Câu thần chú - Truyện cổ tích Ấn Độ

Chuyện này xảy ra đã lâu lắm rồi, từ khi vua Bơ-ha-đua còn trị vì xứ Kác-mi-rơ.

Một hôm, vua dạo chơi trong vườn thượng uyển cùng với một viên quan đại thần. Ngoài vua và quan đại thần, không ai được bén mảng vào khu vườn cấm tuyệt đẹp đó. Nhưng chiều hôm ấy, cửa vườn bỏ ngỏ và một đạo sĩ đã bước vào trong vườn.

Nhác thấy đạo sĩ, quan đại thần nổi giận quát:

– Quân bay đâu! Mau mang tên ăn mày này ra trị tội. Hắn dám làm cho ô uế cả khu vườn cấm của nhà vua.

Nhưng nhà vua đã ngăn bọn quân hầu lại và nói với đạo sĩ:

– Thưa cụ, cụ đã già nua tuổi tác, có trí thông minh hơn người; cụ đã từng trải nhiều sự đời và nhìn xa biết rộng. Cụ hãy san sẻ cho chúng tôi một chút thông minh rồi hãy về, không ai làm gì cụ đâu.

– Thôi được! Đạo sĩ bằng lòng – Tôi sẽ dạy cho các ngài một phép lạ. Nhưng xin nhớ rằng phép đó đối với những người hiền lành tốt bụng thì không sao, còn đối với những kẻ độc ác thì sẽ rất tai hại.

Viên quan đại thần vội can vua:

– Xin bệ hạ đừng nghe hắn!

– Cứ để cho cụ ấy nói không hề gì. Trong lòng ta không có ác ý.

Đạo sĩ đưa mắt nhìn chung quanh vườn, trông thấy một con vẹt chết nằm ở lối đi và tiến  lại gần nó. Ông ta cúi xuống chỗ con chim, lẩm nhẩm đọc mấy câu thần chú và lập tức ngã lăn ra chết.

Còn con vẹt thì bỗng nhiên sống lại và bay lên cây.

Vua và quan đại thần vô cùng kinh ngạc. Trong lúc ấy con vẹt bay một vòng quanh vườn, quay lại chỗ cũ và lại ngã lăn ra chết giữa lối đi. Vừa lúc ấy thi hài đạo sĩ bỗng như động đậy sau đó ông ta mở mắt và nhỏm dậy, đứng trước mặt hai người, y như không có chuyện gì xảy ra.

Vua và quan đại thần sửng sốt ngạc nhiên. Khi đã bình tĩnh, vua nhờ đạo sĩ dạy cho môn phép lạ đó. Viên quan đại thần cũng năn nỉ xin học, đạo sĩ bảo cho họ mấy câu thần chú bí hiểm và nói:

– Chỉ xin các ngài chớ quên một điều là phép đó đối với những người hiền lành tốt bụng thì không sao, nhưng nó sẽ làm hại tất cả những kẻ gian ác.

Đạo sĩ nói xong, cúi đầu chào và đi ra khỏi vườn thượng uyển.

Ít lâu sau, một hôm vua cùng các chư hầu đi săn. Đi tới rừng, vua và viên quan đại thần nọ tách ra khỏi đoàn và đi dọc theo con đường nhỏ hẹp vắng vẻ. Bỗng con ngựa của vua dừng lại, vua cúi xuống và nhìn thấy một con vẹt chết nằm ngay trên lối đi, một con vẹt đẹp chưa từng thấy, trắng như tuyết, trên đầu có một chỏm lông đỏ thắm, mỏ và chân đều vàng.

Vua muốn thử sức màu nhiệm của câu thần chú bèn bảo quan đại thần:

– Trông kìa, con vẹt đẹp quá! Nhà ngươi hãy đọc thử câu thần chú của đạo sĩ làm nó sống lại xem sao!

Nhưng viên quan nọ chối đây đẩy:

– Kẻ hạ thần chịu không làm được! Thần chưa thật thuộc câu thần chú. Thấy vậy, vua nói:

– Thôi được, nhà ngươi hãy giữ ngựa cho ta, để ta thử đọc câu thần chú của đạo sĩ.

Vua nhảy xuống ngựa, cúi xuống con vẹt và lẩm nhẩm đọc câu thần chú. Ngay lập tức, vua ngã xuống đất tắt thở, còn con vẹt tuyệt đẹp thì sống lại và hí hửng vỗ cánh bay lên cây.

Viên quan đại thần chỉ chờ có thế. Hắn ta nhảy phốc xuống ngựa cúi xuống xác nhà vua mà độc câu thần chú.

Bỗng nhiên hắn ngã khuỵu xuống, tắt thở ngay tức khắc và xác vua Bơ-ha-đua sống lại. Nhưng bây giờ không phải là vua Bơ-ha-đua thật nữa mà là viên quan đại thần xảo quyệt[7] đội lốt vua. Từ nay chúng ta sẽ gọi hắn là vua giả.

Vua giả rút kiếm chém lia lịa vào xác viên quan đại thần, đoạn giương cung bắn con vẹt trắng. Nhưng vẹt đã kịp bay vút vào rừng thẳm, buông lại những tiếng kêu não ruột.

Vua giả nổi giận nhảy phắt lên ngựa phóng tới các chư hầu đang săn bắn ở phía khác và dõng dạc nói:

– Quan đại thần của chúng ra chẳng may bị ngã ngựa chết dập xác, vì một con vẹt lông trắng mào đỏ đã làm ngựa của ông ta hoảng sợ. Nay ta ra lệnh cho các ngươi hãy giết cho kì hết những con vẹt lông trắng mào đỏ trong khu rừng này.

Những người đi săn rất lấy làm ngạc nhiên. Thật là một mệnh lệnh kì quái. Một việc khó hiểu! Nhưng không ai trong bọn họ lại có thể nghĩ ra rằng đó là viên quan đại thần đội lốt vua đã ra lệnh cho họ, còn con vẹt trắng kia mới chính là vua Bơ-ha-đua.

Thế là họ tản ra khắp rừng và bắn tất cả những con vẹt lông trắng mào đỏ.

Khi các chư hầu đã giết hết cả vẹt, vua giả khen ngợi họ lấy làm hài lòng mà trở về hoàng cung.

Vua giả trở về cung điện và bắt đầu cầm quyền theo ý mình. Nhân dân và triều đình rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu vua có chuyện gì xảy ra mà bỗng nhiên trở nên tàn ác, bất công như vậy. Nhưng chẳng ai có thể hiểu được.

Mấy hôm sau, vua giả lại đi săn. Lần này hắn bắn chết được hai con lợn lòi, một con hươu con và một con nai. Nhưng con hươu tuyệt đẹp thì đã thoát khỏi vòng vây và chạy vào rừng. Vua giả đương hăng tiết, liền phóng ngựa đuổi theo. Cuộc săn đuổi kéo dài khá lâu. Hươu đã mệt, nhưng ngựa  của vua giả cũng kiệt sức. Vua giả nổi giận lồng lên và bỗng nhìn thấy xác một con báo đen nằm chết sau bụi cây.

– A ha! Vua giả reo lên – Bây giờ thì mày hết đường chạy trốn! Không một con vật nào có thể thoát khỏi báo đen.

Vua giả nhảy phắt xuống ngựa, cúi xuống báo đen lẩm nhẩm đọc câu thần chú, lập tức hóa thành báo đen và lao theo hươu. Còn xác vua giả thì nằm lại trong bụi.

Lúc đó từ trên ngọn cây một con vẹt lông trắng mào đỏ nhảy vụt xuống như một mũi tên. Nó ngã gục xuống đất, cụp cánh và tắt thở. Còn vua Bơ-ha-đua thì sống lại, nhảy lên ngựa và vui vẻ phóng đến chỗ các chư hầu.

Những người đi săn rất ngạc nhiên thấy vua lại vui vẻ như xưa. Họ đâu biết rằng từ trước đến giờ là vua giả bên họ và chỉ bây giờ vua Bơ-ha-đua thật mới quay lại. Vua Bơ-ha-đua thân mật khuyến khích mọi người và nói:

– Ta nhận thấy ở trong rừng có một con báo đen. Nó đương đuổi theo một con hươu. Giờ các ngươi hãy đi đánh chết nó hoặc bắt sống nó mang về đây cho ta. Nếu được, muốn gì ta cũng thưởng.

Những người đi săn reo lên vui vẻ và phóng ngựa vào rừng. Tiếng của họ mỗi lúc một xa rồi lắng xuống trong cảnh rừng núi bao la. Bốn bề trở nên yên lặng.

Vua Bơ-ha-đua chờ rất lâu và cuối cùng nghe thấy tiếng họ đã trở về. Cả bọn cười nói nhộn nhịp vây quanh lấy vua.

– Chiến lợi phẩm của các ngươi ở đâu rồi? Vua hỏi.

– Thưa bệ hạ, nó kia kìa. – Họ đáp

Họ lập tức dãn ra. Vua nhìn thấy một con báo đen đã chết bị những mũi giáo của các chư hầu xuyên khắp người. Vua nhủ thầm: “Tên đại thần xảo quyệt kia. Trái tim mi tàn bạo như thú dữ và mi đã chết như thú dữ. Đạo sĩ nọ nói quả đúng: câu thần chú đã mang lại cái chết cho kẻ độc ác”. Đoạn vua nói to:

– Các ngươi hãy quẳng xác con báo này cho chó rừng ăn thịt. Bây giờ không đáng sợ chút nào!

Các chư hầu làm đúng theo lời vua bảo.

Nhưng từ đấy trở đi, vua Bơ-ha-đua không bao giờ độc câu thần chú cảu đạo sĩ truyền cho nữa. Biết đâu lại chẳng xảy ra chuyện gì không hay!

Con ngựa mù

Ngày xưa lâu lắm rồi, trên đất nước Nga có một thành phố buôn bán sầm uất ở gần cửa biển. Ở thành phố ấy có một thương nhân rất giàu có. Thuyền ông ta chở hàng đi khắp bốn biển năm châu nên ông ta thu được nhiều bạc vàng...

Bầy Chim Thiên Nga

Ở nơi xa, xa đây lắm, nơi chim nhạn bay đến vào mùa thu, có một nhà vua có mười một con trai và một con gái tên là Li-dơ. Mười một con trai trẻ tuổi ấy đều đeo thánh giá trên ngực và gươm bên mình...

Chú bé tí hon

Xưa có một bác nông dân nghèo, tối tối bác thường ngồi bên lò sưởi, gẩy than cho lửa cháy, và bác gái ngồi xe chỉ...

Con rắn trắng

Thuở ấy có một ông vua nổi tiếng trong cả nước là thông minh, học rộng, biết nhiều. Không cái gì là vua không biết. Người ta có cảm giác dường như gió đưa lại cho vua những tin tức bí mật nhất...

Hoàng tử ếch

Từ thời xa xưa lắm rồi, khi chuyện ước nguyện còn có hiệu nghiệm, một ông vua có mấy cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp cả...

Ông lão đánh cá và con cá vàng

Xưa kia, ở một bờ biển rất rộng lớn nọ, có một ông lão làm nghề đánh cá cùng chung sống với người vợ của mình. Hai vợ chồng già sống trong túp lều rách nát, tồi tàn...

Chu du thiên hạ để học rùng mình

Một người cha có hai người con trai. Người con trai cả thông minh, khôn ngoan luôn tìm cách giải quyết tốt nhất mọi việc...

Chú thợ may nhỏ thó can đảm

Vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời, một chú thợ may bé nhỏ ngồi trên phản bên cửa sổ chăm chú khâu, trong lòng có vẻ khoan khoái lắm...

Người mua giấc mơ

Ngày xửa ngày xưa có hai người lái buôn, một già một trẻ. Họ thường cùng nhau đi buôn chuyến. Một ngày họ đi đến bờ biển thuộc làng Teraddomai. Họ đã thấm mệt sau một chặng đường dài nên họ ngồi nghi một lát...