Bà Rùa ấy

Bà Rùa ấy đã chọn một cái nghề mà công việc có thể nhởn nhơ: nghề khâu vá mướn.

Một buổi sáng chủ nhật, bà Rùa đang nhấm nháp con Sên non, bỗng nghe tiếng chuông reo bên nhà bác Thỏ láng giếng.

Bà Rùa bảo Sên:

– Đợi ở đây nhé! Thể tôi sang xem có việc gì mà nhà bác Thỏ rung chuông đã!

Rùa chạy thật nhanh sang nhà Thỏ, đến hôm sau thì tới.

Thỏ nói:

– Mời bác vào nhanh, nhà tôi vừa sinh cháu trai, tên cháu là Phrít.

Bà Rùa reo lên:

– Phrít, cái tên hay đấy! Tôi sẽ dành cho cháu một món quà.

Bà Rùa bảo vậy, rồi về nhà tự nhủ: “Ta sẽ khâu tặng Thỏ con một cái áo hồng vào ngày đầy tháng” và nhanh nhẹn bắt tay vào việc. Sau ba giờ đồ hồ, bà Rùa đã xâu kim xong, và bốn tiếng sau, bà khâu được mũi đầu tiên. Bà mải miết khâu, khâu thật nhanh, thật nhanh, cho đến khi xong một cái áo hồng.

Khi đó bà nghe bên nhà Thỏ rung chuông, bà nghĩ bụng: “Chắc là lễ đầy tháng cho cháy rồi, ta phải nhanh lên mới kịp”.

Bà Rùa mang cái áo hồng tới nơi, gặp một chàng Thỏ cao lớn, tai rộng, râu dài.

– Bác đến dự lễ đầy tháng cháu Phrít đấy!

Chàng Thỏ ngạc nhiên đáp:

– Muộn rồi, bác ạ! Chính cháu đây là Phrít, cháu đã đến tuổi lấy vợ rồi. Bác không nghe chuông báo lễ ăn hỏi [2] của cháu sao?

Bà Rùa kêu lên:

– Trời, chẳng lẽ bác khâu cái áo này lâu đến thế! Chắc là chật mất rồi!

Quả thật, Phrít chỉ xỏ được mỗi một cái chân vào thân áo. Cậu nói:

– Bác ơi, tối mai cháu cần một bộ quần áo cưới màu lông chuột và đôi găng tay trắng.

Thế là bà Rùa hớt hải [3] chạy về nhà khâu gấp một bộ quần áo cưới màu lông chuột và đôi găng tay trắng. Bà mải miết khâu, khâu, khâu, khâu mãi cho đến khi xong bộ quần áo cưới màu lông chuột và đôi găng tay trắng. Khi đó bà nghe chuông rung bên nhà Phrít… Bà nghĩ bụng: “Chắc là tiệc cưới đã bắt đầu, ta phải nhanh chân lên mới được”.

Đến nhà Phrít với bộ quần áo cưới màu lông chuột và đôi găng tay trắng, bà gặp Thỏ vợ đang khóc, bà kinh ngạc nói:

– Tôi đến dự tiệc cưới cháu Phrít!

Vợ Phrít than thở:

– Muộn rồi, bác ơi! Chúng cháu cưới nhau đã được mười lăm năm nay, và nhà cháu không may vừa mới mất. Bác không nghe những hồi chuông báo tử [4] cho anh ấy sao?

Bà Rùa tự trách mình:

– Ta khâu bộ quần áo cưới lâu đến thế kia ư? Thôi được, ta sẽ mang nhanh cho cháu cái áo tang [5] màu lá úa để cháu mặc.

Bà trở về nhà thật nhanh, để khâu cái áo tang màu lá úa. Bà mải miết khâu, khâu, khâu mãi cho đến khi xong cái áo tang màu lá úa.

Nghe tiếng chuông rung bên nhà bà Phrít, bà Rùa nghĩ thầm:

– Lần này chắc là ta không đến quá chậm.

Thế nhưng khi bà tới nhà bà Phrít mang theo chiếc áo tang màu lá úa, bà thấy bà Phrít đang đứng với một ông Thỏ cao lớn, bế trên tay một chú thỏ con.

Bà Rùa buồn rầu nói:

– Tôi đến dự lễ tang [6] ông nhà.

Bà Phrít đáp:

– Muộn quá, bác ơi. Nhà cháu mất đã lâu. Sau đó cháu đã tái giá [7] với ông bạn đây, và chúng cháu đã có một cháu nhỏ. Bác không nghe tiếng chuông rung lễ đầy tháng cháu đó sao.

Bà Rùa lại kêu lên:

– Trời đất, tôi khâu cái áo tang màu lá úa lâu đến thế kia ư?… Thôi được, chờ đấy, lần này tôi sẽ mang ngay, mang tặng tất cả các thứ cho chú Thỏ con này vào đúng lễ đầy tháng của cháu.

Nói đoạn, bà Rùa vội vã về nhá, gói ghém tất cả các thứ xưa nay bà đã soạn sửa cho Phrít: cái áo nhỏ đầy tháng màu hồng, bộ quần áo cưới màu lông chuột, cùng đôi găng tay trắng, và cả tấm áo tang màu lá úa. Bà đem đến tặng hết cho bà Thỏ và vui vẻ nói:

– Lần này thì bà lão nhanh chân đi trước đây. Bà tặng Thỏ con các thứ cần cho cả một đời cháu đấy!

Bà Thỏ ngạc nhiên, mừng rỡ nói:

– Cảm ơn bà, bà giúp cháu mau mắn quá! Cháu bé Thỏ em này mới sinh hôm kia, mà hôm nay đã nhận quà bà!

Bà Rùa đủng đỉnh đáp:

– Thế đấy, dòng họ nhà Rùa anh cũng nhau nhẩu như thế cả!

Và bà kiêu hãnh trở về nhà để ăn nốt con Sên non đang nằm dài chờ đợi, vì nó cũng chẳng hấp tấp muốn được bà ăn cho chóng. Nhưng bây giờ nó đã già khụ [8] và trở thành Sên cụ [9], Sên kị [10] không lê đi đâu được nữa, mà bà Rùa ấy chắc cũng chả còn nhai nổi thịt nó nữa…

Bài học

Bà Rùa ấy là câu chuyện châm biếm hóm hỉnh của người Nga, nói về những người tuy tốt bụng hay sốt sắng hứa hẹn với mọi người, nhưng lại có tính chậm chạp, lề mề quá mức. Họ chẳng bao giờ chịu làm gì thật khẩn trương, kịp thời nên rút cục chẳng giúp gì cho ai được. Và rồi những lời hứa hẹn sốt sắng của họ vô tình trở thành những lời hứa hão.

Nhân vật bà Rùa ấy trong câu chuyện ngụ ngôn kể trên chính là một hình ảnh sinh động và hóm hỉnh về những người như vậy trong cuộc sống.

 


Chú thích

[1] Tự nhủ: tự mình bảo với mình, thầm nói với mình.
[2] Lễ ăn hỏi: lễ hỏi vợ.
[3] Hớt hải: vội vã, hốt hoảng trước một sự việc bất ngờ (hớt hơ hớt hải).
[4] Báo tử: báo tin có người trong gia đình vừa mới chết.
[5] Áo tang: áo mặc khi để tang người thân trong gia đình. (để tang: tỏ dấu hiệu đau [] buồn do cái chết của người ấy gây ra bằng hình thức áo quần, khẵn mũ đặc biệc).
[6] Lễ tang: lễ chôn cất người chết.
[7] Tái giá: (phụ nữ góa chồng) lấy chồng khác.
[8] Già khụ: già lắm, già hết mức.
[9] Cụ: người sinh ra ông bà mình.
[10] Kị: người sinh  ra cụ mình.

Thầy bói xem voi

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem...

Câu chuyện bó đũa

Ngày xưa, ở một làng nọ có một người nhà rất giàu. Ông ta sinh được những năm người con. Vì quá giàu có nên những người con của ông ta có một đời sống sung sướng thừa thãi về vật chất...

Bọ chét và người đàn ông

Một con bọ chét cắn một người đàn ông cho đến khi anh ta không thể chịu đựng thêm được nữa. Anh ta tìm khắp người và cuối cùng cũng tóm được nó...

Con quạ thông minh

Một con quạ đang khát nước. Nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào.

Chú chó tham ăn và cái bóng

Trên một con đường của ngôi làng nọ, có một chú chó hung dữ lững thững đi dạo trên đường. Bỗng nhiên, một mùi thơm từ đâu bay tới đánh thức cơn đói cồn cào trong bụng nó...

Truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ

Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua...

Chú bé chăn cừu và con cáo

Một chú bé chăn cừu cho chủ thả cừu gần một khu rừng rậm cách làng không xa lắm. Chăn cừu được ít lâu, chú cảm thấy cuộc đời chăn cừu thực nhàm chán.

Kiến và Ve sầu

Ngày hè đỏ lửa, ve sầu lười biếng nằm duỗi chân dưới tán cây. Thỉnh thoảng ve sầu lại nhấm nháp một giọt mật ong thượng hạng, lim dim hưởng thụ thì bất chợt thấy bác kiến thân thể nhớp nháp mồ hôi hì hục vác một hạt gạo...

Truyên ngụ ngôn Cáo và Cò

Ngày xửa ngày xưa, có một con cáo rất xảo quyệt và tinh nghịch. Nó thường giả vờ thân thiện sau đó chơi khăm những con vật khác...