "Người đâu, hãy bắt tên này ném vào ngục giam hai tháng. Như thế sẽ dạy cho hắn biết tội không vâng lời Đức vua".
Thế là, Sura bị nhốt vào ngục hai tháng. Trong thời gian đó, anh ta thấm thía rằng phải chi mình không lười biếng và không ngu dại...